Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

  • 06:21 | Thứ Tư, 02/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình đã thực hiện tốt vai trò trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
 
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cương quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[1].
 
Đội ngũ giảng viên nhà trường thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như lồng ghép tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đến học viên qua các bài giảng. Từ đó, củng cố thêm lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho học viên; giúp người học nhận diện được các quan điểm sai trái, thù địch để phản bác, đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc.
 
Giảng viên cũng không ngừng tự học, tự rèn, cập nhật thông tin và viết bài tuyên truyền, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác các thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên cổng thông tin điện tử của nhà trường, báo, tạp chí, trang web điện tử ở Trung ương và địa phương…
Giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các bài giảng.
Giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình thường xuyên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các bài giảng.
Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng vào những hạn chế, yếu kém của hệ thống chính trị các cấp, vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác phòng, chống tham nhũng; việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp, những bất cập trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền… nhằm bóp méo sự thật, chia rẽ nội bộ, làm nhiễu loạn thông tin, hướng lái dư luận nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, gây hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
 
Để phát huy hơn nữa vai trò của giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, mỗi giảng viên phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng. Đây là yếu tố hàng đầu quyết định và hình thành nền tảng tư tưởng chính trị của giảng viên.
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên là sự thể hiện tính giai cấp, “tính Đảng” trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm; là luôn “nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”[2]; “phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Đó là phẩm chất cao quý của người cách mạng, đó là đạo đức cách mạng, đó là tính Đảng, tính giai cấp, nó đảm bảo cho sự thắng lợi của Đảng, của giai cấp, của nhân dân”[3].
 
Cùng với đó, giảng viên là người tuyên truyền nghị quyết nên phải nghiên cứu, nắm vững những nội dung của Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khi nghiên cứu, giảng viên phải suy nghĩ và trả lời được các câu hỏi: Vì sao phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ cái gì? Làm cách nào để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng? Khi giải quyết 3 câu hỏi này, mỗi giảng viên sẽ ý thức được trách nhiệm của mình.
 
Giảng viên đứng trên bục giảng, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, họ phải nghiên cứu, trau dồi kiến thức kinh điển về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phải ngấm, phải hiểu để truyền đạt đến học viên không chỉ là lý luận mà đó là niềm tin, sự lựa chọn dứt khoát, đúng đắn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh vào học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin, vào con đường chủ nghĩa xã hội.
 
Giảng viên phải xác định việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn. Nhiệm vụ của người giảng viên làm cho học viên hiểu được giá trị lý luận, thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định bản chất cách mạng, khoa học của học thuyết, tư tưởng, tính đúng đắn của đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch. Từ đó, học viên có cơ sở khoa học tin vào học thuyết, đường lối, chủ trương của Đảng.
 
Cuối cùng, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải chủ động, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, chống lại các luận điệu sai trái, tư tưởng phản động của thế lực thù địch. Đối với thông tin giảng viên tiếp nhận hàng ngày, hàng giờ qua các phương tiện truyền thông, internet, mạng xã hội, họ cần tỉnh táo để sàng lọc, tiếp nhận thông tin, nhận diện thông tin, ý kiến sai lệch trong xã hội, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 
Từ đó, tích cực tham gia viết bài tọa đàm khoa học, tham gia các diễn đàn đấu tranh, đưa ra lập luận khách quan, khoa học để phản bác những quan điểm, thông tin sai trái của thế lực thù địch, đồng thời vạch rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam…
 
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của đảng viên và nhân dân. Trong đó, đội ngũ giảng viên Trường Chính trị trước hết phải là những người tiên phong, gương mẫu trong cuộc đấu tranh đó để vừa thực hiện định hướng tư tưởng đúng đắn cho người học, vừa trực tiếp tham gia đấu tranh nhằm góp phần làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 
                                         Nguyễn Thị Ngọc Hoa
                                              (Trường Chính trị Quảng Bình)
 
[1] Đảng cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr. 183.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.354.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.611.

tin liên quan

Đại biểu Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(QBĐT) - Hôm nay, 31/10, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV dành cả ngày để nghe và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021.

Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Việt Nam

Chiều 31/10, Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Chiều 31/10, tại Đại Lễ đường Nhân dân, ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.