Chuyển giao, tiếp nhận các công trình thủy lợi-Bài 1: Chậm tiến độ do nhiều vướng mắc

  • 07:03 | Thứ Sáu, 01/04/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - UBND tỉnh đã có quyết định về việc chuyển giao các hồ chứa thủy lợi cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình (Công ty Khai thác CTTL) quản lý vận hành trước tháng 11/2021. Tuy nhiên, việc bàn giao này đang nảy sinh nhiều vướng mắc từ cả công tác quản lý, chất lượng công trình lẫn sự đồng thuận của người dân. Nếu các cơ quan liên quan không có giải pháp thấu đáo để tháo gỡ, những vướng mắc này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn.
 
Triển khai công tác chuyển giao các CTTL theo quy định, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện. Nhưng nhiều vướng mắc, như: Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), địa phương không muốn bàn giao, không có hồ sơ lưu trữ, đề nghị hỗ trợ lại kinh phí đầu tư xây dựng công trình… đã khiến cho việc bàn giao, tiếp nhận bị chững lại, chậm tiến độ so với yêu cầu.
 
Địa phương muốn tiếp tục vận hành, quản lý…
 
Để thống nhất quản lý, vận hành, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành việc bàn giao, tiếp nhận các CTTL trước tháng 11/2021. Nhưng hiện nay, trong số 31 hồ thuộc diện chuyển giao thì Công ty Khai thác CTTL chỉ mới tiếp nhận được 15 hồ; 8 hồ chưa chuyển giao do đang thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa và 8 hồ còn vướng mắc, chưa được chuyển giao, trong đó, huyện Lệ Thủy có 7 hồ.
 
Được biết, tại hội nghị bàn giao các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Lệ Thủy, hầu hết các xã, HTX, THT đều cho rằng các hồ chứa này là tài sản của người dân đóng góp công sức, nguồn vốn để đắp đập, tu bổ, sửa chữa phục vụ tưới tiêu nên đề nghị tiếp tục để họ trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng.
 
Tuy nhiên, các xã, HTX, THT chưa xuất trình được hồ sơ, giấy tờ để chứng minh đó là tài sản do người dân đóng góp mà chỉ thông qua báo cáo của UBND xã và ý kiến cử tri. Mặt khác, qua thời gian sử dụng, các hồ chứa này đã bị hư hỏng, xuống cấp nên đã được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Do vướng mắc về nguồn gốc, chưa xác định được giá trị tài sản và các điều kiện khác nên UBND huyện Lệ Thủy chưa thực hiện việc bàn giao công trình.
HTX Châu Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) mong muốn tiếp tục quản lý, vận hành hồ đập Mưng.
HTX Châu Xá, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) mong muốn tiếp tục quản lý, vận hành hồ đập Mưng.
Đơn cử như hồ đập Mưng, xã Mai Thủy (Lệ Thủy) được người dân xây dựng từ năm 1985, phục vụ tưới tiêu cho 105ha lúa của HTX Châu Xá. Theo người dân địa phương, đợt lũ năm 1989, hồ đập bị hư hỏng nặng, người dân địa phương đã huy động công sức, nguồn vốn để làm lại đập. Năm 2015, được sự hỗ trợ nguồn vốn của Nhà nước, hồ được nâng cấp, sửa chữa kiên cố, bảo đảm an toàn khi mùa lũ đến.
 
Ông Nguyễn Văn Sự, Trưởng ban kiểm soát HTX Châu Xá cho biết: Hồ đập Mưng chưa thể bàn giao vì có nguồn vốn đóng góp của xã viên nên khi chuyển nhượng, thanh lý tài sản, các HTX phải thực hiện đúng Luật HTX. Hơn nữa, các xã viên cũng như người dân có nguyện vọng tiếp tục vận hành, quản lý công trình nhằm giảm chi chí sản xuất nông nghiệp cho bà con và có thêm nguồn thu để HTX hoạt động.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy cho biết: Hầu hết nước tưới tiêu mà các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện đang sử dụng là do bà con xã viên tự điều hành các hồ chứa và cân đối chi phí ngân sách nhà nước về sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi. Nếu bàn giao công trình cho công ty quản lý thì chí phí sản xuất sẽ tăng cao vì phải thu thêm cách khoản phục vụ công tác tưới tiêu, sửa chữa kênh mương…, nguy cơ người dân sẽ bỏ ruộng, một số HTX buộc phải giải thể vì không có nguồn thu. Người dân địa phương mong muốn tiếp tục vận hành, quản lý hồ chứa nhưng lại vướng phải quy định của pháp luật.
 
