Những tổ trưởng tổ vay vốn trách nhiệm, năng động

  • 16:22 | Thứ Bảy, 20/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với sự nhiệt huyết, hết lòng vì người nghèo, những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) đã làm tốt nhiệm vụ dẫn vốn về với người dân có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ làm tốt vai trò là chiếc cầu nối giữa người dân với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những tổ trưởng này còn là điển hình phát triển sản xuất giỏi.
 
 “Giỏi việc nước...
 
Gần 20 năm gắn bó với NHCSXH và giữ vai trò là Tổ trưởng Tổ TK-VV thôn Hợp Bàn, xã Quảng Hợp, chị Nguyễn Thị Tuyết được xem là một trong những tổ trưởng có thâm niên nhiều nhất ở huyện Quảng Trạch. Vốn xuất thân là gia đình nông dân, nên chị thấu hiểu những khó khăn của hội viên. Chính vì vậy, chị luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình để nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn đúng quy định và phát huy tối đa nguồn vốn được vay.
 
Chị Tuyết chia sẻ: “Hợp Bàn là thôn miền núi đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nơi đây vẫn còn cao, đời sống người dân, vì vậy còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây, khi nguồn vốn tín dụng bắt đầu triển khai về địa phương, do người dân chưa hiểu được vai trò, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng CSXH nên sau khi vay vốn, nhiều trường hợp không chịu trả lãi và hoàn vốn đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tôi đã giải thích và hướng dẫn các tổ viên cam kết cùng chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo quy ước của tổ. Nhờ có hoạt động tín dụng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Trạch mà người dân Hợp Bàn đã tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, có vốn sản xuất để nâng cao mức sống cho gia đình”. 
Mặc dù bận rộn với nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ TK-VV nhưng chị Trần Thị Bi vẫn mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi.
Mặc dù bận rộn với nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ TK-VV nhưng chị Trần Thị Bi vẫn mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi.
Với trách nhiệm và sự nhiệt tình của chị Tuyết, những năm qua, trên địa bàn thôn, ý thức của hội viên đã nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng không còn xảy ra. Hiện nay, tổ TK-VV của chị có 52 tổ viên. Tổng dư nợ 3,5 tỷ đồng, số dư tiền gửi 249 triệu đồng.
 
Là một trong những Tổ trưởng Tổ TK-VV xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới), chị Trần Thị Bi được nhiều người nhận xét nhiệt tình và trách nhiệm. Chị cho biết: “Để gắn bó được với công việc này thì bản thân phải luôn nhiệt tình và xông xáo. Nếu không thì nguồn vốn tín dụng CSXH sẽ không thể đến kịp thời và đúng đối tượng được vay vốn. Qua nhiều năm hoạt động, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi đã thực hiện tốt công tác kết nạp tổ viên và bình xét cho vay các khoản vay, chương trình vay đúng đối tượng. Nhiều hộ sau khi vay vốn đã sử dụng đúng mục đích và trả gốc, lãi, tiết kiệm đúng quy định”.  
 
... đảm việc nhà”
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.206 tổ TK-VV; có 1.976 tổ xếp loại tốt (tỷ lệ 89,6%), 177 tổ xếp loại khá (tỷ lệ 8%), 7 tổ xếp loại yếu (tỷ lệ 0,4%).
Không chỉ làm tốt vai trò của tổ trưởng tổ TK-VV, các chị còn là những gương tiêu biểu trong thi đua phát triển sản xuất. Chị Trần Thị Bi chia sẻ: “Hoạt động trong tổ TK-VV nên tôi thấy được vai trò của nguồn vốn vay tín dụng đối với những hộ khó khăn. Nhờ có nguồn vốn này mà tôi đã tiếp tục theo nghề truyền thống của ông bà để lại”.
 
Theo lời kể của chị, trước đây, gia đình chị có nghề làm hương truyền thống. Nghề này đến đời chị là duy trì được 3 thế hệ. Tuy nhiên, cách đây 1 năm, xưởng làm hương của chị không may bị lửa thiêu rụi. Toàn bộ máy móc, nguyên liệu và hương thành phẩm bị cháy hoàn toàn, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Đang trong lúc khó khăn nhất, chị được NHCSXH cho vay số tiền 50 triệu đồng. Từ số tiền này, chị vay mượn thêm người thân để mua lại máy móc và khôi phục lại xưởng làm hương.
 
“Đây là nghề truyền thống lâu đời của gia đình tôi nên dù gặp khó khăn tôi vẫn quyết để giữ lại nghề. Trước đây, gia đình tôi làm hoàn toàn bằng thủ công, nhưng nay tôi đã đầu tư vốn, mua máy móc về sản xuất. Hiện tại, sản phẩm hương Vạn Lộc của gia đình tôi đã đăng ký nhãn hiệu. Với chất lượng hương bảo đảm và thơm nên được người dân trong tỉnh tin tưởng lựa chọn. Với nghề sản xuất hương này mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng”, chị Bi cho hay.
 
Bận rộn với công việc Tổ trưởng tổ TK-VV nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết vẫn dành thời gian để phát triển kinh tế của gia đình. Chị Tuyết cho biết: “Hợp Bàn là thôn miền núi nên đất sản xuất lúa rất ít. Gia đình tôi trước chỉ được nhận 3 sào lúa, tuy nhiên phải phụ thuộc vào thời tiết nên hiệu quả không cao. Nếu chỉ trông chờ vào vài sào lúa để phát triển kinh tế thì rất khó để có khoản dư thừa, tiết kiệm. Thấy nhiều hộ vay vốn phát triển kinh tế hiệu quả, tôi cũng mạnh dạn vay để phát triển chăn nuôi. Từ một, hai con lợn, tôi gây đàn dần được hơn 30 con lợn thịt. Chăn nuôi có vốn, tôi bắt đầu mua thêm 4 con bò sinh sản để nhân đàn. Có vốn tôi cũng đầu tư mua cây giống trồng 1,4ha rừng tràm, bạch đàn. Thu nhập của gia đình tôi nhờ đó ngày càng được cải thiện, nâng cao”.
 
Đ. Nguyệt

tin liên quan

Dựng hàng rào... ngăn chuột

(QBĐT) - Trên cánh đồng lúa hè-thu đang bắt đầu cúi chín dưới cái nắng gắt có những khoảng rộng màu vàng úa. Ông Lê Văn Thái, thôn Đông Thành, xã Liên Thủy (Lệ Thủy) giọng buồn: "Những khoảng đó là lúa đã bị chuột cắn phá hết. Năm nay, chuột về dữ lắm..."

Mùa sim chín ở Hồng Hóa

(QBĐT) - Bắt đầu từ tháng 7, sim ở các vùng đồi chín rộ, người dân ở một số xã trên địa bàn huyện vùng cao Minh Hóa lại đi hái sim rừng về nhập cho thương lái, chỉ vài giờ đồng hồ có thể hái được cả yến sim. Năm nay, sim được mùa lại được giá nên người dân có thu nhập khá từ thu hái "lộc rừng".

Vốn vay tín dụng, điểm tựa cho người nghèo

(QBĐT) - Với vai trò là đơn vị nhận ủy thác cho vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Bố Trạch đã triển khai các gói vay đến từng hội viên. Nhờ đó, nhiều nông dân đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu.