Tạo sinh kế bền vững cho người dân

  • 11:08 | Thứ Năm, 08/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, các mô hình khuyến nông-khuyến ngư (KN-KN) thiết thực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc thù của từng địa phương đã và đang được triển khai, nhân rộng trên khắp địa bàn tỉnh. Qua đó, mở ra hướng đi trong việc lựa chọn, phát triển đối tượng nuôi mới và tạo sinh kế bền vững cho người dân…
 
Nuôi xen ghép tôm-cua-cá cho hiệu quả
 
Giám đốc Trung tâm KN-KN Trần Thanh Hải chia sẻ, những năm gần đây, tình hình nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn bởi thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, không theo quy luật, môi trường ở các vùng nuôi ngày càng ô nhiễm. Hơn nữa, giá cả các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất gia tăng trong khi giá tôm nguyên liệu không tăng làm cho người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro. Trước tình hình đó, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai thành công mô hình nuôi thủy sản xen ghép tôm sú, cá nâu và cua ở xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn). Mô hình được triển khai thực hiện tại hộ gia đình ông Phạm Văn Thái và Phạm Hồng Thanh trên quy mô 7.000m2, mỗi hộ 3.500m2.
 
Ông Phạm Văn Thái cho biết, theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm KN-KN tỉnh, gia đình ông đã thực hiện định kỳ thay nước 2 lần/tháng, kết hợp xử lý men vi sinh KAS với liều lượng 1kg/6.000m3 nước. Hàng ngày, ông luôn kiểm tra tôm qua sàng ăn nhằm đánh giá mức độ bắt mồi và những dấu hiệu của bệnh trên tôm để có những điều chỉnh tăng giảm về lượng thức ăn cho phù hợp. Trong quá trình nuôi, cứ 30 ngày ông lại kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm, cá và cua một lần…
 
Theo các hộ dân triển khai mô hình, do nuôi xen ghép nên việc cho thức ăn cũng phải có quy trình kỹ thuật, như: Đối với cá nâu chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dành cho cá biển có độ đạm 40%, ngoài ra, có bổ sung thêm rong cho cá ăn. Thức ăn được cho vào khung nổi bố trí ở trong mương. Cá sử dụng thức ăn viên nổi nên việc quản lý thức ăn dễ dàng hơn. Đối với tôm, cho ăn thức ăn công nghiệp dành cho tôm sú độ đạm ≥40%. Hai tháng đầu cho ăn 3lần/ngày, tháng thứ 3 trở đi cho ăn 2lần/ngày. Ngoài ra, hàng ngày dùng sàng để kiểm tra lượng thức ăn, điều chỉnh cho phù hợp. Đối với cua, hai tháng đầu cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp của tôm, tháng thứ 3 trở đi bổ sung thêm thức ăn cá tạp tươi với lượng 1,5kg/ngày/hồ. Kích cỡ thức ăn cũng được điều chỉnh tùy theo từng giai đoạn phát triển của cá, tôm và cua.
 
Nhờ tích cực bám sát mô hình, nên sau 6 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 30con/kg, tỷ lệ sống đạt 60%, năng suất đạt 2 tấn/ha; cá nâu đạt trọng lượng 150g/con, tỷ lệ sống đạt 70%, năng suất đạt 0,52 tấn/ha; cua đạt trọng lượng 250g/con, tỷ lệ sống 50%, năng suất đạt 0,68 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp, mỗi hộ có thu nhập 200 triệu đồng từ mô hình.
 
“Thành công từ mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá nâu và cua đã bổ sung đối tượng, hình thức nuôi mới nhằm thay đổi môi trường nuôi, tận dụng nguồn thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tiến tới nuôi bền vững. Mô hình đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nuôi trên cùng đơn vị diện tích…”, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết.
 
Mở hướng đi từ nuôi chim bồ câu sinh sản
 
 Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản của gia đình ông Trương Quang Tiệu.
Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản của gia đình ông Trương Quang Tiệu.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm KN-KN tỉnh, gia đình ông Trương Quang Tiệu, thôn Tân Lý, xã Minh Hóa (Minh Hóa) đã thực hiện mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản. Sau 7 tháng triển khai, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi cho bà con miền núi huyện Minh Hoá trong việc phát triển đối tượng nuôi mới.
 
Mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản của gia đình ông Trương Quang Tiệu được triển khai từ tháng 5/2022 với quy mô 42 cặp bồ câu bố mẹ, sử dụng giống bồ câu Pháp 3 tháng tuổi. Trong quá trình nuôi, gia đình ông được hướng dẫn kỹ thuật theo phương pháp khuyến nông có sự tham gia, bắt tay chỉ việc trước khi giao giống và theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của chim bồ câu.
 
Ông Trương Quang Tiệu chia sẻ rằng, sau khi được lựa chọn thực hiện mô hình và được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, gia đình ông bắt tay vào làm chuồng nuôi với diện tích khoảng 30m2 và tổ chức xây dựng 2 khu vực ổ đẻ và sân chơi có bao lưới xung quanh. Đặc biệt, là địa phương thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ, vì vậy, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn cho gia đình ông cách tổ chức chuồng nuôi phù hợp nhằm linh động di chuyển, che chắn để thiên tai không ảnh hưởng đến môi trường sống và hoạt động sinh sản của chim bồ câu.
 
“Thức ăn của chim bồ câu chủ yếu là lúa và cám gạo từ sản xuất nông nghiệp của gia đình. Sau 7 tháng nuôi và chăm sóc, tỷ lệ sống của chim bố mẹ đạt 100%, tuổi đẻ lứa đầu ngắn hơn yêu cầu 30 ngày tuổi, tỷ lệ chim non nuôi sống đạt 96%. Đến nay, gia đình đã thu được 127 cặp chim non, trong đó bán chim non 119 cặp với giá 100.000 đồng/cặp, bán giống 8 cặp với giá 250.000 đồng/cặp. Mô hình đã mang lại lợi nhuận cho gia đình tôi khoảng gần 30 triệu đồng từ việc bán chim bồ câu non…”, ông Trương Quang Tiệu cho hay.
 
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản của gia đình ông Trương Quang Tiệu, rất nhiều người dân trên địa bàn xã Minh Hoá đã đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Đây đang được xem là mô hình phát triển sinh kế bền vững, hiệu quả cho bà con huyện miền núi Minh Hoá…
 
“Năm 2022, từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm KN-KN tỉnh đã thực hiện 21 mô hình trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp có 14 mô hình; lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản có 7 mô hình. Các mô hình KN-KN triển khai thực hiện đều mang lại hiệu quả, mở hướng đi mới cho bà con nông dân và đặc biệt là đã thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, hướng đến sản xuất sạch, an toàn, mở ra sinh kế bền vững cho bà con các địa phương trong tỉnh…”, Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho biết thêm.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Thu hút đầu tư ngoài ngân sách có chuyển biến tích cực

(QBĐT) - Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách đã được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để nông thôn mới đi vào cổng nhà dân

(QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) phát triển cả về chất và lượng, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân phát triển, xây dựng các mô hình vườn mẫu NTM. Sự ra đời ngày càng nhiều những vườn mẫu tiêu biểu ở các địa phương đã khẳng định NTM thực sự đi vào cổng nhà dân và thay đổi cuộc sống của họ.  

Khai thác tạm thời sản phẩm du lịch "Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng"

(QBĐT) - Ngày 6/12, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh liên kết, phối hợp với đơn vị đủ điều kiện theo quy định để khai thác tạm thời sản phẩm du lịch "Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng", xã Trường Sơn (Quảng Ninh).