Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giao tranh tại Sudan: Hơn 250.000 người dân đã phải đi sơ tán

  • 15:41 | Thứ Ba, 23/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Xung đột tại Sudan đã khiến hơn 250.000 người sơ tán sang các nước láng giềng và sẽ còn có thêm nhiều người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nữa khi giao tranh tiếp diễn.
Phân phát hàng viện trợ cho người tị nạn Sudan tại Koufroun, Cộng hòa Chad. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phân phát hàng viện trợ cho người tị nạn Sudan tại Koufroun, Cộng hòa Chad. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 22/5, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 60.000-90.000 người ở Sudan đã sơ tán sang nước láng giềng Cộng hòa Chad kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng trước.
 
Thống kê cũng cho thấy xung đột đã khiến hơn 250.000 người sơ tán sang các nước láng giềng và sẽ còn có thêm nhiều người rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn nữa khi giao tranh tiếp diễn.
 
Phát biểu trong chuyến thăm 4 ngày tới Cộng hòa Chad, Trợ lý Cao ủy phụ trách các hoạt động của UNHCR, ông Raouf Mazou, nhấn mạnh gần 90% những người mới sơ tán đến Cộng hòa Chad là phụ nữ và trẻ em.
 
Nhiều người hiện đang phải ở những nơi trú ẩn tạm thời, thậm chí dưới gốc cây, với các dịch vụ cơ bản rất hạn chế.
 
Do đó, khi mùa mưa tới, cần khẩn trương đưa những người này đến các trại tị nạn gần nhất và cộng đồng quốc tế cần tăng cường hỗ trợ vì tính cả những người sơ tán trong các cuộc xung đột trước, Cộng hòa Chad hiện là nơi trú ngụ của gần 700.000 người tị nạn.
 
Đầu tháng này, Chương trình Lương thực của Liên hợp quốc cho biết cần 162,4 triệu USD để hỗ trợ Chính phủ Cộng hòa Chad giúp đỡ 2,3 triệu người đang cần lương thực khẩn cấp.
 
Trong khi đó, cùng ngày, Quỹ Ứng phó Khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF) thông báo đã dành 5 triệu USD cho những nỗ lực nhân đạo ở Ai Cập để hỗ trợ những người phải sơ tán do xung đột ở nước láng giềng Sudan.
 
Theo CERF, khoản tiền trên sẽ được sử dụng để cung cấp thực phẩm, nước, vệ sinh và các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tiền mặt cũng như hỗ trợ tâm lý-xã hội cho người tị nạn, người hồi hương, người xin tị nạn và công dân nước thứ ba đến từ Sudan.
 
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Sudan vào ngày 15/4 vừa qua, Ai Cập là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Sudan nhất.
 
Tính đến ngày 17/5, hơn 113.000 người đã vượt qua biên giới Sudan để đến Ai Cập và con số này sẽ tiếp tục tăng, với khoảng 5.000 người mỗi ngày.
 
UNHCR ước tính tổng cộng 350.000 người ở Sudan sẽ sơ tán đến Ai Cập trong 6 tháng tới.
 
Ngoài khoản tiền 5 triệu USD trên, CERF cũng đã cung cấp tổng cộng 17 triệu USD cho các nước láng giềng của Sudan, trong đó có Cộng hòa Chad, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan./.
 
Theo Nguyễn Tú-Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

tin liên quan

Thái Lan: Liên minh 8 đảng ký MoU hướng tới lập chính phủ mới

Theo nội dung của MoU, tất cả 8 đảng đều ủng hộ lãnh đạo của MFP, ông Pita Limjaroenrat, làm Thủ tướng tiếp theo; nhất trí với 23 điểm chính phủ mới cần thực hiện.
 

Thủ tướng Nhật Bản bác khả năng giải tán Hạ viện để bầu cử sớm

Ngày 21/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bác bỏ khả năng chuẩn bị xúc tiến giải tán Hạ viện để tiến hành một cuộc bầu cử sớm.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima ra tuyên bố chung

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhóm các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.