An toàn trên không gian mạng
(QBĐT) - Sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em được học tập, vui chơi và phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, đây cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trước sự cám dỗ, đe dọa của những thông tin độc hại, sự lôi kéo của những phần tử xấu trên mạng xã hội (MXH). Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, để cho trẻ em có được môi trường phát triển an toàn chính là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Trước những thách thức và yêu cầu cấp thiết đó, dự án “Bảo vệ trẻ em (BVTE) và thanh thiếu niên an toàn trên môi trường mạng (MTM)” do tổ chức Plan International phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) triển khai mang đến kỳ vọng sẽ tạo cho trẻ em Quảng Bình một môi trường học tập an toàn, lành mạnh nhất.
Mạng ảo, tổn thương thật
Những năm trở lại đây, cùng với việc sử dụng điện thoại thông minh và internet tăng cao dẫn đến việc sử dụng MXH trở nên phổ biến với nhiều đối tượng, ở nhiều độ tuổi. Việt Nam là một trong số các quốc gia có số lượng người dùng MXH cao nhất trên toàn thế giới.
Theo số liệu của tổ chức Plan International, tính đến năm 2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản MXH và 68,72 triệu người dùng internet (chiếm 70,3% dân số). Dịch Covid-19 kéo dài đã kéo theo việc ngày càng nhiều người sử dụng internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều đáng nói, trong số đó có rất nhiều đối tượng thanh thiếu niên (TTN)-nhóm chiếm 15,22% dân số.
Với ngồn ngộn thông tin chưa qua kiểm chứng, những rủi ro luôn rình rập trên không gian mạng rộng lớn, đây chính là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng xấu lợi dụng truyền bá thông tin độc hại, có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ em. Nhiều trẻ em bị dụ dỗ và xâm hại cũng chính từ môi trường vốn tiềm ẩn nhiều cám dỗ này. Nhiều em bị những người không quen biết trên facebook gạ gẫm gửi ảnh và trao đổi những nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Trong khi đó, hầu hết các em đều chưa có được kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân trên không gian mạng.
Rõ ràng, mạng là ảo nhưng rủi ro và tổn thương là thật. Chị Lê Thị Liên Hương, giáo viên tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa (Minh Hóa) chia sẻ: “Trường có 97% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian gần đây, các em bắt đầu biết sử dụng internet, MXH. Những điều mới lạ, hấp dẫn trên không gian mạng đã thực sự thu hút các em. Nếu không có sự giám sát từ gia đình, nhà trường, thì việc các em bị lôi kéo bởi những mặt trái của MTM là điều hoàn toàn có thể xảy ra”.
Một khảo sát của tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Bối cảnh đó đòi hỏi xã hội phải hiểu sâu sắc thực trạng và xác định những lỗ hổng về năng lực, hành lang pháp lý, môi trường văn hóa-xã hội xung quanh trẻ em. Từ đó, đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp, kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Nhằm đồng hành với Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 1/6/2021, tổ chức Plan International Việt Nam đã làm việc cùng văn phòng Plan International tại Đức huy động ngân sách cho dự án “BVTE và thanh thiếu niên an toàn trên MTM”. Và Quảng Bình chính là một trong số ít địa phương may mắn được lựa chọn để triển khai dự án này.
Vượt khỏi khuôn khổ một dự án
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý tác động chương trình và đối tác, tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: “Đây là một trong các dự án trọng tâm của Chương trình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới của Plan trong khuôn khổ chiến lược 5 năm 2020-2025 hướng tới 2 triệu trẻ em gái có thể học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị đối tác, nhà trường, gia đình và trẻ em, để mọi trẻ em và TTN được bảo vệ an toàn trên MTM”.
Cũng theo bà Lan, mục tiêu của dự án là TTN độ tuổi từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương được hỗ trợ để sử dụng internet và MXH một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên MTM. Dự án cũng hướng tới hỗ trợ gia đình, trường học và cộng đồng thiết lập các cơ chế để BVTE, TTN, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên MTM.
Dự kiến sau 3 năm triển khai, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân và người khác khỏi các hình thức bắt nạt, bạo lực giới trên MTM cho hơn 9.000 trẻ em, TTN, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp và người dân tại cộng đồng sử dụng các trang trực tuyến, trang MXH.
Kể từ hội thảo khởi động dự án vào cuối tháng 4/2022, nhiều hoạt động ý nghĩa đã liên tiếp được triển khai tại 3 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và Minh Hóa. Dự án đã tổ chức khóa đào tạo cho các thành viên cốt lõi của hệ thống BVTE dựa vào trường học và hệ thống BVTE dựa vào cộng đồng tại những địa phương này.
“Là một trường THPT nên phần lớn học sinh đều sử dụng internet, MXH. Nhiều em còn bị sa đà, thậm chí nghiện MXH, nghiện game, từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập. Từ những kiến thức có được từ các buổi tập huấn, chúng tôi đã triển khai tập huấn lại cho các em học sinh là cán bộ lớp. Đây cũng là những tuyên truyền viên hiệu quả để học sinh hiểu rõ hơn về tác hại, mối đe dọa từ internet”, chị Hà Thị Như Thủy, giáo viên Trường THPT Quảng Ninh cho biết.
Ngay sau đó, dự án đã tổ chức liên tiếp các chương trình hội thảo giữa các cơ quan, đơn vị quản lý và giáo viên, phụ huynh học sinh tại 15 trường học trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, hướng dẫn, thảo luận về cơ chế báo cáo trong trường hợp họ nghi ngờ con em mình bị lạm dụng, xâm hại trên không gian mạng.
Tại đây, cán bộ, giáo viên và phụ huynh đã thẳng thắn chia sẻ những tâm tư, trăn trở và cả những câu chuyện thực tế trong quản lý, giáo dục con trẻ trước những rủi ro rình rập từ MXH. Từ những trải nghiệm thực tế ấy, phụ huynh, cán bộ, giáo viên được chia sẻ về hệ thống báo cáo trong trường hợp trẻ em bị lạm dụng, từ đó, đề xuất những thay đổi.
Ngày 17/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 812/KH-UBND thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trong đó, mục tiêu đặt ra là 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên MTM được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên MTM bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều đó càng đòi hỏi việc BVTE khỏi những rủi ro của internet không chỉ là câu chuyện trong khuôn khổ một dự án mà cần phải được triển khai mạnh mẽ, rộng khắp, như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH: “BVTE nói chung, BVTE trên MTM nói riêng rất cần công tác phối hợp liên ngành thực chất, hiệu quả từ khâu phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, quan trọng nhất là phòng ngừa để các em có được kiến thức, kỹ năng tham gia MTM được an toàn, lành mạnh nhất”.
Diệu Hương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.