Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh
(QBĐT) - Sáng nay, 6/1, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình và Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố nhằm sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06, tổng kết hoạt động Chuyển đổi số năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Chuyển đổi số tỉnh (CĐS), Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, qua một năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Đề án 06 trong năm 2022 đã cơ bản hoàn thành. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn đã cơ bản nhận thức được mục đích, ý nghĩa, vai trò và tiện ích của Đề án 06.
Vì vậy, các nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành tốt, như: Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, xếp thứ 16 toàn quốc; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử xếp thứ 13 toàn quốc; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ CCCD gắn chíp xếp thứ 25 toàn quốc; các chỉ tiêu làm sạch dữ liệu cơ bản đã hoàn thành.
Về kết quả triển khai CĐS năm 2022, có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có 6 chỉ tiêu đạt 100% là: Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; tỷ lệ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, cấp huyện kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước; tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT của các cơ quan được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn thông tin.
Sau các ý kiến thảo luận của đại biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu kết luận, nhấn mạnh: CĐS là xu thế tất yếu và là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia; là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Trong năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh thực hiện CĐS và triển khai Đề án 06; trong đó, xác định Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số. Quá trình tổ chức triển khai, thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.
Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ngành, địa phương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra; tạo nhiều chuyển biến tích cực, thúc đẩy tiến trình CĐS của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, triển khai, thực hiện; vẫn còn một bộ phận người dân, thậm chí cả lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức chưa nắm rõ chủ trương, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của CĐS và Đề án 06. Hạ tầng, thiết bị CNTT, kết nối internet băng rộng một số nơi còn bất cập. Tiến độ thực hiện một số dự án CĐS, đô thị thông minh còn chậm. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp chất lượng còn thấp; nhiều dịch vụ công chưa đạt tỷ lệ 20% hồ sơ nộp trực tuyến…
Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác CĐS, đặc biệt là Đề án 06 trong năm 2023 và những năm tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, hoàn thiện các quy trình dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và đẩy mạnh việc hướng dẫn, trợ giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện; đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06.
Trên cơ sở Kế hoạch CĐS giai đoạn đến năm 2025 và Kế hoạch CĐS năm 2023 của UBND tỉnh đã ban hành, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu, xác định lộ trình để tham mưu xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung và nền tảng số dùng chung của tỉnh theo định hướng CĐS. Đối với các cơ sở dữ liệu đã xây dựng, tổ chức thực hiện ngay công tác số hóa dữ liệu để chia sẻ, khai thác, sử dụng. Trong đó, năm 2023 phải hoàn thành chỉ tiêu số hóa hồ sơ, trả kết quả bản điện tử đối với 100% thủ tục hành chính theo Đề án 06 và Đề án 468 của Thủ tướng Chính phủ.
Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ trên các nền tảng số. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tham gia các sàn thương mại điện tử lớn nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin-Truyền thông và chính quyền các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp về CĐS và Đề án 06.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền về lợi ích thiết thực của thẻ căn cước công dân gắn chip, đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến… để tạo sự lan tỏa, hưởng ứng trong toàn xã hội.
Một số hình ảnh thảo luận về thực hiện CĐS và Đề án 06 trong sáng 6/1:
Nội Hà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.