Nếu lựa chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề Y

  • 20:34 | Thứ Bảy, 26/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mang trong tim lời thề Hippocrates, các y bác sỹ đã không quản ngại khó khăn để tận hiến vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. “Nghề Y, vinh quang có, thất bại có, sợ hãi có. Nhưng, thành công nhất của một bác sỹ là luôn luôn yêu nghề”. Đó là lời tâm sự của bác sỹ chuyên khoa 2, thạc sỹ Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
 
Thuở lên năm lên ba, tôi thường đi theo mẹ. Mẹ tôi là một y sỹ công tác tại Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy. Qua lời kể của mẹ, tôi biết mẹ đi học y sĩ tại Trường Y thuộc tỉnh Hà Bắc trong thời kì chiến tranh. Ra trường mẹ về quê công tác.
 
Trong lúc mẹ làm việc, tôi thường chơi quanh quẩn trong khuôn viên bệnh viện với mấy đứa trẻ cùng trang lứa. Thỉnh thoảng được các cô các chú trong bệnh viện cho sữa bột và đường để ăn. Cảm giác lúc đó của tôi là sữa bột ngon một cách đến lạ lùng và không dám ăn hết một lần mà để ăn dần trong ngày. Hết ca làm việc, tôi theo mẹ về nhà. Và cứ thế đến khi tôi bước vào học lớp một thì không theo mẹ nữa.
 
Năm tháng trôi dần, tôi đã học xong cấp 2. Tôi nhớ, thời gian đó thỉnh thoảng có người trong xóm, trong làng đến nhà tôi gõ cửa lúc nửa đêm nhờ mẹ tôi đến khám khi họ có người nhà bị bệnh. Mẹ tôi không một chút chần chừ mở cửa mang theo ống nghe, máy đo huyết áp và nhiệt kế lầm lũi trong đêm đi bộ đến khám và chữa bệnh cho họ. Mỗi lần Tết đến có nhiều bà con lối xóm đến biếu cho mẹ dăm ba quả trứng, con gà hay là quả mít... Tôi nghĩ, đó là niềm hạnh phúc nghề nghiệp của mẹ khi họ khỏi bệnh.
Bác sỹ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sỹ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.

Khi học lên cấp 3, tôi quyết tâm học và thi vào ngành Y và được ba mẹ, chị em trong nhà động viên cổ vũ. Mặc dù, có lúc thấy máu (khi nhìn mẹ khâu vết thương cho người bệnh), tôi đã choáng và ngất. Đôi khi cũng sợ cảm giác đó, sợ mình không theo được ngành Y.

Thi đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội là niềm hạnh phúc vô bờ bến của tôi, gia đình và bà con họ hàng của nhà tôi lúc bấy giờ. Sau sáu năm lăn lộn từ giảng đường đến các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, rồi đến ngày tôi cũng tự hào khoác trên mình chiếc áo blouse tinh khiết của bác sĩ.
 
Ra trường, tôi quyết định về quê đi làm để giảm gánh nặng cho gia đình, vì nếu đi học tiếp sẽ rất tốn kém. Tôi may mắn được nhận vào công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Thời điểm đó vào năm đầu bước sang thế kỷ 21, cả xã hội đều vất vả mưu sinh, đời sống của nhân viên y tế lại càng khó khăn hơn.
 
Ngoài giờ làm việc hành chính, tôi và mấy đồng nghiệp trẻ xin trực đêm thay cho các cô chú, anh chị thế hệ trước, một phần nâng cao kỹ năng chuyên môn, một phần có thêm tiền trực để trang trải cho cuộc sống. Ngoài ra, bọn tôi còn đi "khâu vết thương dạo" để kiếm thêm thu nhập, tức là ai bị chấn thương nhẹ nhưng không muốn đến bệnh viện thì bọn tôi đến tận nhà khâu vết thương và chăm sóc cho đến khi khỏi bệnh.
 
Những năm tháng đi học cao học và chuyên khoa cấp 2 chuyên ngành Nhãn khoa, trên những chuyến xe, chuyến tàu ra vào Hà Nội, nhiều lúc tôi buồn não lòng khi nghe các hành khách xung quanh là người dân Quảng Bình ra Hà Nội khám bệnh, họ ngồi nói chuyện cùng nhau. Tôi ngồi đọc sách nhưng tai không để sót một từ khi họ trao đổi với nhau. Họ không bằng lòng về trình độ chuyên môn của bác sĩ tỉnh nhà, nên họ phải khăn gói ra Hà Nội để có cơ hội chữa bệnh được tốt hơn.
 
