Thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng ven biển

  • 15:13 | Thứ Ba, 06/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) ven biển tại Quảng Bình vẫn còn những khó khăn thách thức, tình trạng cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá rừng trái pháp luật… vẫn còn diễn ra. Trước thực trạng trên, tỉnh đã tăng cường các giải pháp để quản lý, BVR ven biển.
 
Vùng ven biển Quảng Bình có 24.365ha rừng và đất lâm nghiệp trải dài ở địa bàn 29 xã của huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn; trong đó có 19 xã giáp biển và 10 xã tiếp giáp các xã ven biển. Rừng ven biển có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, củng cố quốc phòng, an ninh...
 
Khu vực phía Bắc của tỉnh có dải rừng ven biển hẹp, chủ yếu là phi lao trên 15 tuổi, gần bờ biển phát triển tương đối tốt. Khu vực ven biển phía Nam có diện tích rừng nhiều, phân bổ trên địa hình rộng hơn. Rừng và đất lâm nghiệp ven biển chủ yếu được giao cho các hộ dân, ban quản lý rừng phòng hộ hoặc chính quyền địa phương quản lý. Do nằm gần đường giao thông, khu dân cư, nghĩa địa nên nguy cơ xảy ra cháy rừng, xâm hại rừng rất cao.
 
Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 25 vụ cháy rừng, xâm hại rừng ven biển, làm thiệt hại trên 400ha rừng các loại. Bên cạnh đó, các dự án xây dựng khách sạn, nghỉ dưỡng, tổ hợp du lịch vui chơi giải trí, khu dân cư, khu đô thị, điện gió… được cấp phép đầu tư và xây dựng phần nào ảnh hưởng tới công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Trong giai đoạn này, khu vực ven biển có trên 100 dự án thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để phát triển kinh tế-xã hội với tổng diện tích đất lâm nghiệp đề nghị chuyển đổi trên 1.400ha.
Các vụ cháy rừng ven biển đã gây thiệt hại hàng trăm ha rừng.
Các vụ cháy rừng ven biển đã gây thiệt hại hàng trăm ha rừng.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết: “Trước đây, rừng ven biển ở khu vực phía Nam do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Quảng Bình quản lý, bảo vệ; lực lượng bảo vệ rừng khá đông, chế độ cơ bản ổn định. Năm 2020, rừng được tạm giao lại cho Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong quản lý. Từ đó, lực lượng bảo vệ rừng dần mỏng đi do liên quan đến việc tinh giản biên chế, chính quyền địa phương cũng không có lực lượng BVR chuyên trách, chế độ đãi ngộ thấp… khiến công tác quản lý, BVR ven biển ngày càng khó khăn”.
 
Để BVR ven biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng trên địa bàn các xã ven biển; đôn đốc, phối hợp các chủ rừng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi chặt phá, đào bới cây rừng; thực hiện tốt biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và phát triển rừng.
 
Huyện Lệ Thủy có trên 12.800ha rừng ven biển, trong đó rừng phòng hộ gần 1.600ha, rừng sản xuất có trên 7.800ha và các loại rừng khác trên 3.400ha. Ông Phạm Văn Bút, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy cho hay: “Nhằm bảo vệ rừng ven biển, đơn vị đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám cơ sở, tham mưu UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp; vận động nhân dân tích cực tham gia BVR. Nhờ đó, nhiều vụ cháy rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, trồng rừng trái phép nhanh chóng được phát hiện, xử lý kịp thời”.
 
Huyện Quảng Ninh có gần 3.700ha rừng ven biển do các ban quản lý rừng, người dân, doanh nghiệp… quản lý. Diện tích rừng nơi đây khá lớn nhưng xen kẻ các khu dân cư và có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua. Cây trong rừng chủ yếu là keo tràm, thông, phi lao, cỏ rười… được trồng từ lâu nên có thảm thực bì dày đặc. Đến mùa khô, rừng ven biển tại huyện Quảng Ninh có nguy cơ cháy rất cao.
 
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Để đối phó với nguy cơ cháy rừng ven biển, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ rừng tu bổ các công trình PCCCR; bố trí, sắp xếp lực lượng PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị; xây dựng phương án PCCCR cấp xã và chủ rừng theo phương châm "4 tại chỗ", làm giảm vật liệu cháy, tạo đai ngăn cách dọc các tuyến đường giao thông để hạn chế cháy rừng xảy ra”.
 
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển Quảng Bình chia sẻ: “Hiện đơn vị đang tiếp nhận thực địa rừng phòng hộ tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, xây dựng tổ chức, cơ sở vật chất, biên chế cán bộ... Tuy nhiên, công việc của chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi sau khi tiếp nhận thêm diện tích rừng phòng hộ ven biển tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, ban chỉ được bổ sung thêm 7 viên chức. Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, nhất là tại các trạm BVR mới thành lập...
Là địa phương còn khá nhiều diện tích rừng ven biển, địa bàn rộng, thời gian qua, công tác bảo vệ rừng ven biển được xã Hải Ninh (Quảng Ninh) rất chú trọng.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phan Quốc Khánh chia sẻ: “Trong những ngày nắng nóng cao điểm, lực lượng Kiểm lâm cùng chính quyền địa phương, chủ rừng trực 24/24 giờ tại các chòi canh; tăng cường kiểm tra, giám sát rừng để sớm phát hiện các điểm phát lửa, báo cáo kịp thời để huy động lực lượng dập tắt đám cháy. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng các hành vi xâm hại rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng được phát hiện, xử lý kịp thời”.
 
Với mục đích bảo vệ tốt hơn diện tích rừng ven biển, ngày 13/9/2022, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2468/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình. Sau khi thành lập, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ trên 12.464ha rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp. Trong đó, 3.749ha rừng và đất lâm nghiệp trước đó do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới quản lý và trên 8.715ha tại huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy tiếp nhận từ Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong quản lý...
 
Xuân Vương

tin liên quan

Điểm tựa cho người dân phát triển kinh tế

(QBĐT) - Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) thực sự phát huy hiệu quả khi giúp người dân có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay, các hộ dân đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và phát triển mô hình trang trại, gia trại lớn hơn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Tập huấn bồi dưỡng chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường

(QBĐT) - Ngày 30/11, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Bình tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên ngành TN-MT cho đội ngũ cán bộ phòng TN-MT cấp huyện và cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường cấp xã.

Khám phá Đồng Hới bằng xe đạp

(QBĐT) - Là thành phố trẻ, êm đềm nằm bên bờ sông Nhật Lệ, Đồng Hới hội tụ đủ sự phóng khoáng của một mảnh đất gần sông, sát biển. Nơi đây, nhịp sống không quá xô bồ, không khí trong lành, những con đường yên bình, rợp bóng cây xanh. Đồng Hới còn mang trong mình những giá trị văn hóa truyền thống, những di tích lịch sử đậm dấu ấn thời gian. Những nét khác biệt đó đã là làm nên sức hút của Đồng Hới trong lòng du khách gần xa.