Thiều quang chín chục…

  • 14:25 | Thứ Ba, 11/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ điển ghi “Thiều quang: Ánh sáng đẹp, dùng để chỉ ngày mùa xuân”. Thi hào Nguyễn Du viết:
                                 Ngày xuân con én đưa thoi
                                 Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
 
Năm Quý Mão này, nhuận tháng hai. Phương xa bỗng thổi về một cơn gió mùa, món quà của nàng Bân, rồi mau trả lại tiết xuân đang chín. Vậy chăng, thiều quang đã ngoài bảy mươi mà đất trời vẫn cho “Quảng Bình quê ta ơi!” những ngày xuân đẹp như mơ. Cũng vậy chăng mà lúa vẫn chưa trổ đòng, đang thì con gái, non tơ, mây mẩy xanh. Ngọn lúa giăng mắc tơ nhện, loáng nước mưa xuân lóng lánh như gương soi, đánh lừa lũ chuồn chuồn kim sống ảo.
 
“Ra giêng giêng giếng nở vàng”, nhưng, bây giờ được tính như thiều quang mới ngoài… ba mươi, nên còn khoe màu vàng chín muôn thuở. Thương một câu thơ của cố nhà thơ Lê Đình Ty:
 
   Bỗng gặp một loài hoa bừng nở
   Vàng như mai, từng chùm từng chùm ngọt chát
  Hoa trở thành kỷ niệm tháng giêng…
 
Và hoa dành dành, trắng tinh khôi, thẹn thò tỏa hương rất nhẹ. Ai sẵn lòng xin vé về tuổi thơ để tìm lại một thời bé dại chăn trâu cắt cỏ trên đồng giữa tiết xuân như mơn man da thịt, bỗng gặp một bông hoa như “thiếu nữ mới vào xuân” sẽ thấy hết sự kỳ diệu của đất trời. Mới cách nhật vài tuần, rét cắt da cắt thịt, tưởng chừng con người không thể rời tấm chăn, bếp lửa, rồi bỗng như có phép màu, xuân mang mong nhớ trở về sau nồi bánh chưng bánh tét đêm giao thừa.
 
Chợt nhớ những ngày trận mạc, súng nổ vang trời, bỗng lắng lại trong hồn thiêng dân tộc, để nhớ Lang Liêu gói bánh chưng bánh dày, để vọng về Sơn Tinh dâng “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…” để hai bên ngưng súng bảy ngày dành cho con Hồng cháu Lạc về quê ngồi bên bếp lửa giao thừa. Nhớ về những năm hậu chiến đói khổ, gạo dăm cân, vải năm mét, sắn khoai đắp đổi qua ngày, bỗng thấy quý những ngày mùa xuân muộn ấm no mà cảm ơn nàng Bân đan áo vụng về để đất trời rộng lượng bao dung tặng quà cho người đến trễ.
 
Ngày xuân muộn, ngang qua chợ gặp hàng rau quả “bán như cho” bỗng thấy thương người làm vườn hai sương một nắng. Bỗng gặp cả một lồng tre lèn chặt chim én mà thảng thốt giật mình.
 
    Ngày xuân con én…
 
Ai nhốt cả một trời nhớ thương của tuổi thơ lên chín lên mười vào lồng kín? Ai có quyền bắt giam cả mùa xuân nhân loại vào trong “nhà ngục” thế này? Cứ nghĩ, vào nhà hàng thấy bưng lên một đĩa chim én … rán vàng mà rùng mình. Những ai không có tuổi thơ? Những ai dám gắp hình hài con chim én nhỏ cho vào miệng?
 
Xin đừng ám sát mùa xuân, dẫu chỉ là ngày xuân muộn. Cách nhật nữa thôi, hoa gạo nở, hoa phượng sẽ đỏ trời, nắng hè sẽ đổ lửa xuống miền Trung. Lúc ấy, còn chăng chim én đưa thoi, dành dành trắng, giếng giếng vàng?
 
Tôi đi đây! Đi mua vé lội về tuổi thơ đây, để được thấy “ánh sáng đẹp” của tháng ba đất trời cho nàng Bân những ngày “Xuân-Hạ chi giao” đẹp như mơ. Để tìm lại hình bóng người con gái hơn nửa thế kỷ trước, cười ỏn ẻn, nhận từ tay tôi bông dành dành trắng tinh khôi thoảng hương dịu nhẹ trong một ngày xuân thơm cỏ mật trên đồng.
 
Người ơi, có ai về cùng tôi không?!
   Tương Huyền

tin liên quan

Di sản văn hóa-nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Quảng Bình là vùng đất có nhiều di sản văn hóa (DSVH) độc đáo. Những năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của DSVH, các di tích lịch sử.

Đổi mới để tăng tính hấp dẫn của báo và tạp chí Đảng

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, nhiều kênh thông tin và tác động nhiều đến đảng viên, nhân dân trong và ngoài nước.

Quảng Bình tích cực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023

(QBĐT) - Sáng nay, 10/4, tại Trường THPT Đào Duy Từ (TP. Đồng Hới), Sở Thông tin-Truyền thông tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023.