Quyết liệt thực hiện kế hoạch đầu tư công

  • 06:50 | Thứ Hai, 25/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 3 và quý I/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển KT-XH hiệu quả, bền vững hơn, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Đối với Quảng Bình, nhằm nhanh chóng phục hồi phát triển kinh tế, nhiệm vụ này cũng đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt.
 
Nỗ lực trong điều kiện dịch bệnh phức tạp
 
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nhưng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn ĐTC. Kết quả giải ngân ĐTC năm 2021 của tỉnh Quảng Bình đạt 90,23% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách trung ương trong nước 99%, vốn nước ngoài 39,8%, vốn cân đối ngân sách địa phương 99%.
 
Đạt được kết quả trên là cả một sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành, các nhà đầu tư trong điều kiện phải thực hiện nhiều biện pháp, kể cả giãn cách xã hội dài ngày để phòng, chống dịch, các đơn vị thi công huy động nhân công, phương tiện, máy móc gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tăng cao; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Công trình xây dựng mới cầu Mỹ Cương thuộc dự án xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm thành phố, do UBND TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư đang bị ảnh hưởng tiến độ do vướng đường điện.
Công trình xây dựng mới cầu Mỹ Cương thuộc dự án xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông và hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm thành phố, do UBND TP. Đồng Hới làm chủ đầu tư đang bị ảnh hưởng tiến độ do vướng đường điện.
Đặc biệt, một số địa phương trên địa bàn tỉnh giãn cách xã hội dài ngày nhưng có tỷ lệ giải ngân đạt trên 95-100% kế hoạch, như: Dự án Hạ tầng khu phi thuế quan và các điểm dịch vụ Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo do Ban Quản lý Khu kinh tế làm chủ đầu tư đạt100%; dự án đường từ ngã tư Quảng Thọ ra Quảng trường biển, TX. Ba Đồn do UBND TX. Ba Đồn làm chủ đầu tư đạt 100%; dự án sửa chữa, nâng cấp cụm hồ chứa nước huyện Tuyên Hóa do UBND huyện Tuyên Hóa làm chủ đầu tư đạt 97%; dự án đường vào trung tâm Phong Nha (Bố Trạch) do UBND huyện Bố Trạch làm chủ đầu tư đạt 96%; dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Quảng Bình do Sở Công thương làm chủ đầu tư đạt 97%.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án có tiến độ giải ngân cao nói trên, vẫn còn không ít dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân rất thấp, mặc dù UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc họp để bàn giải pháp tháo gỡ.
 
Cụ thể: Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, giải ngân đạt tỷ lệ 0% so với kế hoạch vốn giao; dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng GD2-Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình do Sở Du lịch làm chủ đầu tư, chỉ giải ngân 4,3%; dự án Đường từ Quốc lộ 1 đến nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư, chỉ giải ngân đạt tỷ lệ 9,1% so với kế hoạch vốn giao...
 
Thực hiện các biện pháp quyết liệt
 
Trong năm 2022, xác định giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ hết sức quan trọng để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch các nguồn vốn năm 2022 ngay từ đầu năm. Tổng số vốn được giao theo nghị quyết của HĐND tỉnh là hơn 5.260 tỷ đồng (nguồn ngân sách trung ương gần 2.532 tỷ đồng, nguồn cân đối địa phương hơn 2.728 tỷ đồng). Trong đó, cấp tỉnh phân bổ gần 3.780 tỷ đồng; cấp huyện phân bổ hơn 1.480 tỷ đồng.
 
Đánh giá chung của UBND tỉnh, công tác giải ngân vốn ĐTC của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 có chuyển biến. Việc triển khai kế hoạch ĐTC trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 có nhiều đổi mới, trong đó ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các công trình lớn, quan trọng, có tính động lực và lan tỏa. Tuy nhiên, từ kết quả giải ngân kế hoạch vốn ĐTC đến hết quý I/2022, toàn tỉnh mới chỉ đạt 8% cho thấy, cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ này.
 
Tại cuộc họp về thực hiện kế hoạch giải ngân vốn ĐTC do UBND tỉnh tổ chức mới đây, qua thảo luận của lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương cho thấy, nguyên nhân chủ yếu nhất làm chậm tiến độ giải ngân vốn ĐTC là khâu bồi thường, GPMB.
 
Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân do một số chủ đầu tư chưa quyết liệt chỉ đạo sát sao, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chưa cao, tính chủ động còn hạn chế, phải có sự đốc thúc mới triển khai nên việc thực hiện một số hạng mục còn chậm trễ.
 
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn: Để khắc phục những hạn chế trong thực hiện kế hoạch ĐTC, năm 2022, dự án nào chậm trễ trong GPMB thì đề nghị tỉnh nên cắt, chuyển vốn để ưu tiên cho các dự án khác. Mặt khác, các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc cam kết của mình với UBND tỉnh về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC. UBND tỉnh cần có văn bản hướng dẫn, xử lý cụ thể đối với các trường hợp, các đơn vị liên quan tới các dự án triển khai kém hiệu quả.
 
Trên cơ sở phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch ĐTC 2022, nhất là dự báo những khó khăn do dịch Covid-19, biến động thị trường; các thủ tục GPMB sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là dự án trọng điểm, có tính chất liên vùng. Thúc đẩy giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Các dự án do Ban quản lý Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới quản lý trên địa bàn xã Bảo Ninh đang “dẫm chân tại chỗ” do vướng mắc trong GPMB.
Các dự án do Ban quản lý Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới quản lý trên địa bàn xã Bảo Ninh đang vướng mắc trong GPMB.
Bên cạnh đó, phải xây dựng biểu đồ về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân chi tiết cho từng công việc. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa bão, nghiệm thu, thanh toán dứt điểm các khối lượng đã hoàn thành để nâng cao tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh. Tập trung vào công tác GPMB và triển khai các thủ tục sau đấu thầu để dự án có thể triển khai thi công ngay. Tránh tình trạng dự án đã được bố trí vốn nhưng công tác chuẩn bị đầu tư và GPMB chậm được giải quyết, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện. Đặc biệt, các địa phương hoàn thành phân khai nguồn vốn, nhất là nguồn thu sử dụng đất...
 
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh cho biết, trong quý I/2022, bởi lý do khách quan nên huyện phân khai chậm nguồn thu sử dụng đất. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện tại, Quảng Trạch đang khẩn trương phân bổ chi tiết danh mục các dự án sử dụng nguồn thu sử dụng đất để bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân theo đúng quy định.
 
Rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn ĐTC. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra... Đây là những biện pháp quyết liệt của UBND tỉnh để thúc đẩy và thực hiện kế hoạch ĐTC trong năm 2022.
 
UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, cần tập trung thực hiện để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển KT-XH; phấn đấu đến 31/12/2022 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn giao theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy.
 
Anh Tuấn

tin liên quan

Khánh thành Nhà máy điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy

(QBĐT) - Sáng nay, 24/4, tại huyện Lệ Thủy, Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa đã tổ chức khánh thành Nhà máy điện mặt trời Dowha Lệ Thủy.

Cho rừng thêm xanh

(QBĐT) - Lệ Thủy là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng ở đây vẫn chưa cao, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Để nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, chính quyền huyện Lệ Thủy đã tích cực triển khai nhiều giải pháp vừa nâng tầm rừng kinh tế, vừa tạo sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo…

Phát động chiến dịch trồng cây "Green Up" tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) - Sáng 24/4, tại Vườn thực vật thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) đã tổ chức lễ phát động chiến dịch trồng cây "Green Up".