icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hiệu quả các mô hình kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

  • 14:24 | Thứ Hai, 14/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường bền vững và khả năng nhân rộng, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên địa bàn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay ở Quảng Bình”.
 
Ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Được thực hiện từ năm 2016, đến nay, nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp trong xây dựng NTM hiện nay ở Quảng Bình” do Hội Nông dân tỉnh chủ trì đã cơ bản hoàn thành, đạt kết quả tích cực. Nhiệm vụ đã tập trung nghiên cứu thực trạng của các mô hình SXNN trên địa bàn tỉnh; đánh giá hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các mô hình SXNN; đánh giá tính bền vững và khả năng nhân rộng các mô hình SXNN hiệu quả cao...
 
Điển hình trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiệm vụ đã đúc kết: Tận dụng lợi thế tại các vùng trung du, miền núi tỉnh ta có quỹ đất để trồng cỏ, trồng ngô sinh khối và có nhiều phụ phẩm từ trồng trọt làm thức ăn cho bò, vì vậy, mô hình nuôi bò thịt đạt hiệu quả kinh tế khá cao; với quy mô 15 con/năm, cho thu nhập bình quân 206 triệu đồng/năm, lợi nhuận 167 triệu đồng, lãi 53%/năm.
 
Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi lợn sinh sản kết hợp với nuôi lợn thịt cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ nuôi lợn thịt. Hộ gia đình còn chủ động được nguồn cung cấp con giống, vừa tiết kiệm chi phí mua con giống, vừa bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đã ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi; bình quân thu nhập từ chăn nuôi lợn của mỗi lao động trong gia đình trên 390 triệu đồng/năm.
Với tài nguyên đất đai rộng lớn, Quảng Bình phù hợp phát triển trồng các loại cây ăn quả và phát triển rừng trồng.
Với tài nguyên đất đai rộng lớn, Quảng Bình phù hợp với các loại cây ăn quả và phát triển rừng trồng.

Về lĩnh vực trồng trọt, qua nghiên cứu, cho thấy, với thời tiết có đủ 4 mùa thuận lợi cùng với tài nguyên đất đai rộng lớn, Quảng Bình phát triển trồng các loại rau phong phú theo mùa cùng với cây ăn quả và phát triển rừng trồng. Ngoài ra, các hộ trồng rừng còn có thể kết hợp chăn nuôi (nuôi trâu, bò, ong) để phát triển kinh tế.

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiệm vụ đã lựa chọn nghiên cứu một số đối tượng sản xuất, như: Nuôi tôm trên cát, cá lồng, cá ao hồ, cá lóc… Qua khảo sát, một số hộ nuôi cá lồng trên sông Kiến Giang và sông Nhật Lệ, cho thấy, với 8 lồng mỗi hộ, diện tích mỗi lồng 10m2 thì cần chi phí là trên 233 triệu đồng, lợi nhuận thu được trên 70 triệu đồng. 
 
Cùng với đó, nhiệm vụ đã tiến hành khảo sát một số tổ chức, cá nhân trồng, chế biến cây dược liệu, sản phẩm trà uống, như: Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, HTX Sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm, HTX Sản xuất tinh dầu Như Oanh. Kết quả điều tra cho thấy, chi phí trồng và chế biến 1ha mỗi năm là 164,42 triệu đồng, lợi nhuận là 255,8 triệu đồng.
 
Bà Trần Thị Như Oanh, ở xã Nam Trạch, Bố Trạch cho hay: Hiện nay, tinh dầu sả có thương hiệu Như Oanh do HTX sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện, HTX đầu tư thêm kinh phí mua dụng cụ đựng tinh dầu và bao bì, nhãn mác, phục vụ việc bán lẻ ra thị trường, được khách hàng đón nhận và đạt giá trị cao hơn rất nhiều. Để tiếp tục giữ gìn thương hiệu, HTX duy trì sản xuất công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng, uy tín. Từ đó, ngày càng giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM.
 
“Từ kết quả điều tra, nhiệm vụ cũng đã đề xuất một số mô hình mang lại hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái cần nhân rộng, như: Chăn nuôi bò thịt, nuôi ong, nuôi lợn sinh sản kết hợp nuôi lợn thịt, trồng rau màu truyền thống, nuôi cá lóc, cá lồng trên sông, cá ao hồ nước lợ, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp kết hợp với chăn nuôi, lúa-cá kết hợp; trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản kết hợp; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với cây dược liệu; mô hình trồng lúa; trồng rau ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm trên cát; nuôi cá ao hồ nước ngọt…”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Nam Long, chia sẻ thêm.
 
Theo nhận xét của Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ, qua kết quả nghiên cứu của Hội Nông dân tỉnh, nhiệm vụ sẽ cung cấp những cơ sở khoa học, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành đánh giá đúng thực trạng các mô hình SXNN ở nông thôn hiện nay, từ đó có những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các mô hình SXNN trên địa bàn tỉnh.
 
Đồng thời giúp chính quyền các cấp, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đưa ra những quyết định, hướng đi để xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng các mô hình hiệu quả. Cơ sở dữ liệu của nhiệm vụ sẽ phục vụ cho những nhà nông, nhà doanh nghiệp tham khảo, tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương, kinh tế gia đình và nhu cầu thị trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy vào công cuộc xây dựng NTM, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương.
 
                                                                         Hương Trà

tin liên quan

Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất

(QBĐT) - Những năm qua, dựa vào lợi thế của địa phương, huyện Lệ Thủy đã có những chuyến biến trong phát triển kinh tế-xã hội nhờ triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào thực tiễn sản xuất, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân.

Trung Quốc hoạch định kế hoạch khám phá vũ trụ

Sau sứ mệnh Thiên Vấn-1 (Tianwen-1), Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều sứ mệnh Thiên Vấn khác để thực hiện mục tiêu khám phá vũ trụ - đó là tuyên bố được nhà khoa học Ngô Vĩ Nhân đưa ra trong ngày 12/3.

Vaccine của Pfizer giảm thiểu nguy cơ mắc Omicron ở trẻ em

Theo CDC Mỹ, việc tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech làm giảm nguy cơ nhiễm biến thể Omicron của 31% trẻ em từ 5-11 tuổi và 59% thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi.