Giọng hò khoan ngọt ngào

  • 08:08 | Chủ Nhật, 18/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chị Võ Thị Thanh Tú (SN 1968, Phong Thủy, Lệ Thủy) lớn lên trên quê hương đồng chiêm trũng, bên dòng sông Kiến Giang luôn chở nặng phù sa bồi đắp cho cánh đồng màu mỡ. Nơi đây có truyền thống văn hóa-văn nghệ và các điệu hò khoan ngọt ngào, sâu lắng. Hò khoan Lệ Thủy là "món ăn" tinh thần sâu sắc của cha ông từ bao đời nay, động viên con em Lệ Thủy nói riêng và vùng đồng bằng Quảng Bình nói chung, quên đi bao nỗi nhọc nhằn trong lao động mệt mỏi, khó khăn.
 
Dù cho thiên tai địch họa, dầm mưa, dãi nắng của vùng đất miền Trung, người dân luôn có "liều thuốc" hò khoan Lệ Thủy với 6 mái đặc sắc: Mái xắp, mái ba, mái chè, mái dài, mái ruỗi, mái nện. Từ xa xưa, người dân yêu dân ca hò khoan tha thiết mặn nồng, từ trẻ đến già ai cũng mê hò như cơm ăn nước uống, nhất là những ai có giọng hò hay và nhiệt tình tham gia sinh hoạt cộng đồng sẽ được gọi là thợ hò.
 
Chị Thanh Tú tâm sự: "Ngày còn nhỏ, những đêm trăng, tôi theo mẹ, dì và các o trong làng để nghe hò khoan, rất vui mà ấm lòng"... Từ cái nôi hò khoan Lệ Thủy, cô bé Thanh Tú lớn lên, được mẹ vỗ về bằng những câu hát ru, bằng những lời hò đối đáp giao duyên trong buổi giã gạo đêm trăng hoặc hò đưa linh trong đám tang của người thân. Mẹ và dì của chị đều là những thợ hò và hò rất hay được bà con yêu mến, thán phục.
 
Chị rất tự hào và luôn mơ ước sau này lớn lên cũng biết hò như mẹ và dì. Mặc dù bận rộn trong công việc, cuộc sống, nhưng mẹ của chị vẫn dành chút thời gian dạy cho con gái các mái hò khoan. Càng học hò khoan Lệ Thủy, chị càng thấy thích thú, càng thêm yêu quý quê mình và tự hào về các bậc tiền bối đã sáng tạo ra những câu hò làm say đắm lòng người.   
nghệ nhân dân gian Võ Thị Thanh Tú.
Nghệ nhân dân gian Võ Thị Thanh Tú.

Từ lúc còn là học sinh, chị Thanh Tú đã là một cây văn nghệ xuất sắc ở trường. Càng lớn lên, câu hò khoan Lệ Thủy của quê hương càng làm cho cô học sinh yêu đời, yêu ca hát, yêu hò khoan. Đến năm 1990, sau những năm mặc áo lính ở đội văn nghệ biên phòng tỉnh trở về quê hương sinh sống, chị Võ Thị Thanh Tú luôn tâm huyết với hò khoan Lệ Thủy.

Trải qua thời gian rèn luyện, phấn đấu, chị đã trở thành một giọng hò khoan Lệ Thủy xuất sắc. Chị đã dày công học hỏi các nghệ nhân cao niên nên khi hò có được sự điêu luyện, thuần thục và ngọt ngào trong trình diễn.

Chị Thanh Tú còn đi đầu, tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu hò khoan với các tỉnh bạn; biểu diễn phục vụ khách du lịch và tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn. Chị tâm sự: "Thời gian qua, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng và nỗ lực xây dựng CLB "Yêu câu hò xứ Lệ"-nơi tôi gửi gắm tâm huyết của mình, nguyện phấn đấu và cống hiến tài năng của mình cho hò khoan Lệ Thủy...".

Chị Thanh Tú tập trung thời gian truyền dạy các làn điệu hò khoan cho 34 học viên, phần lớn là thế hệ trẻ, biết 6 mái hò khoan Lệ Thủy. Chị cũng đã tham gia soạn nhiều lời mới cho CLB trình diễn phục vụ quần chúng. Nhiều lúc CLB khó khăn, thiếu kinh phí hoạt động, chị cùng Ban Chủ nhiệm có nhiều sáng kiến xây dựng CLB và giúp đỡ kinh phí để hoạt động tuyên truyền không gián đoạn. Các video clip về hò khoan Lệ Thủy ra đời với sự nỗ lực của chị và CLB nhằm quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản hò khoan.
 
Thời gian qua, CLB "Yêu câu hò xứ Lệ" được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, cá nhân chị được Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy tặng giấy khen về sự đóng góp cho việc gìn giữ và phát huy giá trị của hò khoan Lệ Thủy. Vừa qua, chị đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận là Nghệ nhân dân gian và được trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian Việt Nam".
 
Chị chia sẻ: "Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa đưa hò khoan Lệ Thủy ngày càng được phát huy, xứng đáng là món ăn tinh thần của người dân xứ Lệ và tỉnh Quảng Bình. Hò khoan Lệ Thủy đã là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao mà CLB "Yêu câu hò xứ Lệ" luôn phải phấn đấu làm nòng cốt để góp phần quảng bá hò khoan".
 
Ông Lê Đình Tới, Chi hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam huyện Lệ Thủy nhận xét: Nghệ nhân Võ Thị Thanh Tú yêu thích dân ca hò khoan Lệ Thủy và là hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, giọng hò của chị luôn được mọi người mến mộ. Mong chị sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu gìn giữ và phát huy giá trị của hò khoan Lệ Thủy.
                                                                           Dương Viết Chiến

tin liên quan

Miệt mài trên cung đường gió bụi

(QBĐT) - 86 tuổi, ông vẫn miệt mài trên những cung đường đầy gió bụi cùng chiếc máy ảnh và niềm đam mê chưa một ngày nguội tắt. Đôi chân ông đã đi qua từng vùng đất của tất thảy 63 tỉnh, thành, khám phá hơn 40 đất nước, vùng lãnh thổ. Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Mạnh Thường (Hà Nội) được ví như con ong cần mẫn dâng mật ngọt cho đời khi ông có cả một tài sản đồ sộ với hơn 40 cuốn sách ảnh. Và ở tuổi "xưa nay hiếm", ông vẫn miệt mài trên hành trình bất tận ấy. 

Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình lần thứ VI

(QBĐT) - Sáng 17/9, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình tổ chức đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027. 

Nhìn lại và bước tiếp

(QBĐT) - Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình là một trong số ít những chi hội ra đời vào hàng sớm nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Chi hội tổ chức Đại hội lần thứ I vào tháng 6/1999.