Đưa sản phẩm bột bánh canh Quảng Bình "vươn xa"

  • 07:32 | Chủ Nhật, 10/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bằng sự đam mê, kết hợp với việc học hỏi thêm quy trình sản xuất, sáng tạo trong lao động, sản phẩm bột cháo canh của cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương, xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhờ chính chất lượng mà người sản xuất đưa vào sản phẩm. 
 
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, năm 1988, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Phan Văn Kính đã gặp không ít trắc trở trong cuộc sống. Ông Kính chia sẻ, lúc đó tất cả mọi chi phí trong gia đình đều trông chờ vào hạt lúa nhưng giá lúa thấp nên không đủ để trang trải cuộc sống. Là cựu quân nhân, không thể cam chịu đói nghèo, nhận thấy ở địa phương chưa có ai làm bột cháo canh, trong khi nhu cầu thị trường khá cao nên ông đã quyết định học nghề làm bột.
 
Cháo bánh canh Quảng Bình là một trong những món đặc sản ngon nức tiếng mà bất kỳ ai thưởng thức qua một lần cũng nhớ hoài hương vị. Được biết, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương được làm từ bột gạo khô, không qua ngâm, ủ nên không mất đi lượng tinh bột, sợi bột trắng và khi nấu không bị nát, ăn vào có vị ngọt, thơm đặc trưng của bột gạo nguyên chất từ các giống lúa địa phương. Chỉ cần nấu nước dùng (với tôm, thịt, xương hoặc cá…), bỏ bột cháo canh vào sôi 5-7 phút, tắt bếp, thêm hành, ngò, rau thơm là có bát cháo bánh canh Quảng Bình thơm ngon, hấp dẫn.
Thời gian đầu, cơ sở của ông Kính chỉ sản xuất trung bình từ 15-20kg bột cháo canh thành phẩm mỗi ngày và phải đem đến chợ, các quán ăn nhỏ chào bán. Với đặc điểm sử dụng 100% gạo loại 1 do người dân Bắc Trạch làm ra, không sử dụng chất bảo quản, chất làm trắng cộng với công thức riêng biệt, chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm đã được người dân, hàng quán bán cháo canh trên địa bàn huyện Bố Trạch, TX. Ba Đồn ưa chuộng, từ đó sản lượng đã tăng dần lên.
 
Khi sản phẩm đã được chấp nhận và có tiềm năng tiêu thụ rộng rãi, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2010, quy mô sản xuất của cơ sở đã được mở rộng cả về trang thiết bị, máy móc và nhân công làm việc để tăng năng suất. Tuy nhiên, cái khó lại nảy sinh do sản phẩm của cơ sở chủ yếu là bột cháo canh tươi, thời gian sử dụng ngắn (khoảng 36 tiếng) nên phải tiêu thụ ngay, không để tồn kho và không thể vận chuyển đi xa được. Vì vậy, để kéo dài thời gian sử dụng, nhất là làm quà gửi cho con em xa quê, gia đình đã nghiên cứu sản xuất thêm sản phẩm bột cháo canh khô.
 
"Với con em Quảng Bình, khi xa quê, nhất là đi xuất khẩu lao động, thứ mà họ luôn muốn mang theo là gói bột cháo canh, nó như một hương vị đã quen thuộc của quê nhà. Năm 2016, tôi đã đầu tư máy sấy sản xuất bột cháo canh khô nhằm bảo quản được lâu và dễ dàng tiêu thụ ở thị trường xa. Từ đó đến nay, bột cháo canh khô của cơ sở không chỉ được những người con xa quê mà cả du khách thập phương cũng ưa chuộng mang theo trước khi rời mảnh đất Quảng Bình", ông Kính cho biết thêm.
 
Năm 2020, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các sở ngành liên quan, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương đã có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…
 
Đặc biệt, với “tấm vé thông hành” là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022, cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương như được chắp thêm "cánh" để thực hiện ước mơ đưa đặc sản Quảng Bình vượt khỏi “ao làng”, vươn ra thị trường lớn trong và ngoài nước. 
Cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương đã đầu tư máy sấy sản xuất bột cháo canh khô để tiêu thụ ở thị trường xa.
Cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương đã đầu tư máy sấy sản xuất bột cháo canh khô để tiêu thụ ở thị trường xa.
Theo chia sẻ của ông Phan Văn Kính, yếu tố quan trọng để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường chính là chất lượng. Với ông, bột cháo canh không chỉ dừng lại ở một sản phẩm hàng hoá mà còn là giá trị truyền thống, văn hóa ẩm thực của người dân Quảng Bình. Do đó, tiêu chí chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu, phát triển sản phẩm bằng cái “tâm” chứ không vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
 
Đến nay, trung bình mỗi ngày cơ sở Kính Hương sản xuất được từ 200-300kg bột cháo canh tươi, 100kg bột cháo canh khô thành phẩm. Vào những dịp cao điểm như lễ, Tết sản lượng tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi. Cùng với thị trường trong tỉnh, sản phẩm cháo canh Kính Hương đã có mặt ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
 
Ngoài ra, sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử Shoppe, các website doanh nghiệp dưới dạng sản phẩm đặc sản của địa phương và đã được nhiều người tin dùng. Sản lượng tiêu thụ năm sau luôn tăng nhiều hơn so với năm trước, điển hình như năm 2021 tăng 150% so với năm 2020 (riêng sản phẩm bột cháo canh khô tăng 200%).
 
Ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch cho biết: “Ở Bắc Trạch, cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương có quy trình sản xuất đạt chuẩn, chất lượng sản phẩm đã và đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Hiện nay, bột cháo canh Kính Hương đã đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chương trình OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, được các cơ quan chức năng kiểm tra và đánh giá rất cao.
 
Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng với cơ sở trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu các nguồn vốn vay ưu đãi để cơ sở mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm ngày càng vươn cao, vươn xavào các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.  

Bột cháo canh Kính Hương đã được Sở Công thương chọn tham gia sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022. Chị Phan Thị Thúy Kiều, Quản lý cửa hàng đặc sản miền Trung xứ Quảng cho biết: Mặc dù là sản phẩm mới bán nhưng bột cháo canh Kính Hương là một trong những sản phẩm có nhiều khách du lịch hỏi mua. Hiện cửa hàng mới tiêu thụ được khoảng 10kg bột/ngày, nhưng sẽ tăng dần trong thời gian tới vì sản phẩm được khách hàng đánh giá là chất lượng và dễ sử dụng. 

                                                                                         Thanh Hoa

tin liên quan

Nhiều diện tích lúa hè-thu bị nhiễm sâu bệnh

(QBĐT) - Tin từ Phòng NN và PTNT huyện Minh Hóa cho biết, tính đến ngày 9/7, nông dân trên địa bàn huyện Minh Hóa đã thực hiện gieo trồng được khoảng 95% diện tích lúa hè-thu năm 2022.

Giảm nghèo từ nguồn vốn chính sách

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Trong đó, từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã chủ động vay vốn, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường ven biển

(QBĐT) - Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình được các cấp, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Dự án thành phần 1-Đường ven biển đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.