Quốc tế
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thái Lan: Liên minh 8 đảng ký MoU hướng tới lập chính phủ mới

  • 07:01 | Thứ Ba, 23/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo nội dung của MoU, tất cả 8 đảng đều ủng hộ lãnh đạo của MFP, ông Pita Limjaroenrat, làm Thủ tướng tiếp theo; nhất trí với 23 điểm chính phủ mới cần thực hiện.
Lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat cho biết sẽ làm việc với 7 chính đảng khác nhằm hình thành một liên minh có thể thành lập Chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat cho biết sẽ làm việc với 7 chính đảng khác nhằm hình thành một liên minh có thể thành lập Chính phủ. Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 22/5, đảng Tiến bước (MFP), đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Thái Lan, và 7 chính đảng khác đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về thể thức thành lập chính phủ mới, nhằm hướng tới thành lập chính phủ liên minh.
 
Liên minh 8 đảng này bao gồm đảng Tiến bước, Vì nước Thái (Pheu Thai), Thai Sang Thai, Thai Liberal, Prachachart, Fair, Plung Sungkom Mai và Peu Thai Ruamphalang.
 
Theo nội dung của MoU, tất cả 8 đảng đều ủng hộ lãnh đạo của MFP, ông Pita Limjaroenrat, làm Thủ tướng tiếp theo.
 
Việc ký kết MoU đồng nghĩa lãnh đạo các chính đảng nhất trí với 23 điểm chính phủ mới cần thực hiện (nếu được bầu), trong đó có hướng tới sửa đổi hiến pháp, cải cách kinh tế, tăng cường phòng chống tham nhũng, ma túy, bảo vệ môi trường.
 
Cụ thể, các bên ủng hộ việc soạn thảo hiến pháp mới để thay thế hiến pháp hiện tại do quân đội ban hành vào năm 2017. Các bên cũng thống nhất cần “cải cách hệ thống công vụ, công an, quân đội, tư pháp theo nguyên tắc dân chủ, minh bạch, hiện đại, hiệu quả, tối đa hóa lợi ích của nhân dân," đồng thời bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
 
Về kinh tế, các bên khẳng định sẽ cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hỗ trợ ngành công nghiệp và tăng cường sức cạnh tranh của các sản phẩm Thái Lan trên thị trường quốc tế, cũng như loại bỏ độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong tất cả các lĩnh vực, như công nghiệp sản xuất đồ uống có cồn.
 
Về đối ngoại, các đảng trong liên minh ủng hộ thực hiện các chính sách nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Thái Lan trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và duy trì quan hệ quốc tế cân bằng giữa Thái Lan với các cường quốc khác.
 
Liên minh do MFP lãnh đạo hiện có 313 ghế nghị sỹ Hạ viện, chiếm đa số trong tổng 500 ghế. MFP sẽ cần ít nhất 376 phiếu bầu - tức quá bán trong tổng số 500 đại biểu Hạ viện mới và 250 thượng nghị sỹ được Quân đội bổ nhiệm, tại Quốc hội để nhà lãnh đạo Pita làm thủ tướng tiếp theo.
 
Trong một diễn biến liên quan, theo báo Bangkok Post ngày 22/5, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) dự kiến sẽ ra phán quyết về việc liệu lãnh đạođảng Tiến bước (MFP), Pita Limjaroenrat, có đủ tư cách tham gia tranh cử hay không, do ông sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông.
 
Bangkok Post dẫn một nguồn tin cho biết EC đang xem xét đơn kiến nghị của ông Ruangkrai Leekitwattana, nghị sỹ đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP), về việc ông Pita đã không khai báo quyền sở hữu 42.000 cổ phiếu của mình ở công ty truyền thông iTV cho Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) trước khi ông nhậm chức nghị sỹ vào năm 2019. Các cổ phiếu này có giá trị 5 baht mỗi cổ phiếu.
 
Luật cấm các cổ đông trong các công ty truyền thông trở thành nghị sỹ. Bản kiến nghị cũng đặt ra câu hỏi liệu việc đăng ký các ứng cử viên nghị sỹ của MFP trong tất cả 400 khu vực bầu cử cũng có thể bị tuyên bố là không hợp lệ nếu ông Pita, người đã phê duyệt đăng ký của họ, bị loại vì vấn đề cổ phần của iTV.
 
Trước đó, ông Pita cho biết ông không sở hữu số cổ phần này vì ông được thừa kế chúng từ cha mình. Các cổ phiếu được liệt kê dưới tên của Pita bởi khi đó ông được chọn là người thi hành di sản của người cha quá cố của mình. Ông Pita cho biết đã giải thích vấn đề với cơ quan bầu cử trước khi tuyên thệ nhậm chức.
 
Báo cũng dẫn một nguồn tin của EC cho biết ủy ban không thể viện dẫn luật tổ chức về bầu cử nghị sỹ trong trường hợp của ông Pita, vì mục 61 của luật quy định EC chỉ có thể loại bỏ một cá nhân với tư cách ứng cử viên nghị sỹ trước khi cuộc bầu cử kết thúc. Hiện cuộc bầu cử đã kết thúc, EC không có cơ sở pháp lý để loại bỏ một ứng cử viên hoặc nghị sỹ đắc cử.
 
Ngoài ra, mục 82 của Hiến pháp nói rằng EC chỉ có thể tước tư cách nghị sỹ của bất kỳ ai sau khi vụ việc của họ đã được chuyển đến Tòa án Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Vì ông Pita chưa được chính thức xác nhận là nghị sỹ sau cuộc bầu cử mới nhất, nên EC phải đợi cho đến khi xác nhận ông Pita trước khi có thể áp dụng phần này.
 
Trong khi đó, ông Ruangkrai cho biết vào ngày 24/5 ông sẽ đệ trình EC các tài liệu bổ sung, gồm danh sách các cổ đông của iTV từ năm 2006 và sơ đồ thể hiện thu nhập của iTV từ năm 2006 đến năm ngoái, để hỗ trợ cho báo cáo của mình với hy vọng EC sẽ có thể tăng tốc độ điều tra và chuyển vụ việc Pita ra tòa./.
 
Theo Đỗ Sinh-Huy Tiến (TTXVN/Vietnam+)
 

tin liên quan

Thủ tướng Nhật Bản bác khả năng giải tán Hạ viện để bầu cử sớm

Ngày 21/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bác bỏ khả năng chuẩn bị xúc tiến giải tán Hạ viện để tiến hành một cuộc bầu cử sớm.

Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima ra tuyên bố chung

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với nhóm các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.
 

Thủ tướng Italy rút ngắn lịch trình dự Hội nghị Thượng đỉnh G7, về nước xử lý vấn đề lũ lụt

Ngày 20/5, hãng thông tấn quốc gia Ansa của Italy đưa tin Thủ tướng nước này, bà Giorgia Meloni sẽ rời Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sớm hơn dự kiến và quay trở về Italy để giải quyết tình trạng lũ lụt khẩn cấp đang xảy ra tại vùng Emilia Romagna.