Liên quan đến vụ án Nguyễn Ngọc Sơn phạm tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản":

Cần điều tra làm rõ vai trò của ông Hoàng Văn Đức

  • 06:29 | Thứ Tư, 13/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ án Nguyễn Ngọc Sơn, công chức Địa chính-Xây dựng (ĐC-XD) xã Hoàn Trạch (cũ), nay là thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử từ năm 2016. Qua các cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm, Nguyễn Ngọc Sơn bị tuyên phạt 18 năm tù. Ngày 5/4/2022, Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm quyết định hủy toàn bộ bản án các cấp xét xử trước đây, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện KSND tối cao để điều tra lại. Đặc biệt, tại phiên giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán còn xem xét đến vai trò, dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với ông Hoàng Văn Đức.
 
Điểm mấu chốt trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Nguyễn Ngọc Sơn luôn nhất quán lời khai, hành vi của Sơn có sự chỉ đạo từ ông Hoàng Văn Đức. Số tiền chiếm đoạt, Sơn nhiều lần đưa cho ông Đức, tổng số tiền hơn 803 triệu đồng; chi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp theo sự chỉ đạo từ ông Đức; bản thân Nguyễn Ngọc Sơn chỉ hưởng lợi số tiền sai phạm khoảng 25 triệu đồng. Ông Đức biết, thậm chí biết rất rõ sai phạm của Nguyễn Ngọc Sơn trong việc thu tiền trái pháp luật từ người dân.
Ông Hoàng Văn Đức tại tòa.
Ông Hoàng Văn Đức tại tòa.
Trong vụ án này, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khai nhận, việc ứng tiền từ Nguyễn Ngọc Sơn đều nhận sự chỉ đạo từ ông Hoàng Văn Đức, cụ thể: Ngày 2/2/2008, bà Phan Thị Hương, đại diện Công ty TNHH Trang Vân xin ứng 40 triệu đồng “tiền máy làm đường”, ông Hoàng Văn Đức bút phê “Duyệt 35 triệu đồng, chuyển đồng chí Sơn địa chính xã”. Ngày 30/1/2008, Nguyễn Ngọc Sơn chi cho bà Nguyễn Thị Kim Hảo số tiền 10 triệu đồng “mua gạch cho UBND xã Hoàn Trạch”. Bà Hảo khai số tiền nhận từ Sơn là do có sự chỉ đạo từ ông Hoàng Văn Đức. Tuy nhiên, hồ sơ lưu trữ tại UBND xã Hoàn Trạch không thể hiện việc giao dịch mua bán gạch giữa UBND xã với bà Hảo.
 
Ông Trần Đình Ngân, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án khai: Để chuẩn bị cho vụ đông-xuân 2015-2016, UBND xã Hoàn Trạch chủ trương đắp đập Bến Táng ở thôn 8, Sơn là người thuê nhân công và giám sát. Nguyễn Ngọc Sơn thuê các ông Trần Đình Ngân, Trần Sự, Nguyễn Văn Đượm thi công. Sau thi công, Sơn chi cho ông Ngân hơn 3,6 triệu đồng; ông Sự gần 4 triệu đồng và ông Đượm trên 28 triệu đồng. Ông Trần Đình Ngân khai rằng tổng số tiền Sơn chi trả để thi công công trình Bến Táng có sự chỉ đạo của ông Hoàng Văn Đức.
 
Mặc dù hồ sơ, tài liệu liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ông Hoàng Văn Đức trong vụ án đã bị tiêu hủy như lời Nguyễn Ngọc Sơn khai báo, nhưng quá trình điều tra các cơ quan chức năng vẫn thu thập được 6 giấy ứng tiền với tổng số tiền 250 triệu đồng có bút tích phê duyệt từ ông Hoàng Văn Đức. Như vậy, đủ cơ sở chứng minh vai trò đồng phạm của ông Hoàng Văn Đức về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
 
Song song với quá trình điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tố tụng, trong hai năm 2017, 2018, Báo Quảng Bình cũng đã tiến hành điều tra độc lập và phát hiện ra hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai của ông Hoàng Văn Đức trên cương vị Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch.
 
Cụ thể, trong vụ việc ông Hoàng Quang Trung, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch giai đoạn 2018-2020 (bị cách chức do sai phạm về đất đai- PV) “biến 818m2 đất công thành của riêng” thể hiện rất rõ sự bao che, dung túng của ông Hoàng Văn Đức.
 
