Trồng ba kích và dổi dưới tán rừng cộng đồng

  • 14:06 | Thứ Hai, 18/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm giúp đồng bào Mã Liềng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa phối hợp với các cơ quan liên quan trồng 3ha cây ba kích và dổi dưới tán rừng cộng đồng bản Cáo, xã Lâm Hóa. Sau 18 tháng trồng và chăm sóc, cây ba kích, dổi đã bắt đầu phát triển, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.
 
Để trồng được cây ba kích và dổi, Phòng NN-PTNT, Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa cùng chính quyền địa phương đã lăn lộn khắp các cánh rừng trên địa bàn để khảo sát. Qua một thời gian, các lực lượng khảo sát đã chọn được khu rừng bản Cáo, xã Lâm Hóa có điều kiện phù hợp, có thể trồng được các loại cây này. Đó là khu rừng cộng đồng nằm bên bờ sông Gianh, có diện tích 6ha đang được người dân bảo vệ nghiêm ngặt, có trữ lượng gỗ lớn, độ ẩm cao, độ dốc vừa phải và có nhiều loại cây dây leo mọc.
 
Nhận thấy vùng đất này có khả năng trồng được cây ba kích, dổi, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa đã lập để án và triển khai trồng. Ông Đinh Xuân Thường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết: “Để mô hình triển khai thành công, huyện đã tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia trồng ba kích và dổi; trích 200 triệu đồng thuê Công ty TNHH dịch vụ nông-lâm nghiệp Nam Thịnh (một công ty chuyên cung cấp giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, thiết kế trồng rừng… đóng trên địa bàn xã Lâm Hóa) tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp cây giống, cam kết thu mua sản phẩm khi thu hoạch... Sau đó, chúng tôi cùng bà con lên rừng phát luống, làm hàng rào thép gai xung quanh rồi tiến hành trồng”.
 
Cây giống trồng là ba kích tím, được mua từ huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Loại ba kích này có hàm lượng sâm, tính dược liệu, giá trị kinh tế cao. Tham gia trồng và chăm sóc rừng ba kích, dổi có 9 hộ (được chia làm 3 nhóm) đồng bào Mã Liềng ở bản Cáo, xã Lâm Hóa. Khi tham gia trồng, bà con được hỗ trợ toàn bộ 6.000 cây giống ba kích, 1.200 cây dổi, hướng dẫn kỹ thuật, chi phí phân bón, làm hàng rào và công trồng ban đầu…
Sau 18 tháng, cây ba kích bắt đầu phát triển tốt.
Sau 18 tháng, cây ba kích bắt đầu phát triển tốt.
Ông Lê Công Nam, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ nông-lâm nghiệp Nam Thịnh chia sẻ: “Khi trồng ba kích dưới tán rừng cộng đồng, chúng tôi đã chọn vị trí đất trồng có độ dốc vừa phải ở dưới chân đồi. Khoảng cách mỗi hàng là 5m. Trên mỗi hàng, khoảng 5m, chúng tôi cho trồng 1 cây dổi để tạo bóng và lấy hạt. Xen vào đó, chúng tôi trồng 2 gốc ba kích (mỗi gốc 2 cây). Hố trồng ba kích, dổi phải đạt tiêu chuẩn 40cm x 40cm x 40cm. Việc làm đất, bón phân, làm giàn, chọn giống, xác định hố trồng, chăm sóc sau trồng cũng được thực hiện đúng quy trình. Đặc biệt, trong 2 năm đầu, hai loại cây này phải được chăm sóc rất cẩn thận, vì đây là giai đoạn quan trọng để cây sinh trưởng, phát triển và quyết định đến năng suất”.
 
Theo tính toán của ông Nam, mỗi gốc ba kích sau 5 năm trồng cho năng suất khoảng 1kg củ. Loại ba kích này hiện có giá trên thị trường khoảng 500 nghìn đồng/kg. Như vậy, 3ha trồng ba kích (3.000 hố trồng) của bản Cáo sẽ cho 3 tấn củ và mang lại thu nhập cho bà con khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, 1.200 cây dổi sau 7 năm sẽ cho thu hoạch quả. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch 2kg quả/năm, mỗi kg có giá 500 nghìn đồng thì 1.200 cây dổi sẽ cho bà con thu nhập thêm khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Gia đình ông Phạm Văn Lợi, ở bản Cáo, xã Lâm Hóa là 1 trong 9 hộ tham gia mô hình.
 
