Cựu chiến binh dám nghĩ, dám làm

  • 06:01 | Thứ Tư, 06/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Về xã Quảng Đông (Quảng Trạch), không ai là không biết ông Lê Văn Thái, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn 19-5. Với mô hình nuôi hải sản lồng bè trên biển, ông đã tạo việc làm cho 30 lao động, thu nhập bình quân từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
 
Sinh năm 1964 ở xã Quảng Phú, năm 1983, ông Lê Văn Thái nhập ngũ vào Vùng 5 Hải quân. Sau hơn 4 năm công tác trong quân đội, năm 1987, ông xuất ngũ về địa phương, vào Hội CCB và chuyển đến sinh sống ở thôn 19-5, xã Quảng Đông. Lúc này, đời sống kinh tế-xã hội nói chung, gia đình nói riêng ông còn rất thiếu thốn. Với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" và ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông Lê Văn Thái trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ đồng đội vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống khá giả hơn.
 
Gần 20 năm với nghề kinh doanh hải sản tươi sống, CCB Lê Văn Thái cùng vợ là Trịnh Thị Loan không chỉ nâng cao thu nhập gia đình, tạo việc làm cho khoảng 5-10 lao động, mà còn giúp ông thêm dày dặn tư duy và kinh nghiệm đối với mặt hàng này. Không thỏa mãn với những gì đạt được, nhận thấy địa bàn có bờ biển khá thuận lợi, Vũng Chùa là vùng biển có dòng hải lưu ổn định, ông quyết tâm khăn gói vào các tỉnh phía Nam, tìm hiểu cách làm ăn.
 
Khi đã tự tin, ông quyết định chuyển sang nuôi trồng hải sản trên biển. Năm 2018, ông đăng ký nhận thầu với địa phương 5ha mặt biển ở khu vực trên để làm kinh tế. Khởi đầu rất gian nan, ông phải xoay xở, vay mượn hàng tỷ đồng để đầu tư lồng bè, con giống và thức ăn. Vượt qua bao khó khăn, bằng ý chí, nghị lực của người lính và tinh thần cần cù, chịu khó, bước đầu ông đã thành công.
 
Năm 2019, cơ sở của ông xuất ra thị trường gần 20 tấn sò lụa, 10 tấn ốc hương, 15 tấn cá bớp, hơn 100kg tôm hùm… Ngoài chi phí và trả lương công nhân, ông thu lãi ròng hơn 500 triệu đồng. Song, với cách nuôi đại trà, không có sự lựa chọn, tốc độ lớn của con giống còn hạn chế. Thích ứng nhanh với thị trường, ông vừa thu mua con giống tự nhiên tại địa bàn, vừa liên hệ nhập giống tốt của các cơ sở trong cả nước để nuôi thương phẩm. Có thời điểm từng thất bại do thời tiết và dịch bệnh, nhưng ông luôn tìm ra bài học và hướng khắc phục.
 
Ngoài những con giống truyền thống, cơ sở của ông còn nuôi ổn định từ cá mú, cá hồng, cá vược, cá chình, mực cho đến ghẹ các loại. Hiện ông đang thả nuôi tự do trong vùng hơn 300 tấn sò lụa, mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Trọng lượng lúc thả 320 con/kg; qua 7 tháng sò lớn gấp đôi, đạt 160 con/kg; dự kiến đầu năm 2023 sẽ cho thu hoạch từ 850-1.000 tấn sò.
 
Theo ông Thái, nuôi sò lụa không dùng thức ăn, bởi chúng chỉ ăn phù du trong bùn và nước biển; cũng không lo thất thoát, vì sò sống cắm xuống bùn, rất ít di chuyển; biện pháp khai thác rất đơn giản, dùng vòi hơi áp lực cao từ thuyền lặn, thổi trực tiếp xuống bùn xới tung sò lên rồi dùng vợt để xúc. Đối với cá bớp hiện có 4.000 con, trọng lượng từ 1-1,5kg; dự kiến cuối năm 2022 mỗi con từ 3,5-4kg, sẽ cho thu hoạch trên 15 tấn, giá bình quân 250.000 đồng/kg.
 
Ông hiện có 1 tàu lặn, 3 canô dùng để chăm sóc vật nuôi và đưa đón nhân lực; 9 lồng bè, trong đó có 4 lồng bè chuyên nuôi cá bớp, giá thành mỗi lồng hơn 500 triệu đồng; số còn lại nuôi tổng hợp các loại cá mú, cá hồng, cá vược, cá chình… Riêng ốc hương được nuôi tự do, có lưới bao quanh, chôn sâu xuống biển để phòng ốc di chuyển ra ngoài. Hai năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh, song sau thời gian "đứng hàng", cơ sở của ông có 30 lao động, hầu hết là CCB và con em của họ đã hoạt động ổn định, với mức lương từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.
 
Ngoài chăm lo làm giàu chính đáng cho gia đình, ông Thái còn vận động mọi người chuyển đổi cây trồng vật nuôi; sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp bà con cùng vượt qua khó khăn, làm ăn hiệu quả. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, ông còn tích cực trong xây dựng tổ chức hội, nghĩa tình đồng đội và từ thiện nhân đạo; Chi hội CCB thôn 19-5 do ông làm Chi hội trưởng là điển hình trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Ba năm qua, ông là thành viên Câu lạc bộ (CLB) Doanh nhân Hội CCB huyện Quảng Trạch.
 
Với những kết quả đạt được, 5 năm liền ông Thái được công nhận hội viên CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã, cấp huyện. Từ năm 2019 đến nay, ông được chính quyền xã, huyện và Hội CCB các cấp tặng giấy khen.
 
Ông Cao Xuân Đố, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân CCB huyện Quảng Trạch cho biết: “CCB Lê Văn Thái là thành viên nhiệt tình trong các phong trào của hội và của CLB. Ngành nghề kinh doanh của ông rất đặc thù, nhạy cảm trước diễn biến của môi trường, thiên tai và các yếu tố rủi ro khác. Song ông vẫn mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, thể hiện ý chí vươn lên phát triển kinh tế và giúp nhau giảm nghèo bền vững”.
 
Cơ sở nuôi trồng hải sản trên biển của CCB Lê Văn Thái trở thành mô hình trình diễn của Hội CCB huyện Quảng Trạch, Hội CCB tỉnh Quảng Bình, giúp nhiều hội viên và người dân tìm hiểu, áp dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
 
Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Bộ Tài chính trình phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Ngày 30/6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét quyết định phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. 

Nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sạch

(QBĐT) - Giữa mùa nắng hạn, trong khi nhu cầu về nguồn nước sinh hoạt trở nên bức thiết thì tại nhiều địa phương, nhất là khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, nhiều công trình cấp nước hư hỏng, ngưng hoạt động khiến người dân thiếu nước sinh hoạt.

Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

(QBĐT) - Với nhiều cách làm sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ mới vào sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã thành công với các mô hình kinh tế hiệu quả.