Tháng 7/2012, ông Hoàng Quang Trung lúc này đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch viết đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại thửa đất số 348, tờ bản đồ số 16 ở thôn 6, xã Hoàn Trạch với diện tích 818m2. Đây là diện tích thuộc điểm trường mầm non Tứ Hoàn giai đoạn 1991-2002, là tài sản thuộc quyền quản lý của Nhà nước, tuy nhiên, trong tờ khai xin cấp đất, ông Hoàng Quang Trung ghi nguồn gốc sử dụng đất là “khai hoang, ở ổn định từ năm 1986”.
Thửa đất nguyên là điểm trường mầm non Tứ Hoàn được biến hóa thành đất của ông Hoàng Quang Trung nhờ có sự bao che của ông Hoàng Văn Đức.
Thửa đất nguyên là điểm trường mầm non Tứ Hoàn được biến hóa thành đất của ông Hoàng Quang Trung nhờ có sự bao che của ông Hoàng Văn Đức.
Dưới sự “đạo diễn” của cán bộ ĐC-XD Nguyễn Ngọc Sơn và sự bao che của ông Hoàng Văn Đức trên cương vị Chủ tịch UBND xã, tất cả hồ sơ, giấy tờ thửa đất số 348, tờ bản đồ số 16 tại thôn 6, xã Hoàn Trạch được “phù phép” từ tài sản Nhà nước biến thành sở hữu riêng của vợ chồng ông Trung. UBND huyện Bố Trạch sau đó đã cấp GCNQSDĐ số hiệu BN 774238 cho vợ chồng ông Hoàng Quang Trung, Hoàng Thị Đường (sau khi phát hiện ra sự “man trá” này, UBND huyện Bố Trạch đã quyết định thu hồi, tiêu hủy GCNQSDĐ nói trên-PV).
 
Một sai phạm nghiêm trọng khác của ông Hoàng Văn Đức liên quan đến quản lý đất đai cũng được Báo Quảng Bình phản ánh trong năm 2018: Trên cương vị Chủ tịch UBND xã giai đoạn 2006-2016, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo xã, ông Đức với tài “biến hóa” của mình đã “giúp” cho hàng chục nhân khẩu lạ không thuộc đối tượng hộ nghèo “đi lạc” các hộ nghèo thực sự, từ đó, nhiều trường hợp được xét cấp đất ở, vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai, làm thất thu lớn ngân sách nhà nước.
 
Tình trạng ghép nhân khẩu lạ vào hộ nghèo xảy ra nhiều nhất trong hai năm 2011 và 2012. Sau khi có dư luận về sự bất minh trong việc xét hộ nghèo ở xã Hoàn Trạch, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch vào cuộc kiểm tra, kết luận sự việc rất nghiêm trọng như dư luận phản ánh. Theo kết quả xác minh, năm 2011, toàn xã có 149 nhân khẩu nghèo thì phát hiện 14 nhân khẩu lạ ghép thêm để...được nghèo. Năm 2012, có 90 hộ, 299 khẩu nghèo thì 98 nhân khẩu “đi lạc” vào hộ nghèo. Nghiêm trọng hơn, bằng việc công nhận hộ nghèo nhờ ghép vào các gia đình nghèo khác, có 20 trường hợp được UBND xã Hoàn Trạch xem xét và cấp đất ở.
 
Câu hỏi lớn liên quan đến ông Hoàng Văn Đức là trên cương vị Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo xã, ông Đức giữ vai trò như thế nào trong việc “đạo diễn” ghép nhân khẩu vào các hộ nghèo để... được nghèo? Động cơ đằng sau đó là gì? Ông Đức có trục lợi hay không? Hậu quả gây thất thoát ngân sách nhà nước bao nhiêu..., cần được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.
 
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch nhận xét về câu chuyện người không nghèo “đi lạc” vào hộ nghèo xảy ra tại xã Hoàn Trạch: Sự việc nghiêm trọng này diễn ra trong thời gian dài nhưng các ngành chức năng huyện Bố Trạch phát hiện chậm vì sau khi chốt danh sách bình xét hộ nghèo xong, Chủ tịch UBND xã và cán bộ chuyên môn tự ý ghép thêm vào. Nguy hiểm hơn là xuất hiện các trường hợp ghép người thân của cán bộ chủ chốt xã vào các hộ nghèo để trục lợi. Các giấy tờ, văn bản liên quan đến quá trình bình xét, công nhận hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 đã “biến mất” một cách khó hiểu, không còn lưu trữ tại UBND xã Hoàn Trạch.
   Nhóm PV Bạn đọc

tin liên quan

Thành lập, tổ chức lại, giải thể các chi nhánh trợ giúp pháp lý

(QBĐT) - Sở Tư pháp vừa có thông báo về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các chi nhánh trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc sở.

Bộ Công an bác tin đồn cấm xuất cảnh đối với 1 tỷ phú Việt Nam

Sáng 11/7, trả lời với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thông tin về 1 vị tỷ phú đứng đầu doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh là tin đồn thất thiệt.
 

Khai thác sung cổ thụ và hệ lụy sinh thái

(QBĐT) - Những cây sung cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm sống ở bờ suối tỏa bóng mát được ví như những "lá phổi xanh", "lá chắn thép" bảo vệ đất đai khi có lũ lụt tràn về. Thế nhưng, nhiều cây sung đã bị đào và đưa đi khiến bà con Bru-Vân Kiều ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh) và dư luận hết sức lo ngại.