Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

  • 08:09 | Thứ Ba, 18/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng giữ vững an ninh, chính trị, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, củng cố niềm tin nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ. Một trong những giải pháp quan trọng về PCTN, TC là nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Để hiểu thêm về nội dung này, phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình có buổi trao đổi với ông Lê Công Hữu, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh.
 
P.V: Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN, TC có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
 
Ông Lê Công Hữu: Những năm qua, cùng với sự quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò của quần chúng nhân dân, công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Cán bộ, công chức cơ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. Đặc biệt, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cơ bản được kiểm soát.
 
Tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC là một trong những nội dung quan trọng của công tác PCTN, TC. Bên cạnh các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, như: Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; xây dựng, ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức... thì công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC có ý nghĩa quan trọng đối với phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về PCTN, TC nói riêng của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, góp phần ngăn ngừa hoạt động tham nhũng, tiêu cực.
 
P.V: Xin ông cho biết, hiện nay, công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, hạn chế gì?
 
Ông Lê Công Hữu: Nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, cũng như trong PCTN, TC, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa cao. Công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC chỉ mới tập trung chủ yếu vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, chưa phổ biến sâu rộng đến toàn thể nhân dân. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thật sự, phong phú, đa dạng, phù hợp.
 
Việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm túc, dẫn đến hiệu quả thấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên hầu hết kiêm nhiệm, năng lực công tác không đồng đều và nhiều biến động, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền.
Thanh tra tỉnh công bố thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, TC tại Sở Văn hóa và Thể thao.
Thanh tra tỉnh công bố thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN, TC tại Sở Văn hóa và Thể thao.
P.V: Để tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác PCTN, TC, đâu là giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, thưa ông?
 
Ông Lê Công Hữu: Thứ nhất, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC đến tận các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về PCTN, TC; phát huy tinh thần đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng của cán bộ, công chức, đảng viên và cả người dân. 
 
Thứ hai, Mặt trận và các thành viên tổ chức để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách về PCTN, TC.
 
Thứ ba, phát huy vai trò các cơ quan báo chí tuyên truyền trong tuyên truyền, động viên nhân dân tham gia PCTN, TC. 
 
Thứ tư, có cơ chế bảo vệ, khen thưởng kịp thời đối với người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân.
 
P.V: Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền PCTN, TC, theo ông, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các nội dung, giải pháp gì?
 
Ông Lê Công Hữu: Chúng ta cần tập trung vào các giải pháp sau: Người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC.
 
Tiếp tục củng cố, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp và địa phương. Tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật vững mạnh cả về số lượng, chất lượng, có phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn vững vàng, có kỹ năng truyền đạt, am hiểu pháp luật và kiến thức xã hội nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phản ánh kịp thời, sinh động các hoạt động của các cấp, ngành, đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
Cấp ủy, UBND các cấp, ngành cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC và đưa nội dung PCTN, TC vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 1107/KH-UBND, ngày 24/9/2013 của UBND tỉnh.
 
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi triệt để tài sản Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát.
 
Chỉ đạo công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch tuyên truyền vu cáo, xuyên tạc về tình trạng tham nhũng và công tác đấu tranh về PCTN, TC của Đảng, Nhà nước nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
 
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang thông tin điện tử của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, niêm yết tại nơi làm việc, cung cấp số điện thoại đường dây nóng tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tham gia quản lý, giám sát.
 
Cần xây dựng cơ chế khen thưởng, khuyến khích và biểu dương kịp thời các đơn vị, địa phương và cá nhân có sáng kiến, giải pháp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL về PCTN, TC sát thực, cụ thể đem lại hiệu quả cao trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị; đồng thời nhân rộng các cách làm hay, điển hình.
 
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Thanh Long (thực hiện)

tin liên quan

Trôi nổi "đất vàng"?

QBĐT) - Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, bán đảo Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) trở thành tâm điểm phát triển du lịch dịch vụ, bởi vậy đất đai được ví như "đất vàng".

Tiếp nhận 1.958 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân

(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành trong tỉnh đã tiếp nhận 1.958 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến, so với cùng kỳ năm 2021 tăng 629 đơn. Đặc biệt qua giải quyết đơn tố cáo, đã chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra 1 vụ.

Tước danh hiệu Công an nhân dân 3 cán bộ, chiến sĩ bạo lực với 2 thiếu niên

Ban Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng quyết định hình thức xử lý tước danh hiệu Công an nhân dân 3 cán bộ gồm: Đại úy Châu Minh Trung; Trung úy Nguyễn Quang Thái; Thượng úy Đoàn Tấn Phong; Kỷ luật cách chức Đại úy Hứa Trường An, Phó Đội trưởng xuống làm cán bộ và cảnh cáo Đại úy Trần Minh Đời.