Hiệu quả từ mô hình gia trại tổng hợp

  • 14:24 | Thứ Năm, 03/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi, dám nghĩ dám làm và nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu của người dân địa phương về sử dụng các loại thực phẩm sạch, chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi ở thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, biến vùng đất đồi khô cằn thành gia trại với những cây trồng, vật nuôi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Trước đây, nguồn thu nhập của gia đình chị Lợi phụ thuộc vào việc nuôi trồng các loại cây con truyền thống theo hình thức tự cung tự cấp và buôn bán nhỏ lẻ cho người dân trong thôn, xóm. Vì vậy, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
 
Mô hình gia trại tổng hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh) cho thu nhập ổn định.
Mô hình gia trại tổng hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh) cho thu nhập ổn định.
Luôn trăn trở phải làm gì để tận dụng hết lợi thế đất đai, nguồn nhân lực hiện có, chị Lợi đã không quản ngại khó khăn, tự tìm tòi, học hỏi kiến thức chăn nuôi, trồng trọt trên các kênh truyền hình, báo, tạp chí; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã, mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình VAC để phát triển kinh tế gia đình.
 
Với phương châm “Lấy ngắn nuôi dài”, trên diện tích đất vườn nhà gần 5ha, chị Lợi đã kết hợp bố trí nhiều loại cây trồng, vật nuôi. Hiện gia trại của gia đình chị có hơn 30.000 cây keo, tràm, bạch đàn và các loại cây lưu niên, như: Ổi, bưởi, chuối, măng, luồng; 1 ao cá có diện tích 2000m2; 1 ao nuôi ốc bươu đen; kèm theo đó là dê, lợn rừng, dúi, bò và gần 300 gia cầm.
 
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi chia sẻ: “Các loại vật nuôi như lợn rừng, dúi, dê có khả năng thích ứng với thời tiết tốt hơn các giống vật nuôi truyền thống ở địa phương. Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sát trùng thường xuyên và tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đặc biệt thức ăn cũng phải hoàn toàn tự nhiên để chất lượng vật nuôi khi ra thành phẩm luôn bảo đảm”.
 
Mỗi năm, lợn mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa khoảng 40 lợn con, thời gian nuôi trên 9 tháng là có thể xuất bán, với trọng lượng mỗi con khoảng 25kg. Riêng dê sinh khoảng 2 lứa/năm, mỗi lứa 2 dê con, mỗi năm gia đình chị Lợi xuất bán khoảng 3 đợt dê thịt.
 
Đầu năm 2022 này, chị Lợi thả nuôi 30 con dúi bố, mẹ. Đây cũng là loài dễ nuôi, nguồn thức ăn dễ kiếm. Dúi sinh sản 3 lứa/năm, khoảng  3-5 dúi con/lứa. Khi dúi con 2 tháng tuổi, tách mẹ là dúi mẹ sẽ sinh sản tiếp lứa mới và có thể sinh sản liên tục từ 7-8 năm. Hiện đàn dúi của gia đình chị Lợi đã sắp đến kỳ xuất bán, hứa hẹn mang lại thu nhập đáng kể. Với sự cần cù, chịu khó trong lao động, mô hình gia trại tổng hợp của gia đình chị Lợi cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới) Trần Minh Hùng cho biết: “Mô hình gia trại tổng hợp của gia đình chị Lợi luôn đi đầu trong việc đưa giống vật nuôi mới vào chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế. Những năm qua, chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã cũng đã tạo điều kiện để gia đình chị tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển vật nuôi mới. Hội Nông dân xã đang định hướng cho gia trại chị Lợi đầu tư phát triển tốt đàn vật nuôi, lựa chọn sản phẩm phù hợp, hoàn thiện các tiêu chuẩn theo quy định để tham gia xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới”.
 
Để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân TP. Đồng Hới đã tạo điều kiện cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, định hướng, tư vấn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương; tín chấp cho hội viên vay vốn sản xuất từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp. Cùng với đó, các cấp hội tích cực tuyên truyền, phát động gia đình hội viên, nông dân đăng ký tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Đồng Hới Đặng Văn Châu cho biết thêm: “Mô hình gia trại tổng hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi là một trong những mô hình mang tính chất mới, diện tích tương đối lớn. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố sẽ chỉ đạo và đồng hành cùng với Hội Nông dân xã Đức Ninh vận động và tạo mọi điều kiện để chủ thể tham gia vào chương trình OCOP, góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương hoàn thành chương trình nông thôn mới nâng cao theo mục tiêu đã đề ra”.
 
Cái Huệ

tin liên quan

Phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng nông nghiệp

(QBĐT) - Bằng nguồn vốn được Trung ương phân bổ và các nguồn vốn khác, những năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Quảng Bình đã đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng để phục vụ cho phát triển sản xuất bền vững, tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

TX. Ba Đồn: Thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11

(QBĐT) - Năm 2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Ba Đồn được giao chỉ tiêu, kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 là 42,020 tỷ đồng.

Minh Hóa: Phát triển kinh tế từ cây bưởi da xanh

(QBĐT) - Với sự giúp sức từ các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và huyện..., xã Hóa Hợp (Minh Hóa) đã triển khai cho nhiều hộ gia đình cải tạo vườn tạp, thực hiện các mô hình trồng bưởi. Bước đầu, các mô hình này đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.