Là một bác sĩ làm tại một bệnh viện lớn nhất tỉnh, chắc chắn bạn sẽ có cảm giác giống tôi. Nhưng tôi nghĩ, ở đâu cũng thế, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, tuyến dưới xét về trình độ chuyên môn thường thấp hơn tuyến trên. Nên tôi hoàn toàn lặng im tôn trọng ý kiến của họ khi nhận xét về vấn đề này.
 
Với trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình cộng thêm trang thiết bị máy móc hiện có, tôi và đồng nghiệp luôn cố gắng cập nhật kiến thức của nền y học nhãn khoa thế giới cũng như trong nước với hy vọng "níu chân" những người bệnh ở lại quê nhà, để giảm chi phí tối đa khi lên tuyến trên điều trị.
Bác sỹ và điều dưỡng Khoa Mắt đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Bác sỹ và điều dưỡng Khoa Mắt đang điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.

Cảm giác hạnh phúc vỡ òa của tôi hòa cùng hạnh phúc của người bệnh khi tôi phẫu thuật mắt đưa lại ánh sáng cho họ. Tôi nhớ mãi, có một cụ bà ở miền núi gần 100 tuổi, mù hai mắt đã hơn 10 năm, trong 10 năm đó, cụ chìm trong bóng tối, mọi ăn uống, sinh hoạt đều phải do con cháu trợ giúp.

Khi tôi phẫu thuật hai mắt cho cụ, một ngày sau, bỗng dưng tôi nghe tiếng khóc của cụ ở phòng bệnh. Tôi bước đến xem tình hình như thế nào, hóa ra cụ đã nhìn thấy mấy đứa con lên thăm, mà lâu nay chỉ nghe qua tiếng nói. Cụ thấy mấy đứa con khác ngày xưa quá, cụ khóc trong niềm hạnh phúc.

Và rất nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ còn một mắt duy nhất (mắt kia đã mất chức năng), không may bị chấn thương hoặc biến chứng của bệnh đục thủy tinh thể căng phồng dẫn đến bệnh glaucoma. Phẫu thuật cho những trường hợp này, tôi phải nín thở, làm chậm rãi, nếu không, chỉ một sơ suất nhỏ là khiến bệnh nhân vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Phẫu thuật những ca bệnh này, tôi rất áp lực về tâm lý, nhưng gỡ được nút thắt tâm lý đó và niềm vui dâng trào khi sau phẫu thuật bệnh nhân được nhìn thấy rõ.
 
Trong hai năm qua, cuộc chiến với đại dịch Covid-19, khoa Mắt của tôi, tại thời điểm dịch căng thẳng nhất đã có hơn hai phần ba nhân viên tham gia chống dịch, từ tình nguyện đi vào TP.Hồ Chí Minh, tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại bệnh viện đang công tác cho đến tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.
 
Ban đầu, ai cũng sợ, sợ vì mình làm chuyên ngành Nhãn khoa nên khó điều trị tốt cho bệnh nhân và sợ bị lây nhiễm. Nhưng không, sau một thời gian ngắn, tất cả đã nhập cuộc sau khi được tập huấn và tự đào tạo. Họ đã không ngại gian khổ, không sợ nguy cơ nhiễm bệnh. Họ đã hoàn thành tốt công việc và trở về an toàn bên gia đình và đồng nghiệp.
 
Nghề Y, vinh quang có, thất bại có, sợ hãi có. Nhưng, thành công nhất của một bác sĩ là luôn luôn yêu nghề. Hạnh phúc nhất của một bác sĩ là bệnh nhân khỏi bệnh dưới bàn tay và khối óc của họ. Với hơn 20 năm làm trong nghề, nếu cho lựa chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề Y!
 
Trần Ánh Dương
 
 
 

tin liên quan

Hỗ trợ bộ nguồn cấp điện di động cho lực lượng bảo vệ rừng VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) - Chiều 25/2, Công ty TNHH Công nghệ năng lượng Alena đã tổ chức bàn giao các bộ nguồn cấp điện di động cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại VQG Phong Nha- Kẻ Bàng.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", góp phần đẩy lùi dịch bệnh

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc Nhân dân Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế:

Ánh sáng phía cuối đường hầm

(QBĐT) - Nơi khoảng sân rộng, cô gái Dương Thị Hồng Thanh (32 tuổi) hướng mắt nhìn chăm chú vào những người khách lạ. Ánh mắt lấp lánh, nụ cười tươi như nắng. Ít ai biết, hơn một năm trước, Thanh và chị gái của mình vốn là đối tượng tâm thần nặng, bị nhốt trong một căn phòng chật hẹp chưa đến 10m2 suốt một thời gian dài.