Hồ Đồng Sơn, phường Bắc Nghĩa cũng đang rơi vào tình trạng bế tắc trong bàn giao. UBND TP. Đồng Hới cũng đã tổ chức bàn giao hồ này cho Công ty Khai thác CTTL quản lý, vận hành. Nhưng UBND phường Bắc Nghĩa và HTX dịch vụ nông nghiệp Phương Xuân đề nghị bồi thường, hỗ trợ tài sản cho HTX. Dù đã được đại diện Sở Tài chính, Sở NN-PTNT hướng dẫn, giải thích tại cuộc họp nhưng các bên vẫn chưa thống nhất được việc bàn giao, tiếp nhận.
 
Ai quản lý sẽ phù hợp?
 
"Thời gian tới, Chi cục Thủy lợi sẽ tiếp tục tham mưu Sở NN-PTNT hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu để sớm hoàn thành công tác bàn giao. Để HTX, THT, địa phương tiếp tục quản lý, vận hành hay bàn giao cho công ty thì cần phải thống nhất lợi ích quan trọng nhất vẫn thuộc về nhân dân. Trong đó, lợi ích cốt lõi là bảo đảm nguồn nước thường xuyên cho sản xuất và sinh hoạt, an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi mùa mưa lũ về", ông Trần Xuân Tiến cho biết.
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho rằng, thực tế hiện nay, các HTX, THT chỉ mới bảo đảm yêu cầu về tưới tiêu, trong khi đó, việc quản lý an toàn hồ đập theo quy định chưa đáp ứng yêu cầu.
 
Việc chuyển giao các CTTL cho Công ty Khai thác CTTL quản lý sẽ phù hợp và phát huy tối đa hiệu quả công trình, nâng cao năng lực ứng phó hạn hán, thiếu nước, ngập úng, bảo đảm an toàn khi mùa lũ đến, phát huy cao hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh.
 
Bên cạnh đó, về năng lực quản lý, vận hành, nhân sự quản lý của Công ty Khai thác CTTL có trình độ phù hợp, được tập huấn quản lý khai thác CTTL đầy đủ; công tác thực hiện các quy định của pháp luật về thủy lợi luôn được chú trọng.
 
Còn với các tổ chức thủy lợi cơ sở, số lượng nhân sự quản lý, khai thác không có trình độ chuyên môn phù hợp, một số ít được tập huấn quản lý khai thác CTTL nhưng chưa chuyên sâu; một số địa phương lấy nhân sự là cán bộ kiêm nhiệm để quản lý, vận hành.
 
Chính vì vậy, nhiều nội dung về an toàn đập, hồ chứa nước chưa được chú trọng, gây nguy cơ mất an toàn hồ, đập khi mùa lũ đến.
Hầu hết, các tổ chức thủy lợi cơ sở tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý an toàn hồ đập.
Hầu hết, các tổ chức thủy lợi cơ sở tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý an toàn hồ đập.
Mặt khác, theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hồ chứa có dung tích từ 500.000m3 đến dưới 1.000.000m3 phải có 1 nhân sự cao đẳng chuyên ngành Thủy lợi, có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập để quản lý, vận hành công trình.
 
Nhưng các tổ chức thủy lợi cơ sở, hiện nhân lực quản lý hầu hết chưa có nên công tác vận hành tại đây bộc lộ nhiều hạn chế, như: Khó xử lý khi công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; khó xử lý, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình…
 
Để bảo đảm công tác quản lý, cấp thoát nước phục vụ sản xuất xuyên suốt vụ đông- xuân 2021-2022 và vụ hè-thu 2022, Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh cho kéo dài thời gian chuyển giao các hồ chứa đợt 1 đến ngày 30/11/2022 và chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, xã chưa thống nhất bàn giao, tổ chức xác định lại nguồn gốc tài sản để có phương án chuyển giao, quản lý phù hợp theo quy định pháp luật. Đối với các hồ chứa chưa thực hiện chuyển giao, sở yêu cầu các tổ chức thủy lợi cơ sở tiếp tục cấp nước phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân.
 
Thanh Hoa
 
Bài 2: Nhiều bất cập sau khi chuyển giao, quản lý, vận hành
 

tin liên quan

Thả 850.000 tôm sú giống và tặng 10.000 cờ Tổ quốc cho ngư dân

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại bến sông Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình và Báo Người lao động tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. 

Quảng Bình tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2022

(QBĐT) - Sáng 31/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2022). 

Ông Đặng Tất Thắng sẽ làm Chủ tịch FLC, Chủ tịch Bamboo Airways

Ông Đặng Tất Thắng sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC và Bamboo Airways cho đến khi có quyết định mới của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.