Vốn vay tín dụng, điểm tựa cho người nghèo

  • 11:00 | Thứ Bảy, 20/08/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với vai trò là đơn vị nhận ủy thác cho vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Bố Trạch đã triển khai các gói vay đến từng hội viên. Nhờ đó, nhiều nông dân đã đầu tư phát triển mô hình kinh tế, từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu.  
 
Những năm trước, gia đình anh Nguyễn Văn Bình, thôn 7, xã Mỹ Trạch là một trong những hộ nghèo của xã. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh đã từng bước thoát được hộ nghèo, hộ cận nghèo để trở thành hộ gia đình có kinh tế khá.
 
Anh Bình vui mừng chia sẻ: “Sau khi nhận được nguồn vốn vay, tôi đầu tư mua bò sinh sản về chăn nuôi. Từ 3 con bò sinh sản, tôi đã nhân giống dần và xuất bán hàng năm. Nhờ chăn nuôi bò, tôi bắt đầu tích lũy được vốn để trả nợ ngân hàng. Sau khi trả được gói vay dành cho hộ nghèo, tôi vay tiếp khoản vay dành cho hộ thoát nghèo để đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi thêm 30 con lợn thịt. Ngoài ra, trang trại của tôi hiện cũng nuôi thêm vài trăm con gà và 2 ao cá với diện tích 1ha”.
 
Nguồn vốn tín dụng CSXH đã thay đổi cuộc sống của gia đình anh Bình với mức thu nhập hiện nay trên 100 triệu đồng và xây được nhà cửa khang trang.
Được tiếp cận gói vay tín dụng CSXH, nhiều hộ nông dân đã đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Được tiếp cận gói vay tín dụng CSXH, nhiều hộ nông dân đã đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất.
Ông Trần Văn Thanh, thôn Đông Giang, xã Hưng Trạch cũng là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Năm 2015, thông qua Hội Nông dân huyện, ông được vay số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển kinh tế. Nhận được số tiền vay từ NHCSXH, ông bắt tay cải tạo 1ha đất vườn để phát triển kinh tế trang trại. Hiện nay, trang trại của gia đình ông Thanh đã phát triển ổn định với việc trồng cây ăn quả và luân phiên các loại rau màu gối vụ, đồng thời nuôi 6.000-8.000 con gà thả vườn và 4 con bò cái sinh sản. Mỗi năm, trừ mọi chi phí, gia đình ông có lãi trên 100 triệu đồng. 
 
Ông Thanh chia sẻ: “Trước đây mình là hộ nghèo, cũng có một số đất đai, vườn tược nhưng không có vốn làm ăn. Nay nhờ vay vốn của NHCS, tôi có vốn để về đầu tư phát triển kinh tế, chăn nuôi gà, bò, trồng cây ăn quả. Có thu nhập ổn định, con cái tôi được ăn học đàng hoàng”.
 
Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch cho biết: Thời gian qua, hội đã nhận ủy thác cho vay vốn tín dụng CSXH của PGD NHCSXH huyện. Đây là chủ trương nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhanh chóng, thuận lợi. Thông qua hoạt động ủy thác, các tổ chức hội ở địa phương đã phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH và thực hiện chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm.
 
Hội đã phối hợp với NHCSXH và các ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ ủy thác và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên, giúp hộ vay vốn mạnh dạn đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích, đưa lại hiệu quả cao. Hội cũng vận động hội viên tham gia thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) ở các tổ dân phố, thôn, bản của 28 xã, thị trấn toàn huyện. Đến nay, hội đã có 28/28 cơ sở hội xã, thị trấn được hợp đồng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, quản lý 145 tổ TK-VV.
 
Công tác kiểm tra, giám sát được triển khai thực hiện chặt chẽ. Hàng năm, Hội Nông dân huyện đã thực hiện kiểm tra 100% hội xã, 30% tổ TK-VV và một số hộ vay. Nhờ duy trì công tác kiểm tra thường xuyên đã chỉ đạo cơ sở đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng thời gian quy định, đồng thời theo dõi được các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
 
Đến nay, tổng dư nợ ủy thác các chương trình cho vay do Hội Nông dân huyện Bố Trạch quản lý là 236 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ  35% dư nợ ủy thác, với 810 khách hàng vay vốn; bình quân 1 khách hàng vay 62 triệu đồng. Doanh số cho vay là 50 tỷ đồng; chất lượng tín dụng được bảo đảm, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,05%.
Qua 20 năm phối hợp thực hiện, Hội Nông dân huyện Bố Trạch đã thực hiện tốt các nội dung trong hợp đồng ủy thác đã ký kết với NHCSXH. Dư nợ ủy thác do các cấp hội quản lý đã và đang phát huy hiệu quả.
 
Nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, như: Sản xuất nấm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm sinh sản, trồng rừng nguyên liệu… đã trở thành nhân tố mới trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do hội phát động.