Chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình (6/8/2003-6/8/2023)

Chú trọng cải cách hành chính và chuyển đổi số

  • 07:52 | Thứ Sáu, 04/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường (TN-MT) theo chức năng, thẩm quyền được giao, thời gian qua, Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS), xem đây là những nhiệm vụ trọng tâm để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
 
Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động 
 
Ông Nguyễn Huệ, Giám đốc Sở TN-MT khẳng định: Việc thực hiện CCHC được cấp ủy, lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CC, VC) Sở TN-MT quan tâm thực hiện nghiêm túc thời gian qua. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về TN-MT, CCHC, tạo chuyển biến tích cực trong công tác CCHC.
 
Hiện nay, Sở TN-MT có 8 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tương đương cùng 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, với tổng số 487 CC, VC và người lao động, trong đó 93% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Thời gian qua, Sở TN-MT đã tập trung kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, hiện đại hóa hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, chú trọng đạo đức công vụ và đặc biệt là đẩy mạnh CCHC để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
 
Bám sát Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh, Sở TN-MT đã xây dựng và kịp thời ban hành Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025. Bám sát vào kế hoạch chung, hàng năm, sở đã xây dựng kế hoạch CCHC với những nội dung công việc cụ thể và đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, cán bộ, CC, VC toàn ngành nỗ lực thực hiện.
Cán bộ Trung tâm CNTT TN-MT Quảng Bình đang biên tập bản đồ chuyên đề trên công nghệ GIS.
Cán bộ Trung tâm CNTT TN-MT Quảng Bình biên tập bản đồ chuyên đề trên công nghệ GIS.
Để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện, việc tuyên truyền công tác CCHC được Sở TN-MT chú trọng bằng nhiều hình thức. Mặt khác, sở thường xuyên kịp thời cập nhật, rà soát, niêm yết công khai, đầy đủ các TTHC đã được sửa đổi, bổ sung lên Cổng thông tin điện tử của sở, Cổng thông tin điện tử tỉnh, cũng như Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin về CCHC nói chung và TTHC nói riêng.
 
"Tổng số các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN-MT đến ngày 30/5/2023 là 153 thủ tục, trong đó có 17 TTHC đặc thù. Tất cả các TTHC trong lĩnh vực TN-MT thuộc thẩm quyền giải quyết của sở luôn được theo dõi, cập nhật công bố công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, website của tỉnh, website của sở tại địa chỉ: http//tnmtqb.gov.vn và cung cấp thông tin để niêm yết công khai tại Trung tâm PVHCC tỉnh bảo đảm đúng quy định. 100% TTHC được tiếp nhận tại Trung tâm PVHCC tỉnh hoặc bộ phận một cửa cấp huyện đều thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ BCCI", Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ cho biết.
 
Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của CC, VC ngành TN-MT đã đem lại hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; tạo thuận lợi cho các tổ chức, người dân đến giao dịch. Kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính được siết chặt, kịp thời chấn chỉnh các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, sở cũng đã thực hiện bố trí CC, VC trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân tại Trung tâm PVHCC tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện; quán triệt trong CC, VC về tinh thần và thái độ khi thi hành công vụ; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, theo dõi hàng ngày, hàng tuần việc giải quyết công việc của các bộ phận có liên quan; kịp thời phát hiện những chậm trễ, vướng mắc, thiếu sót để có biện pháp khắc phục.
 
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu mới
 
Cùng với CCHC, đẩy mạnh CĐS đang là xu thế tất yếu và nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN-MT. Căn cứ Kế hoạch CĐS giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 31/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở TN-MT ban hành Kế hoạch số 1170/KH-STNMT, ngày 27/5/2022 về CĐS giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai theo kế hoạch, lộ trình.
 
Đồng thời, ngày 23/12/2022, Sở TN-MT cũng đã kịp thời ban hành kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS năm 2023 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chương trình, đề án, dự án trong việc triển khai ứng dụng CNTT và CĐS ngành TN-MT. Các nội dung CĐS được triển khai quán triệt đầy đủ, sâu sắc đến CC, VC và người lao động trong toàn ngành, qua đó, tạo sự chuyển biến trước hết về tư duy, nhận thức của cán bộ, CC, VC trong xây dựng hạ tầng số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong lĩnh vực TN-MT.
 
Ông Nguyễn Từ Đức, Giám đốc Trung tâm CNTT TN-MT Quảng Bình cho biết: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay, Sở TN-MT đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS vào công tác quản lý TN-MT, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai; quản trị, duy trì hệ thống máy chủ, hệ thống mạng nội bộ; triển khai cài đặt phần mềm an ninh mạng, chống mã độc...; cụ thể, triển khai cài đặt phần mềm giám sát, phát hiện tấn công có chủ đích và phòng, chống mã độc (EDP máy trạm) và phần mềm giám sát, phát hiện tấn công có chủ đích (EDR máy trạm).
Tổ chức, cá nhân đến giao dịch thủ tục đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Tổ chức, cá nhân đến giao dịch thủ tục đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Đáng chú ý, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Sở TN-MT đã ban hành Kế hoạch số 409/KH-STNMT, ngày 27/2/2023 về triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc sở triển khai thực hiện các nội dung theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Mặt khác, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung của Đề án 06 và Kế hoạch của Bộ TN-MT, của UBND tỉnh và của sở đến CC, VC, người lao động trong toàn sở nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xác định rõ nhân lực số là yếu tố then chốt để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, thời gian qua, Sở TN-MT đã thực hiện thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn. Mặt khác, tập trung nâng cấp, phát triển hạ tầng và dữ liệu hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thành phần về đất đai tại tỉnh; xây dựng, triển khai các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành.
 
Hiện tại, sở đã triển khai hệ thống máy chủ, hệ thống đường truyền sử dụng công nghệ đường truyền MetroNet của VNPT được kết nối đến cấp huyện, đường truyền kết nối 3 cấp (tỉnh-huyện-xã); triển khai xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai cấp tỉnh cũng như các hệ thống CSDL, phần mềm khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành TN-MT.
 
"Công tác xây dựng chính quyền điện tử, CĐS luôn được lãnh đạo Sở TN-MT đặc biệt quan tâm. Trong đó, sở đã tích cực ứng dụng CNTT hiện đại trong công tác tuyên truyền và dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và du khách dễ dàng tiếp cận, tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác. Các nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực TN-MT đã được gấp rút triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu CĐS nhanh chóng của ngành TN-MT, thích ứng trong tình hình mới", Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ cho biết.
 
Thời gian qua, Sở TN-MT đã tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Mặt khác, sở thực hiện cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống nền tảng, các dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ nội bộ; ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp.
 
A.Tuấn

tin liên quan

Tuyên Hóa: Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Để triển khai hiệu quả công tác giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã tích cực triển khai các giải pháp, chương trình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Giữ nghề đan lát truyền thống

(QBĐT) - Nhiều năm qua, ông Lê Viết Sơn, ở thôn Kim Trung, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) luôn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Quản lý xây dựng, sử dụng nghĩa trang và triển khai phân loại rác thải tại nguồn

(QBĐT) - Tình trạng các khu nghĩa trang, nghĩa địa tự phát sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho công tác quy hoạch, quản lý nhà nước về đất đai; việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình gặp khó khăn do chưa đồng bộ... là những nội dung được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Huệ tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII.