icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Lệ Thủy:

Ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất

  • 06:45 | Thứ Hai, 14/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, dựa vào lợi thế của địa phương, huyện Lệ Thủy đã có những chuyển biến trong phát triển kinh tế-xã hội nhờ triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào thực tiễn sản xuất, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân.
 
Ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2015-2021 đã mang lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất và đời sống tại các địa phương. Riêng huyện Lệ Thủy đã triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN. Kết quả triển khai các nhiệm vụ đã tạo ra nhiều ngành nghề mới, tăng thêm đối tượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
 
Đặc biệt, việc triển khai các mô hình ứng dụng KH-CN đã giúp bà con nông dân trên địa bàn chuyển đổi nhận thức, coi tiến bộ KH-CN là nguồn lực thiết thực giúp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết, thời gian qua, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH-CN đạt hiệu quả cao, như: Nuôi cá thát lát trong ao đất đã mở ra triển vọng phát triển đối tượng nuôi mới; trồng thử nghiệm giống cam Vũ Quang trên vùng gò đồi nhằm tiến tới việc triển khai nhân rộng, góp phần duy trì nguồn gen quý bản địa; trồng dứa thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần trồng keo lấy dăm; trồng và chế biến tinh bột nghệ tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP; mô hình thử nghiệm giống lúa chất lượng cao ST25 thành công sẽ bổ sung thêm giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân... Trong năm 2021, trên địa bàn huyện cũng đang triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây nha đam gắn với chuỗi liên kết giá trị.
Người dân xã Mai Thủy (Lệ Thủy) ứng dụng KH-CN trong trồng và chế biến tinh bột nghệ tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.
Người dân xã Mai Thủy (Lệ Thủy) ứng dụng KH-CN trong trồng và chế biến tinh bột nghệ tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Ngoài diện tích 1ha đất trồng nghệ của gia đình, chị Mai Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Vân Di (ở thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, Lệ Thủy) còn tổ chức liên kết với 10 hộ gia đình trên địa bàn để trồng và sản xuất tinh bột nghệ.

“Được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, định hướng, tạo điều kiện ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, lựa chọn được cây trồng phù hợp với vùng đất nên HTX đã phát huy hiệu quả sản xuất, mang lại thu nhập cao. Bước vào sản xuất năm 2019 đến nay, mỗi năm, HTX sản xuất được 3-3,5 tấn tinh bột nghệ từ 50-60 tấn củ nghệ tươi. Từ những thành công đó, HTX còn mở rộng sản xuất bột sắn dây, bột mỳ tinh (dùng làm các loại bánh, như: Bánh xoài, bánh bông lan và các loại bánh nướng...). Chỉ tính riêng việc triển khai từ nhiệm vụ KH-CN trồng và chế biến tinh bột nghệ, trừ các khoản chi phí, mỗi năm, HTX thu lợi nhuận để tái đầu tư trên 200 triệu đồng. Nhờ đó, thu nhập của bà con xã viên tăng lên, cuộc sống ổn định”, chị Mai Thị Vân chia sẻ.

Ông Trần Văn Hiến (ở thôn Thạch Bàn, xã Phú Thủy) cho hay: “Trồng, chăm sóc, chứng kiến vườn cam ngày càng phát triển, phủ xanh mát một vùng gò đồi, tôi mới hiểu được giá trị của việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Được hỗ trợ sản xuất trồng thử nghiệm giống cam Vũ Quang nhằm tiến tới việc triển khai nhân rộng góp phần duy trì nguồn gen quý bản địa, tôi thấy hiệu quả khá rõ nét. 550 gốc cam trên diện tích 1ha đất gò đồi, đến nay, đã cho thu hoạch vụ thứ 4, với quả to, mọng nước, vị ngọt thanh dễ sử dụng, được khách hàng tin dùng và mua với giá cao. Theo dự đoán, đến vụ thứ 6 sẽ đạt năng suất 10 tấn/vụ/năm. Với giá dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg như vụ cam năm 2021, là cầm chắc có lãi to”.
 
Theo lãnh đạo huyện Lệ Thủy, bên cạnh các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-CN, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học ở huyện Lệ Thủy cũng được các cấp, ngành quan tâm, như: Đề tài khoa học cấp tỉnh “Phát triển du lịch sinh thái gắn sinh kế bền vững trên địa bàn phá Hạc Hải thuộc hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy” của Trường đại học Quảng Bình, đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Nano Ag trong nuôi trồng thủy sản”…
 
Hy vọng, thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện nhiều hơn nữa của các cấp, ngành để địa phương tiếp cận với các mô hình, nhiệm vụ ứng dụng KH-CN trên các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống người dân trên địa bàn.
 
                                                                                        H.Trà

tin liên quan

Trung Quốc hoạch định kế hoạch khám phá vũ trụ

Sau sứ mệnh Thiên Vấn-1 (Tianwen-1), Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều sứ mệnh Thiên Vấn khác để thực hiện mục tiêu khám phá vũ trụ - đó là tuyên bố được nhà khoa học Ngô Vĩ Nhân đưa ra trong ngày 12/3.

Vaccine của Pfizer giảm thiểu nguy cơ mắc Omicron ở trẻ em

Theo CDC Mỹ, việc tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech làm giảm nguy cơ nhiễm biến thể Omicron của 31% trẻ em từ 5-11 tuổi và 59% thanh thiếu niên từ 12-15 tuổi.

Liệu pháp ECMO giúp phục hồi phổi cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Đối với những bệnh nhân COVID-19 nặng được lựa chọn sử dụng liệu pháp ECMO và với chiến lược quản lý tích cực, liệu pháp này có thể giúp đem lại khả năng sống sót vượt trội.