Người phụ nữ dân tộc Chứt làm kinh tế giỏi

  • 07:29 | Thứ Hai, 15/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở huyện Minh Hóa có nhiều biến chuyển tích cực. Đặc biệt là, chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Bà Cao Thị Vây (SN 1964, dân tộc Chứt) ở bản Lương Năng, xã Hóa Sơn (Minh Hóa) là một trong những điển hình như thế.
 
Hóa Sơn là một trong những xã nghèo của huyện Minh Hóa, nơi có tới 78% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Chứt). Hóa Sơn giáp biên giới, địa hình đồi núi, diện tích đất canh tác ít. Từ xưa, người dân nơi đây vốn quen với phương thức sản xuất “phát, đốt, cốt, trỉa” nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Cũng như nhiều hộ gia đình người Chứt ở bản Lương Năng, gia đình bà Vây cũng vậy, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám luẩn quẩn.
 
Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, với những chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực, hiệu quả và sự đồng hành, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hóa Sơn đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Gia đình bà Vây là một trong những hộ tiên phong, thay đổi tập tục sản xuất truyền thống để phát triển kinh tế tại địa phương.
Bà Cao Thị Vây (bìa phải) bên những gốc cây hồng xiêm chuẩn bị thu hoạch.
Bà Cao Thị Vây (bìa phải) bên những gốc cây hồng xiêm chuẩn bị thu hoạch.
Hôm chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả trên diện tích gần 3ha, bà Vây đang dọn cỏ cho những gốc hồng xiêm trĩu quả sắp thu hoạch. Không giấu được sự phấn khởi và tự hào, bà Vây chỉ cho chúng tôi xem vườn cây ăn quả xanh mát chạy dọc trên triền đồi. Bà chia sẻ, nghĩ lại những tháng ngày cơ cực, phát nương làm rẫy, tôi chưa bao giờ nghĩ gia đình mình sẽ có được ngày hôm nay. Những hàng cây ăn quả đủ loại, từ mít, hồng xiêm, cam, bưởi, ổi… gần như cho thu hoạch quanh năm, cũng đồng nghĩa với thu nhập đều đặn, ổn định.
 
Năm 2011, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hóa Sơn, bà Vây được tiếp cận và vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách ưu đãi để đầu tư mô hình trồng cây ăn quả. Với đức tính cần cù, chịu khó, quyết tâm thoát nghèo, bà Vây học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, từ những mô hình lân cận và qua các lớp tập huấn do Hội LHPN, chính quyền địa phương tổ chức. Từ đó, vợ chồng bà Vây tiếp thu, áp dụng được những tiến bộ kỹ thuật trong khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.
 
Năm 2017, bà Vây tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng để mở rộng diện tích cây trồng. Đến nay, mô hình của gia đình bà Vây đã trồng được gần 2.000 gốc cây ăn quả tổng hợp, dần tạo được thương hiệu tại địa phương và vùng lân cận. Đến mùa thu hoạch, các thương lái chủ động thu mua tại vườn. Mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. “Hầu hết các loại cây trong vườn đều đã cho thu hoạch, nhờ đó mà thu nhập từ vườn mang lại ổn định, không còn vất vả nhiều như trước đây. Chưa nói đến chuyện giàu có nhưng gia đình sống khỏe”, bà Vây cười chia sẻ.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Hóa Sơn Cao Thị Hoa cho biết, mô hình của hội viên Cao Thị Vây phát triển rất tốt, so với các mô hình khác thì đây là mô hình tổng hợp, trồng xen kẽ nhiều loại cây, ngoài ra gia đình còn tận dụng diện tích đất vườn để chăn nuôi thêm lợn, gà cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập. Hiện tại, đây là một trong những mô hình mẫu được phổ biến và nhân rộng cho để chị em hội viên trên địa bàn học tập.

Hơn 10 năm cần mẫn chăm sóc, tích lũy, đến hôm nay gia đình bà Vây đã tạo dựng được một cơ ngơi khá vững chắc và nguồn thu nhập ổn định. Ngoài việc cho con cái học hành, gia đình còn sắm sửa thêm nhiều vật dụng, thiết bị để phục vụ sinh hoạt cũng như áp dụng vào sản xuất.

Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, bà Vây luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con người Chứt ở bản Lương Năng. Quan trọng hơn, thành công của bà Vây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình mà còn là tấm gương sáng về cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, góp phần thay đổi tập tục, suy nghĩ của người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
X.Phú

tin liên quan

Hơn 130 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

(QBĐT) - Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý I/2024, đơn vị đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) cho 131 DN, với số vốn đăng ký gần 940 tỷ đồng. Riêng trong tháng 3 có 37 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 166 tỷ đồng.

Có 32 cơ sở gây nuôi động vật rừng

(QBĐT) - Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 32 cơ sở gây nuôi động vật rừng. 

Bảo vệ rừng tận gốc

(QBĐT) - Mùa khô năm 2024 dự báo sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng liên tiếp kéo theo nền nhiệt tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn. Với phương châm "phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời và triệt để", huyện Quảng Ninh đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy nhằm bảo vệ rừng tại gốc hiệu quả…