Cho rừng thêm xanh

  • 07:58 | Chủ Nhật, 24/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lệ Thủy là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng ở đây vẫn chưa cao, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng. Để nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, chính quyền huyện Lệ Thủy đã tích cực triển khai nhiều giải pháp vừa nâng tầm rừng kinh tế, vừa tạo sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo…
 
Khởi sắc từ những cánh rừng
 
Trước đây, Thái Thủy là địa phương gặp không ít khó khăn. Vài năm trở lại đây, việc trồng rừng kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ở đây, mỗi hộ gia đình có từ vài ha đến hàng chục ha rừng trồng. Từ một vùng quê đói nghèo của huyện Lệ Thủy, Thái Thủy ngày càng "thay da đổi thịt", người dân bây giờ đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ rừng trồng.
 
Anh Trần Văn Tý (SN 1980) ở thôn Minh Tiến, trước đây, làm nghề lái xe đường dài Bắc-Nam. Bởi, cuộc sống mưu sinh quá vất vả, lại xa gia đình, năm 2007, anh bỏ nghề lái xe đường dài về địa phương cần mẫn khai khẩn đất hoang ở vùng Khe Me, Khe Sắn để trồng rừng kinh tế. 
 
“Ban đầu, gia đình cũng chỉ khai khẩn được vài ha đất để trồng rừng nhằm ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập. Sau, gắn bó với rừng cho đến tận bây giờ. Với 20ha rừng từ khai khẩn đất và mua lại của một số hộ dân, mỗi năm, đến kỳ thu hoạch rừng, gia đình tôi cũng có được hơn tỷ đồng trong tay…”, anh Tý phấn khởi cho biết.
Nhiều hộ dân ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng rừng kinh tế.
Nhiều hộ dân ở xã Thái Thủy (Lệ Thủy) đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng rừng kinh tế.
Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn cho biết rằng: Nhiều năm qua, địa phương luôn xác định trồng rừng là hướng đi quan trọng để nâng cao đời sống cho người dân. Hầu như toàn bộ diện tích đất trống đều được chính quyền địa phương giao cho người dân để trồng rừng. Ðến nay, toàn xã có hơn 4.339ha rừng trồng, trong đó, rừng thông nhựa có khoảng 652ha; rừng keo, tràm thuộc dự án 661 hơn 182ha, số diện tích còn lại chủ yếu do người dân địa phương bỏ vốn ra trồng…
 
“Tính ra, toàn xã có hơn 1.100/1.300 hộ dân trồng rừng, bình quân mỗi hộ dân có từ 2-80ha rừng trồng. Với người trồng rừng ở Thái Thủy, cây keo sau 4-5 năm trồng là khai thác, trừ chi phí, thu lợi khoảng 50 triệu đồng. Tính bình quân mỗi năm trồng keo thu được 10 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, mỗi ha rừng còn giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương…”, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết.
 
Cũng như Thái Thủy, xã Trường Thủy bây giờ đang giàu lên nhờ trồng rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Nguyễn Văn Tường cho biết: Toàn xã có hơn 1.900ha rừng trồng và khoảng 2.000ha rừng trồng xâm canh ở xã Kim Thủy. Ở đây, hơn 50% hộ dân có rừng. Năm 2021, người dân ở địa phương đã thu về hơn 20 tỷ đồng từ nghề rừng.
 
“Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế rừng. Đã có rất nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu nhờ các mô hình rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương…”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Nguyễn Văn Tường cho biết.
 
Nâng tầm rừng kinh tế
 
Có thể khẳng định rằng, trồng rừng kinh tế đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân trên khắp địa bàn huyện Lệ Thủy. Và, để tiếp tục đưa trồng rừng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp ở địa phương, chất lượng, giá trị rừng trồng đang từng bước được chính quyền các địa phương, người dân cải thiện.
Chất lượng, giá trị rừng ở huyện Lệ Thủy ngày càng được nâng lên.
Chất lượng, giá trị rừng ở huyện Lệ Thủy ngày càng được nâng lên.
Phát triển kinh tế từ trồng rừng cũng là hướng đi được anh Lê Văn Tý (SN 1964) ở thôn Việt Xô, xã Trường Thủy lựa chọn từ nhiều năm nay. Từ kinh tế rừng, gia đình anh đã có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Anh Tý cho biết, trước đây, gia đình anh chỉ trồng rừng kinh tế theo kiểu truyền thống, nghĩa là trồng rừng được khoảng 4-5 năm là thu hoạch. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, gia đình anh đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao thu nhập hơn nữa.“Mỗi ha rừng trồng theo kiểu truyền thống chỉ cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Nhưng, trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập gấp gần 3 lần. Gia đình tôi đến nay đã chuyển được gần 12/15ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây tràm hoa vàng. Nếu thuận lợi, vài năm nữa cho thu hoạch cũng có thu nhập hơn 2 tỷ đồng…”, anh Tý cho hay.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư cho rằng, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, lại sợ thiên tai gây thiệt hại nên bà con ở địa phương chủ yếu trồng rừng theo kiểu “ăn xổi”. Trong khi chu kỳ trồng rừng gỗ lớn cần thời gian trên 10 năm, vì vậy, trước mắt địa phương đã tuyên truyền cho các hộ dân có điều kiện trồng một vài ha, còn lại, tập trung trồng rừng kinh tế để bảo đảm thu nhập. Quá trình chuyển đổi rừng trồng gỗ lớn sẽ được thực hiện dần dần qua hàng năm để thay thế. Đến nay, Trường Thủy mới chỉ trồng được 35ha rừng gỗ lớn…
 
Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế rừng, trang bị kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng đến từng hộ dân. Mới đây, chính quyền địa phương đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC để nâng cao thu nhập, chất lượng rừng ở Thái Thủy…
 
“Những năm gần đây, công tác trồng, chăm sóc rừng trên địa bàn huyện Lệ Thủy không ngừng được quan tâm, chú trọng. Để nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, địa phương đã vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Năm 2021, toàn huyện đã trồng được 2.200ha rừng tập trung; trồng trên 230ha rừng gỗ lớn bằng giống nuôi cấy mô, đưa tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn huyện đạt trên 500ha; rừng được cấp chứng chỉ FSC trên 730ha…”, ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Rà soát, kiểm tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn, bảo đảm việc đấu giá công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành
 

Đề nghị tăng chuyến đường bay Đồng Hới-Hà Nội và ngược lại

(QBĐT) - Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Công văn số 639/UBND-NCVX gửi các hãng hàng không Vietnam Arlines và Bamboo Airways đề nghị tăng chuyến bay đi/đến Quảng Bình. 

Thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác xã

(QBĐT) - Ngày 22/4, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2022-2026.