Lắng nghe nông dân nói

  • 12:12 | Thứ Hai, 16/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên tinh thần cởi mở, trách nhiệm, 130 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản cho nông dân, giám đốc hợp tác xã (HTX), Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã và nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chủ trang trại tiêu biểu của 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tham dự hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân diễn ra cuối tháng 12/2022 và được đánh giá là thành công, đáp ứng kỳ vọng của nông dân Quảng Bình.
 
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Tiến Sỹ chia sẻ: Những vướng mắc, điểm nghẽn liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, phát triển nông nghiệp mà đại diện doanh nghiệp HTX, Hội Nông dân cấp xã và nông dân, chủ trang trại tiêu biểu trong tỉnh nêu lên tại hội nghị đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lắng nghe, chia sẻ; đồng thời chỉ đạo các đại diện các sở ngành, địa phương trao đổi làm rõ và tiếp thu nghiêm túc để xem xét giải quyết trong thời gian tới.
 
Với sự gợi mở của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng là lãnh đạo UBND tỉnh luôn mong muốn được lắng nghe ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân, các HTX, doanh nghiệp để tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, đề xuất, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách tam nông, các đại biểu đã tích cực tham gia đề xuất, trao đổi, thảo luận hết sức cởi mở, thẳng thắn. 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng trò chuyện với các đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng trò chuyện với các đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ông Lê Trung Hiếu (xã Quảng Tùng, Quảng Trạch) nêu vấn đề: Thực hiện Nghị quyết 61/2019 của HĐND tỉnh về việc tinh giảm biên chế trong bộ máy cấp xã, hiện nay một số xã nông nghiệp không có chức danh thú y trong diện bán chuyên trách nên công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay thú y địa phương chỉ thuê theo ngày công nên không gắn được trách nhiệm.
 
Qua ý kiến của ông Hiếu và trả lời của Sở Nội vụ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đối với các địa phương nông nghiệp, nhất là có phong trào chăn nuôi thì việc bố trí cán bộ thú y là rất cần thiết, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm và kiểm soát giết mổ. Đồng chí chỉ đạo, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát những xã có quy mô đàn gia súc, gia cầm lớn để ưu tiên bố trí chức danh thú y cho những xã này đúng quy định.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) Nguyễn Ngọc Tiếp hỏi: Thực hiện Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá từ 15m trở lên phải lắp máy giám sát hành trình (GSHT). Hiện nay, giá cước phí viễn thông cao, mỗi năm ngư dân mất một khoản chi phí không nhỏ. Đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ giảm cước phí viễn thông giám sát tàu cá cho ngư dân yên tâm sản xuất.
 
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời: Theo quy định, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải lắp thiết bị GSHT để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, chống khai thác IUU và chủ tàu phải trả chi phí mua, lắp đặt, bảo dưỡng và dịch vụ khác cho đơn vị cung cấp thiết bị GSHT tàu cá. Tại Thông báo số 245/TB-VPCP, ngày 14/9/2021về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến chống khai thác IUU, trong đó đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phương án hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu lắp đặt thiết bị GSHT. UBND tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện khi có chính sách của Trung ương. 
Các chính sách liên quan đến nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm là nhóm vấn đề được nhiều đại biểu nông dân quan tâm.
Các chính sách liên quan đến nông nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm là nhóm vấn đề được nhiều đại biểu nông dân quan tâm.
Nông dân Cao Xuân Đương (xã Thượng Hóa, Minh Hóa) thì quan tâm đến vấn đề xuất khẩu lao động: Hiện nay nhu cầu đi xuất khẩu lao động theo kênh của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh giới thiệu là rất cao, song một số lao động sau khi được xuất cảnh không chấp hành cam kết, bỏ trốn ra ngoài làm tự do đã ảnh hưởng đến uy tín, làm mất cơ hội xuất cảnh của các lao động khác.
 
Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm gần đây, nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của người lao động Quảng Bình, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn tăng cao đã cho thấy những tác động tích cực của chính sách này mang lại đối với bản thân người lao động. Tuy nhiên, tình trạng người lao động vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc, ở lại cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn đang tiếp diễn. Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.
 
Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, các HTX rất cần những vùng đất có diện tích lớn, những vùng sản xuất chuyên canh tập trung để sản xuất hàng hóa, ông Nguyễn Duy Viên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất, xã An Ninh (Quảng Ninh), đặt câu hỏi: Tỉnh ta đã có chủ trương gì về tích tụ ruộng đất hoặc chính quyền đứng ra bảo lãnh ruộng đất để các tổ chức kinh tế được thuê thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn hay chưa?
 
Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, hiện nay, pháp luật về đất đai đã có quy định thông qua thực hiện quyền của người sử dụng đất để tích tụ ruộng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Pháp luật đất đai hiện hành không quy định chính quyền đứng ra bảo lãnh ruộng đất để các tổ chức kinh tế được thuê thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn.
 
Trên cơ sở thành công của hội nghị đối thoại với nông dân năm 2022, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức các buổi đối thoại tiếp theo trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tập trung vào các giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn.

 

Cùng với các vấn đề trên, các đại biểu đại diện doanh nghiệp, HTX và nông dân tiêu biểu cũng đã đặt câu hỏi, đối thoại về các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; về quy hoạch vùng trồng dược liệu; về tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; thực trạng sản phẩm nông nghiệp khó tìm đầu ra, ngay cả sản phẩm có chất lượng, tiêu chuẩn OCOP nhưng vẫn khó tiêu thụ...
 
Những nội dung này đều được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trực tiếp trả lời, đối thoại một số nội dung. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trả lời, đối thoại trực tiếp tại hội nghị, cùng như tiếp thu đầy đủ để tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết.
 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết: Lãnh đạo UBND tỉnh rất mong muốn được nghe những hiến kế, góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Những ý kiến xác đáng này trong hội nghị đối thoại này sẽ góp phần giúp UBND tỉnh có những quyết sách sát thực tiễn hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian tới.
 
Chuẩn bị cho hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân năm 2022, đã có 130 đại biểu được tổ chức lấy ý kiến, trong đó có 106 đại biểu đặt câu hỏi, nêu nguyện vọng, kiến nghị đề xuất với 208 ý kiến. Các ý kiến tập trung vào các lĩnh vực về đất đai, môi trường; đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; khoa học kỹ thuật; các chính sách liên quan đến nông nghiệp... Hội Nông dân tỉnh đã tổng hợp thành 43 ý kiến để Sở Nông và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời.

Anh Tuấn

 

tin liên quan

TP. Đồng Hới: Công bố các quyết định về công tác cán bộ

(QBĐT) - Sáng 16/1, Thành ủy Đồng Hới tổ chức hội nghị thông báo, công bố các quyết định về công tác cán bộ và ký cam kết quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ

Theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo đồng chí Mai Tiến Dũng, Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Men Pholly, Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Chử Xuân Dũng, Ma Thế Quyên, Nguyễn Văn Phong.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi Thư chúc mừng năm mới

Ngày 14/1 (tức 23 tháng Chạp năm Nhâm Dần), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi Thư chúc mừng năm mới nhân dịp nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.