Lệ Thủy:

Tốc lực cứu lúa...

  • 16:03 | Thứ Bảy, 02/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Từ ngày 31/3 đến ngày 2/4, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đo được khoảng từ 50-80mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn đã khiến cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập. Để cứu lúa, các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện gia cố, đắp lại các tuyến đê ở những điểm xung yếu...

Đắp đê cứu lúa...

Sáng 2/4, gần 100 người dân bao gồm cả thanh niên, người già, phụ nữ đã có mặt tại cánh đồng lúa xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) để đắp những đoạn đê thấp nhằm ngăn nước tràn qua cánh đồng lúa ở đây.

Nhiều máy móc, ô tô đã được huy động; người dân cho cát vào những bao tải, sau đó đưa đến những điểm ngập, đắp thành những vùng đê bao an toàn nhằm ngăn nước chảy vào cánh đồng chưa bị ngập.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác đắp đê cứu lúa cho biết: "Từ đêm 2/4 đến giờ, địa phương đã huy động hàng trăm nhân công, phương tiện,  đắp được gần 2,5km đê để cứu hơn 200ha lúa chưa bị ngập...”.

 Người dân xã Hồng Thủy đắp đê ngăn nước chảy vào cánh đồng để cứu lúa.
Người dân xã Hồng Thủy đắp đê ngăn nước chảy vào cánh đồng để cứu lúa.

Trên cánh đồng lúa của Hợp tác xã (HTX) Xuân Giang, Bí thư Đảng bộ bộ phận tổ dân phố Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang Đỗ Trung Tý đang tích cực động viên bà con xã viên hoàn thành việc đắp những đoạn đê xung yếu.

“Do mưa lớn, nước lên nhanh, người dân trở tay không kịp nên có hơn 50ha lúa đã bị ngập sâu. Từ hôm qua đến giờ, hàng trăm nhân lực, phương tiện đã được HTX huy động ở hói Niệu để đắp đê bao cứu diện tích lúa còn lại. Hiện, người dân đã hoàn thành đắp được hàng trăm mét đê, giữ hơn 100ha lúa đang có nguy cơ bị nước tấn công...”, ông Tý cho biết.

Theo Chủ tịch UBND xã Cam Thủy Nguyễn Đình Châu: từ đêm 1/4, mưa lớn khiến hơn 300m đê ở vùng Cát Lấp tràn nước, trong đó, nhiều điểm xung yếu bị gãy vỡ. Để cứu lúa, chính quyền địa phương huy động bà con ra đắp đê ngay trong đêm. Tuy nhiên, do nước lớn, lên nhanh, phương tiện và nhân lực không thể tiếp cận được vùng đê nên hơn 100ha lúa bị ngập sâu, nguy cơ mất trắng.

Người dân tốc lực đắp đê cứu lúa.
Người dân tốc lực đắp đê cứu lúa.

Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình đã trực tiếp chỉ đạo công tác đắp đê cứu lúa tại xã Hồng Thủy. “Các địa phương đã huy động lực lượng, phương tiện tại các địa điểm xung yếu. Tuy nhiên, do nước lên nhanh, tràn đột ngột, đến nay, toàn huyện có hàng nghìn ha lúa bị ngập, trong đó, nhiều diện tích lúa có nguy cơ mất trắng. Để tốc lực cứu lúa, các địa phương gia cố, đắp đê thật chắc chắn, cao hơn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại...”, Chủ tịch huyện Lệ Thủy cho biết.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại...

Theo thông tin từ UBND huyện Lệ Thủy, đợt mưa lớn từ ngày 31/3 đến 2/4/2022 xảy ra trên địa bàn đã làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích sản xuất lúa, hoa màu. Cụ thể: Diện tích lúa bị ngập từ 70% trở lên là 3.689ha, tập trung chủ yếu tại các địa phương, như: Hồng Thủy, An Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Lộc Thủy, Thị trấn Kiến Giang, Xuân Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy... Ngoài ra, có 917ha diện tích cá-lúa bị ngập, 67ha cây hoa màu bị ngập hoàn toàn.

Xã Hoa Thủy là địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất. Toàn xã có 780/1.000ha lúa bị ngập từ 70% cây lúa trở lên, 450ha diện tích cá - lúa bị ngập và có nguy cơ mất trắng.

 Mưa lớn, hàng ngàn ha lúa ở Lệ Thủy chìm trong biển nước, nguy cơ mất trắng.
Mưa lớn, hàng nghìn ha lúa ở Lệ Thủy chìm trong biển nước, nguy cơ mất trắng.

Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa cho biết: “Để bước đầu khắc phục thiệt hại, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các HTX bơm nước ra để tiêu úng cứu lúa. Nếu  nước ngâm dài ngày, diện tích lúa bị ngập sẽ mất trắng...”.

“Do ảnh hưởng của mưa lớn, địa phương có 618ha lúa bị ngập từ 70% cây lúa trở lên, 109 ha lúa - cá bị ngập, 59 ha hoa màu bị ngập và hư hại. Xã đang đợi các cơ quan chức năng xả lũ từ phía cống Mỹ Trung để giảm ngập úng, sau đó, chỉ đạo các HTX  khẩn trương bơm nước tiêu úng cứu lúa...”, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn thông tin.

 Tuyến đê gia cố đã hoàn thành để cứu khoảng 200ha lúa của người dân xã Hồng Thủy.
Một đôạn đê được người dân gia cố để cứu lúa.

Theo Chủ tich UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình, trước diễn biến phức tạp của mưa lớn, triều cường, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn chuẩn bị vật tư, nhân lực sẵn sàng ở các tuyến đê xung yếu để chủ động khi cần thiết. Không kể đêm hay ngày, hàng nghìn người dân các địa phương đã "lập trận địa" ngay trên các tuyến đê xung yếu, trọng điểm để cứu lúa. Hiện, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn có diện tích lúa, hoa màu bị ngập khẩn trương khắc phục hậu quả, kịp thời điều tiết nước, gieo lại số diện tích lúa đã bị hư hại...

Ngọc Hải

tin liên quan

Thả 850.000 tôm sú giống và tặng 10.000 cờ Tổ quốc cho ngư dân

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại bến sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Báo Người lao động tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. 

Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi: Phải bàn giao mặt bằng trước ngày 20/4/2022

(QBĐT) - Sáng 31/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp về tình hình bàn giao mặt bằng và giải quyết các vướng mắc liên quan đến Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi. 

Phát động "Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2022"

(QBĐT) - Ngày 31/3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch và UBND xã Sơn Lộc (Bố Trạch) tổ chức lễ phát động "Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường năm 2022".