Mùa sim chín ở Hồng Hóa

  • 07:14 | Thứ Bảy, 20/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bắt đầu từ tháng 7, sim ở các vùng đồi chín rộ, người dân ở một số xã trên địa bàn huyện vùng cao Minh Hóa lại đi hái sim rừng về nhập cho thương lái, chỉ vài giờ đồng hồ có thể hái được cả yến sim. Năm nay, sim được mùa lại được giá nên người dân có thu nhập khá từ thu hái “lộc rừng”.
 
Lên đường từ 4 giờ sáng, chị Cao Thị Ngân cùng nhiều người dân ở thôn Quảng Hóa, xã Hồng Hóa bắt đầu len lỏi vào rừng sâu để đến với những đồi sim tự nhiên. Các đồi sim cách nhà từ 10-20km, phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ vừa đi xe máy, vừa đi bộ mới đến được nơi có sim để thu hoạch. Đều đặn cứ đến khoảng 10-11 giờ trưa, từng đoàn người chở theo những bao tải sim chín mọng trở về.
 
Chị Ngân kể: Từ đầu mùa sim đến nay, chị đã trên 20 lần vào rừng hái sim, ngày nhiều nhất cũng được gần 20kg, ngày ít thì 8kg. Năm nay sim được giá và có thương lái chờ mua ngay ở bìa rừng nên chị rất phấn khởi, nhẩm tính mùa sim này chị hái bán được trên 4 triệu đồng. Bà con đi hái sim rất đông, qua nhiều quả đồi. Mới đầu chưa quen đường thì đi hơi chậm, nhưng dần có lối mòn và cứ hái hết vùng này, lại nhìn thấy vùng cây sim khác đang bắt đầu chín rộ, nên bà con rất phấn khởi.
 
Hồng Hóa là địa phương có phong trào đi hái sim rừng nhiều nhất, có lẽ vì nơi đây có diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ và rừng tự nhiên khá lớn. Hơn nữa, những năm gần đây, việc thu hoạch sim rừng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể nên bà con đã có ý thức bảo vệ những rừng sim tự nhiên. Các đồi sim chủ yếu nằm gần thác Cún, giáp với xã Yên Hóa và vùng Cầu Roòng giáp với huyện Tuyên Hóa. 
Chị Cao Thị Ngân có thêm thu nhập nhờ đi hái sim rừng
Chị Cao Thị Ngân có thêm thu nhập nhờ đi hái sim rừng
Từ giữa tháng 7, sim bắt đầu chín rộ, trung bình mỗi ngày, nhiều người dân trong xã Hồng Hóa có thể hái từ 10-20kg sim. Hiện nay, giá sim dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, người dân có thể kiếm từ 200.000-500.000 đồng. Có gia đình, cả hai vợ chồng cùng đi hái sim, thu về tiền triệu mỗi ngày, góp phần trang trải cuộc sống và lo cho con cái trước thềm năm học mới.
 
Chị Cao Thị Mai, một thương lái chuyên thu mua sim ở Hồng Hóa cho biết: “Mùa sim chín, người dân đến nhập bao nhiêu thì chúng tôi thu mua hết bấy nhiêu, cao điểm, có khi lên đến cả tấn. Năm nay, sim được mùa, quả căng mọng, mức giá chúng tôi mua cho bà con dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg, cao vài giá so với năm ngoái. Sim thu mua về chúng tôi chọn lọc và xuất bán ra các tỉnh phía Bắc.
 
Ông Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa cho biết: "Thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây sim rừng cho quả nhiều. Sim bán được giá nên bà con rất phấn khởi. Sim rừng chín rộ vào khoảng thời gian nông nhàn nên bà con vừa tận dụng được lúc rảnh rỗi, vừa có thêm thu nhập. Từ giữa tháng 7 đến nay, mỗi ngày có hàng chục người dân vào rừng hái sim, hết mùa sim, có nhà kiếm được gần 20 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất ý nghĩa để người dân có thể trang trải những khoản chi phí lớn trong gia đình”.
 
Thùy Linh
(Trung tâm VH -TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Dựng hàng rào... ngăn chuột

(QBĐT) - Trên cánh đồng lúa hè-thu đang bắt đầu cúi chín dưới cái nắng gắt có những khoảng rộng màu vàng úa. Ông Lê Văn Thái, thôn Đông Thành, xã Liên Thủy (Lệ Thủy) giọng buồn: "Những khoảng đó là lúa đã bị chuột cắn phá hết. Năm nay, chuột về dữ lắm..."

Trên những cánh đồng lớn…

(QBĐT) - Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn đang được nhiều địa phương tại huyện Lệ Thủy tích cực triển khai bởi những ưu thế vượt trội, như: Giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, ổn định đầu ra sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích. Nhưng, để cánh đồng lớn thật sự lớn, còn những khó khăn, hạn chế căn cơ trong triển khai thực hiện mô hình này cần được giải quyết…

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Lệ Thủy không ngừng được quan tâm, chú trọng. Địa phương đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống tốt vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giá trị kinh tế rừng.