Ông tâm sự: “Kỹ thuật trồng, chăm sóc ba kích, dổi không quá khó, nhưng người dân phải kiên trì, theo dõi để phát thực bì, vun gốc, cuốc cỏ, bón phân định kỳ. Khoảng một năm sau thì làm giàn cho cây ba kích leo. Hy vọng thời gian tới, rừng ba kích, dổi sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình tôi cũng như bà con trong bản”.
 
Trồng ba kích, dổi còn tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, làm cho thảm thực vật của rừng thêm đa dạng, việc bảo vệ rừng của bà con cũng ngày càng tốt hơn.
 
Ông Phạm Văn Thiên, một người dân ở bản Cáo chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi không biết cây ba kích như thế nào, kỹ thuật trồng ra sao. Nhưng khi cán bộ huyện, xã tuyên truyền, giải thích lợi ích của trồng cây bà kích, dổi nên gia đình tôi cũng theo trồng. Qua một thời gian, thấy ba kích và cây dổi phát triển tốt dưới tán rừng cộng đồng nên chúng tôi phấn khởi lắm! Không chỉ quyết tâm chăm sóc cây ba kích và cây dổi, chúng tôi sẽ chăm sóc, giữ rừng thật nghiêm ngặt... Từ khi trồng ba kích và dổi, bà con trong bản không còn phát nương làm rẫy. Giờ ai cũng có cuộc sống định cư, nghe theo các cấp ủy đảng, chính quyền trồng rừng và phát triển mô hình kinh tế từ rừng”.
 
Theo ông Lê Công Nam, qua khảo sát, khí hậu, thổ nhưỡng ở bản Cáo khá tương đồng với một số nơi trồng ba kích ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị. Đó là những khu rừng có độ ẩm cao, độ dốc không quá lớn nên cây ba kích phát triển khá tốt, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
 
"Hiện toàn bộ diện tích trồng ba kích, dổi của bà con bản Cáo đã được công ty cam kết thu mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Ngoài ra, công ty cũng đang hỗ trợ một phần kinh phí, kỹ thuật cho bà con trong quá trình chăm sóc và một số mô hình sinh kế cho người dân trên địa bàn xã Lâm Hóa. Thời gian tới, công ty sẽ huy động thêm các nguồn lực để hỗ trợ công chăm sóc cho bà con, phát triển thêm một số mô hình sinh kế dưới tán rừng...", ông Lê Công Nam cho biết.
 
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá: Trồng ba kích, dổi dưới tán rừng cộng động không chỉ góp phần vào việc bảo vệ nguồn dược liệu quý mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn. Thời gian tới, chi cục sẽ tiến hành khảo sát, hỗ trợ để nhân rộng thêm các mô hình sinh kế dưới tán rừng nhằm giúp bà con vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng hiệu quả.

Xuân Vương

 

tin liên quan

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại: Dấu ấn 20 năm hình thành, phát triển

(QBĐT) - Trải qua 20 năm hình thành và phát triển (26/4/2002 - 26/4/2022), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM), Sở Công thương không ngừng lớn mạnh, đạt được những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực: Khuyến công, XTTM, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, thương mại điện tử…

Du lịch Quảng Bình: Nhìn lại để… thấy xa hơn

(QBĐT) - Mùa du lịch năm 2022 khởi động bằng con số ấn tượng với 30.000 lượt khách đến tham quan vào dịp giỗ Tổ 10/3. Với những người làm du lịch, đây là nguồn năng lượng tích cực để vực dậy sau khó khăn bởi đại dịch trong suốt 2 năm qua. Phía trước là muôn vàn thử thách và cả cơ hội để bứt phá đòi hỏi du lịch Quảng Bình cần nhìn lại những gì đã qua để sẵn sàng bước tiếp trên chặng đường mới.

Gần 2.150ha cây trồng bị sâu bệnh và chuột gây hại

(QBĐT) - Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), tính đến ngày 15/42, toàn tỉnh có gần 2.150ha cây trồng bị sâu bệnh và chuột gây hại.