Chuyện của Y Bảo Ngọc

  • 15:09 | Thứ Ba, 15/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Y Bảo Ngọc là cái tên chứa đựng tình yêu thương của các y  bác sĩ, điều dưỡng Khoa Nhi, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới (HNVN-CBĐH) đặt cho em bé sơ sinh người dân tộc Bru-Vân Kiều vừa vượt qua “cửa tử”. Mẹ sinh em thiếu tháng giữa núi rừng, tưởng chừng như không thể níu giữ được em ở lại với cuộc đời. Vậy mà 2 tháng qua, sự tận tâm, y đức của các y, bác sĩ Khoa Nhi đã thực sự hồi sinh cô bé người Bru-Vân Kiều ấy. 
 
Em “rớt”
 
Có mặt tại Khoa Nhi (Bệnh viện HNVN-CBĐH) đúng giờ ăn trưa của trẻ sơ sinh, chúng tôi may mắn gặp được bác sĩ Trưởng khoa Phạm Thị Ngọc Hân đang theo dõi các bé sinh thiếu tháng được nuôi dưỡng trong lồng ấp tập ăn.  
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện HNVN-CBĐH) trực tiếp kiểm tra tình trạng sức khỏe hàng ngày của Y Bảo Ngọc.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện HNVN-CBĐH trực tiếp kiểm tra tình trạng sức khỏe hàng ngày của Y Bảo Ngọc.
Chỉ vào em bé có đôi mắt tròn xoe đang say sưa bú sữa, bác sĩ Hân vui vẻ khoe đây là Y Bảo Ngọc của các mẹ Khoa Nhi. Cách đây 2 tháng, bé được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa Bố Trạch trong tình trạng tím tái, lạnh ngắt và chỉ nặng 1.100gram. Trước đó, bé sinh rớt tại nhà lúc thai mới 28 tuần tuổi và mẹ tự cắt rốn. Bé được đưa ngay vào phòng hồi sức nhi và các y, bác sĩ tích cực theo dõi điều trị. Tuy nhiên, sau 2 ngày ở viện, ba mẹ bé xin đưa bé về vì không tin là bé sẽ sống được. Gia đình cũng không có tiền để ở lại bệnh viện chăm con.
 
“Nhưng với tinh thần “còn nước còn tát”, chúng tôi không thể để gia đình đưa bé về, vì với tình trạng của bé lúc đó, về nhà đồng nghĩa bé sẽ không còn tia hy vọng sống. Tôi đã động viên ba mẹ bé cứ về trước, để con lại đây các bác, các dì sẽ nuôi đến khi con khỏe mạnh sẽ cho con về nhà cùng ba mẹ”, bác sĩ Hân bùi ngùi nhớ lại.
 
Vậy là, Y Bảo Ngọc đã sống cùng Khoa Nhi hai tháng nay. Từ một cơ thể nhỏ bé mong manh, nay Y Bảo Ngọc đã thành một cô bé mũm mĩm nặng 2,5kg. Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Hạnh vừa cho Y Bảo Ngọc ăn vừa kể: “Đây là bình sữa mới xin được của một mẹ cũng có con đang được chăm sóc tại đây. Hai tháng qua, vì không có ba mẹ ở bên nên các mẹ Khoa Nhi thay nhau chăm sóc và thống nhất đặt cho bé tên Y Bảo Ngọc (Y là theo họ mẹ Y Búp). Bé nằm điều trị ở phòng hồi sức tích cực một tháng tròn, khi thể trạng đã ổn hơn thì được chuyển lên phòng sơ sinh đặc biệt này. Tuy còn bé xíu nhưng bé rất hiểu chuyện, ngoan, không quấy khóc và mỗi khi được các mẹ Khoa Nhi bồng đi tắm, thay tả hay cho ăn… bé hóng chuyện với đôi mắt to tròn ngơ ngác. Nhìn bé ai cũng thương, không ai bảo ai, các mẹ trong khoa thay nhau đi xin sữa và chăm bé không khác gì con ruột của mình”.
Hai tháng qua, Y Bảo Ngọc được sống trong tình yêu thương, bảo bọc của các mẹ Khoa Nhi.
Hai tháng qua, Y Bảo Ngọc được sống trong tình yêu thương, bảo bọc của các mẹ Khoa Nhi.
Dì ơi, mẹ con đâu?
 
Bác sĩ Hân tâm sự, đảm nhận việc điều trị và nuôi dưỡng Y Bảo Ngọc khi không có gia đình bé ở bên khá áp lực với cán bộ của khoa nhưng bằng tấm lòng của những người mẹ và trách nhiệm của người thầy thuốc trước một sinh linh bé nhỏ nên ai cũng cố gắng. Một tháng đầu tiên, khoa vẫn liên lạc được qua điện thoại để thông báo tình hình sức khỏe của Y Bảo Ngọc cho ba mẹ bé. Nhưng một tháng trở lại đây là mất liên lạc hoàn toàn, số điện thoại kết nối duy nhất với ba mẹ bé không còn đổ chuông.
 
Mỗi khi các mẹ trong khoa đến cho ăn, thay tả, bé ngước đôi mắt tròn xoe nhìn như muốn hỏi: Dì ơi, mẹ con đâu rồi? Làm ai cũng day dứt… Khoa đã làm tờ trình báo cáo Ban Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH trường hợp của Y Bảo Ngọc nhờ can thiệp tìm gia đình để làm giấy chứng sinh cho bé, hoàn thiện thủ tục hưởng bảo hiểm y tế và đón bé về với bản làng.
 
