Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1-12:

Phòng, chống HIV/AIDS trong đại dịch COVID-19

  • 08:12 | Thứ Tư, 01/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
 
(QBĐT) - Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã và đang có những tác động to lớn đối với mọi mặt đời sống xã hội. Chương trình phòng chống HIV/AIDS vốn gặp nhiều khó khăn nay càng thêm trở ngại. Phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trở thành thách thức hàng đầu, đặt ra những nhiệm vụ nặng nề cho công tác giáo dục, truyền thông và điều trị. 
Y bác sỹ CDC Quảng Bình khám và tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Y bác sỹ CDC Quảng Bình khám và tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 415 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó đã có 138 trường hợp tử vong. Trong năm 2021, qua xét nghiệm sàng lọc trên 13.000 mẫu, Quảng Bình đã phát hiện 24 trường hợp HIV dương tính. 135/151 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS.
 
Theo bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, ngay từ đầu năm, CDC đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc; triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm dân cư đặc thù của từng địa phương.
 
“Để đạt hiệu quả tích cực, đơn vị cũng phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia hỗ trợ mô hình bán dâm năm 2021, đồng thời triển khai tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao”, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết thêm.  
Ngành y tế bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, quan tâm tư vấn điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Ngành y tế bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, quan tâm tư vấn điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Cùng với công tác truyền thông, hoạt động can thiệp giảm tác hại cũng được đẩy mạnh. Năm qua, Quảng Bình đã tiến hành cấp phát bơm kim tiêm miễn phí và triển khai tư vấn đều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 3 cơ sở điều trị trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng 157 bệnh nhân đang tham gia điều trị. Ngành y tế Quảng Bình cũng đang xây dựng kế hoạch mở thêm cơ sở điều trị Methadone thuộc Trung tâm Y tế thị xã Ba Đồn. 
 
Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn kinh phí dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động. Đặc biệt, tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng đến một số hoạt động và chương trình, như: công tác gửi mẫu xét nghiệm tải lượng vi rút cho bệnh nhân điều trị ARV, xét nghiệm DBS cho trẻ, uống thuốc hàng ngày bệnh nhân điều trị Methadone, hoạt động giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới…
 
Trước dịch, những hoạt động này vốn đã gặp nhiều khó khăn nay càng thêm trở ngại, đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác y tế, phòng chống HIV/AIDS phải nỗ lực hơn rất nhiều lần.  
Uống thuốc hàng ngày của bệnh nhân điều trị Methadone.
Uống thuốc hàng ngày của bệnh nhân điều trị Methadone.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở tất cả các địa phương trong cả nước, dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng so với năm 2020. Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 212.000 người có HIV, trong 10 tháng đầu năm 2021 là gần 11.000 trường hợp mắc mới.
 
Số trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS là hơn 108.000 trường hợp. Đáng lưu ý, sau nhiều năm, số trường hợp mắc mới HIV đã giảm, thì trong 2 năm gần đây đang có xu hướng gia tăng trở lại. Đặc biệt, đường lây truyền HIV cũng có sự thay đổi, nhiễm HIV tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
 
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người nhiễm HIV khi mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn. Những bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và tăng huyết áp cũng thường gặp ở những người có HIV, do đó khi mắc COVID-19 nguy cơ thường nặng hơn. Báo cáo cũng chỉ ra gần 1/4 tổng số người nhiễm HIV nhập viện do COVID-19 đã tử vong và nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng. 
Người nghi nhiễm đã tự nguyện tới cơ sở y tế để được tư vấn về HIV/AIDS.
Người nghi nhiễm đã tự nguyện tới cơ sở y tế để được tư vấn về HIV/AIDS.
Trước tình hình đó, để tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 đã được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
 
Diễn ra từ 10-11 đến 10-12, Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. 
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, AIDS, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) không khuyến khích các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các Lễ phát động hoặc các buổi mít tinh trực tiếp cũng như các hoạt động tập trung đông người.
 
Thay vào đó, các cơ quan, đơn vị có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến với số lượng người phù hợp theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 theo từng thời điểm và tình hình thực tế tại các địa phương.  
Quảng Bình hiện có 3 cơ sở tư vấn đều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
Quảng Bình hiện có 3 cơ sở tư vấn đều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.
“Nội dung truyền thông cần chú trọng vào các nội dung như: Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với nhóm có hành vi nguy cơ cao, điều trị bằng thuốc ARV; lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống HIV/AIDS...
 
Chúng tôi cũng khuyến khích các đơn vị linh hoạt và triển khai đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp, trong đó, chú trọng truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội… Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Bình sẽ nỗ lực, hướng đến mục tiêu Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030”, Giám đốc CDC Đỗ Quốc Tiệp cho biết thêm.  
 
Quảng Bình hiện có 268 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ARV, chiếm hơn 86% số người nhiễm HIV phát hiện đang còn sống, đồng thời điều trị ARV cho tất cả các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện. 100% bệnh nhân được khám, cấp phát thuốc qua BHYT. Ngành y tế  bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, bệnh nhân phơi nhiễm theo quy định. Đặc biêt, CDC Quảng Bình đang tăng cường công tác kết nối dịch vụ điều trị, chăm sóc HIV/AIDS với các chương trình (lao, da liễu...) để bệnh nhân được chăm sóc một cách toàn diện hơn.
 
Nội Hà

tin liên quan

Phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 30-11, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3899/QĐ-UBND về việc phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp.
 

Thêm 29 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 23 cộng đồng

(QBĐT) - Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 29-11 đến 6 giờ ngày 30-11), Quảng Bình ghi nhận thêm 29 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 23 ca tại cộng đồng.