Khi nhận được tờ trình của Khoa Nhi về trường hợp Y Bảo Ngọc chỉ với thông tin rất ít ỏi: Mẹ tên Y Búp (SN 1995) ở xã Thượng Trạch ( Bố Trạch), Giám đốc Bệnh viện HNVN-CBĐH, bác sĩ Nguyễn Đức Cường đã gọi cho Giám đốc Trung tâm Y tế Bố Trạch và Bộ đội Biên phòng tỉnh nhờ giúp đỡ tìm gia đình của cháu bé. Sau khi tiếp nhận thông tin, Trạm Y tế xã Thượng Trạch đã báo cáo UBND xã cùng với cán bộ Đồn Biên phòng Cồn Roàng kiểm tra, xác minh và chỉ trong một thời gian ngắn đã tìm được đúng gia đình của bé Y Bảo Ngọc. Nhưng cả bố mẹ cháu đều đã vào rừng, không biết lúc nào ra. UBND xã Thượng Trạch tiếp tục cho người vào rừng tìm bố mẹ cháu về bản. 
Y Bảo Ngọc đã biết hóng mắt tìm mẹ.
Y Bảo Ngọc đã biết hóng mắt tìm mẹ.
“Dự định hôm nay, ngày 15/8, đại diện UBND xã Thượng Trạch cùng các đoàn thể trong xã và gia đình vào bệnh viện đón cháu bé về. Tuy nhiên, hiện tại trên đó trời đang mưa to, sợ đi lại nguy hiểm và bác sĩ Trưởng khoa Phạm Thị Ngọc Hân cũng đã đề xuất cho cháu Y Bảo Ngọc ở lại bệnh viện thêm 2 tuần nữa để các mẹ trong khoa chăm cứng cáp hơn tý nữa vì sợ cháu chưa đủ sức thích nghi với khí hậu khắc nghiệt của núi rừng biên giới”, bác sĩ Nguyễn Đức Cường cho biết. 
 
Ngửa tay xin… sữa
 
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, trường hợp sinh non như Y Bảo Ngọc ở khoa không hiếm. Mỗi năm, các mẹ trong khoa phải tự chăm sóc, nuôi dưỡng từ 2-3 trường hợp, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Với tư tưởng “mất đứa này, đẻ đứa khác”, một số gia đình đã không quan tâm điều trị cho con mà kiên quyết đưa về nhà với lý do không có điều kiện ở lại bệnh viện dài ngày. Các y, bác sỹ đã phải thuyết phục, giành giật với gia đình. Thậm chí có lần đã phải dọa báo công an họ mới chịu để con lại cho bác sĩ chăm sóc mà ra về. Sau khi chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu cứng cáp và khỏe mạnh hơn, khoa mới thông báo cho gia đình đến đón con về nhà. 
 
Trong số những đứa trẻ đặc biệt ấy, Y Bảo Ngọc là trường hợp được các y bác sỹ Khoa Nhi nuôi dưỡng lâu nhất. Bé là con thứ tư của bà mẹ người dân tộc thiểu số. Do thiếu kiến thức và điều kiện sống khó khăn nên cháu bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai, lại sinh rớt tại nhà lúc thai mới 28 tuần tuổi và mẹ tự cắt rốn cho con… nên việc điều trị và chăm sóc phức tạp và khá tốn kém. Nhưng bằng trách nhiệm, tình yêu thương của những người thầy thuốc, các y, bác sỹ đã tìm mọi cách để giữ lại mạng sống cho sinh linh bé bỏng ấy. Có những lọ thuốc đắt tiền với giá 15 triệu đồng/lọ nhưng họ vẫn chỉ định kịp thời tiêm cho Y Bảo Ngọc.  
Nhưng đứa trẻ sinh thiếu tháng được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nhi.
Nhưng đứa trẻ sinh thiếu tháng được chăm sóc đặc biệt tại Khoa Nhi.
“Để có nguồn kinh phí nuôi dưỡng các trường hợp này, cùng với tiền quyên góp tự nguyện của các y, bác sĩ, điều dưỡng trong khoa, bản thân tôi đã tranh thủ kêu gọi từ đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và một số nhà hảo tâm khác… dành dụm, chắt chiu thành Quỹ Tình thương Khoa Nhi. Và lần này để Y Bảo Ngọc trở về với núi rừng, bản làng của con vào một ngày không xa, tôi lại ngửa tay xin thêm một ít bỉm sữa nữa cho con, bởi khi về nhà rồi con cần thêm sữa, vì chắc chắc sữa mẹ cũng không còn”, bác sĩ Hân nhẹ nhàng chia sẻ. 
 
Nói đoạn, bác sỹ Hân nhìn cô bé Y Bảo Ngọc đang say giấc rồi nói vui: “Đây là rổ đựng tiền xin bỉm sữa cho Y Bảo Ngọc: 53110000151908 (số TK của bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân), Ngân hàng BIDV”.
Nội Hà

tin liên quan

Quảng Trạch: Một ngư dân nghi mất tích khi đi câu mực trên biển

(QBBT) - Sáng 15/8, ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (Quảng Trạch) thông tin, các lực lượng chức năng cùng người dân đang khẩn trương tìm kiếm một ngư dân nghi mất tích trên biển khi đi câu mực.

Đường đến trường: "Không để ai bị bỏ lại phía sau"

(QBĐT) - Với sự quan tâm của Chính phủ và của tỉnh thông qua các chính sách tổng thể, toàn diện, sát với thực tiễn, chỉ cần có quyết tâm và khát vọng, ước mơ được đến trường của những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ trở thành hiện thực.

Hồi sinh sự sống

(QBĐT) - Khao khát được cống hiến, được làm điều có ích cho cộng đồng, xã hội để nhân lên thật nhiều yêu thương, nhiều điều tốt đẹp, họ đã vượt qua mọi rào cản, tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể sau khi chết não.