Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi theo hướng bền vững
(QBĐT) - Để nâng cao hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân xã Trung Hóa (Minh Hóa) đã thành lập Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi lợn an toàn thôn Liêm Hóa, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững...
Nhà nhà nuôi lợn
Trước đây, người dân thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa chỉ nuôi lợn theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ. Mỗi hộ nuôi từ 1-2 con để cải thiện kinh tế gia đình, tận dụng nguồn thức ăn trong vườn và phân bón phục vụ nông nghiệp. Qua quá trình chăn nuôi, nhiều người thấy được hiệu quả kinh tế nên bắt đầu tăng số đàn. Phong trào nuôi lợn trong thôn bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2014 đến nay khi một số hộ mua lợn nái sinh sản về nuôi để nâng tổng đàn.
Trước đây, anh Cao Xuân Vinh làm nhiều ngành nghề để kiếm sống. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên năm 2014 anh quyết định mua lợn nái về nuôi. Trước khi nuôi lợn quy mô lớn, anh đã tự học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, thú y tại các lớp đào tạo nghề, những người chăn nuôi lợn trên địa bàn và qua các phương tiện thông tin. “Thời điểm đó, tôi dốc hết vốn liếng trong nhà cộng với số vốn vay mượn để xây dựng chuồng trại rộng trên 220m2, có mái che, quạt, hầm biogas và mua thêm giống lợn siêu nạc về nuôi. Sau một thời gian, đàn lợn nhà tôi sinh sản tốt, tổng đàn ngày càng tăng lên”, anh Vinh chia sẻ.
Hiện, gia trại của anh Vinh có 12 con lợn nái sinh sản, trên 100 con lợn thịt. Đàn lợn nái đẻ 5 lứa/2 năm, mỗi lứa từ 10-15 con lợn. Riêng lợn thịt, anh nuôi đạt khoảng 100kg sẽ cho xuất chuồng. Bình quân mỗi năm, anh Vinh bán ra thị trường khoảng 250 con lợn thịt. Với giá lợn hơi hiện nay khoảng 55-57.000 đồng/kg, mỗi năm anh thu về khoảng 1,4 tỷ đồng, lãi ròng trên 200 triệu đồng/năm.
Thấy anh Vinh nuôi lợn hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn đến học tập kinh nghiệm, mua giống về nuôi. Đến nay, cả thôn Liêm Hóa đã có trên 100 hội viên ND nuôi lợn với tổng đàn khoảng 1.500 con/năm, trong đó hơn 80 hội viên nuôi từ 5 con lợn trở lên.
Anh Đinh Tiến Ngọ, một người dân trong thôn cho biết, được anh Vinh hỗ trợ về kiến thức chăn nuôi, con giống nên anh đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi lợn. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng đi lên, con cái được ăn học đàng hoàng, nhà cửa được làm lại khang trang hơn.
Trước đây, anh Ngọ làm thợ phụ hồ và có nuôi bò nhưng thu nhập không đáng bao nhiêu do bò xuống giá, thời gian thu hồi vốn lâu. Năm 2021, anh quyết định chuyển sang chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt. Ban đầu, anh chỉ mua 2 con lợn nái về nuôi. Sau một năm, đàn lợn của anh đã tăng lên hàng chục con. Hiện, gia trại chăn nuôi lợn của anh Ngọ có diện tích trên 200m2, số vốn đầu tư trên 300 triệu đồng; số lượng nuôi 9 con lợn nái và trên 100 con lợn thịt. Với giá bán như hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu lãi ròng trên 200 triệu đồng.
Chi hội trưởng Chi hội ND thôn Liêm Hóa Thái Xuân Tình cho hay: “Nhờ nuôi lợn nên nhiều hội viên ND trong thôn trở thành hộ khá, giàu. Trong quá trình chăn nuôi, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, nhưng phải bảo đảm môi trường sạch sẽ. Do vậy, người chăn nuôi đều tự giác làm hệ thống xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại thường xuyên hoặc đưa chuồng trại ra xa khu dân cư”.
Chăn nuôi theo hướng bền vững
Từ hiệu quả mô hình nuôi lợn ở thôn Liêm Hóa, năm 2023, Hội ND xã Trung Hóa đã quyết định thành lập Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi lợn an toàn thôn Liêm Hóa để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Mục đích hoạt động của tổ là đoàn kết, tập hợp các hội viên, ND cùng nhóm chăn nuôi lợn, sản xuất, kinh doanh và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập. Tổ hiện có 6 thành viên với tổng đàn lợn khoảng 800 con.
Anh Đinh Tiến Ngọ, Tổ trưởng Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi lợn an toàn thôn Liêm Hóa cho biết: “Trong quá trình hoạt động, tổ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên trong tổ còn lập nhóm zalo để cập nhật giá lợn, ngày bán, chia sẻ thức ăn, thuốc thú y trong chăn nuôi. Để hạn chế các dịch bệnh cho đàn lợn, các thành viên trong tổ tuyệt đối không mua thịt lợn ở ngoài về ăn...”
“Xã Trung Hóa hiện có hàng trăm hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hàng nghìn con/năm; trong đó thôn Liêm Hóa có tổng đàn và số hộ nuôi lợn nhiều nhất. Năm 2023, có 28 hội viên, ND của xã được cấp lợn giống từ các chương trình, dự án. Nhờ phát triển chăn nuôi lợn nên nhiều hộ dân xã Trung Hóa đã vươn lên làm giàu chính đáng; số hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể”, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa Cao Xuân Dương cho biết. |
Theo anh Ngọ, các hội viên khi tham gia tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi lợn an toàn, cần phải bảo đảm các tiêu chí, như: Tổng đàn lợn phải đủ nhiều; trong quá trình chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, tuân thủ các nguyên tắc của tổ, không được tùy tiện bán lợn cho các thương lái khi chưa được ký kết; không tự ý nâng, hạ giá lợn; không được mua thịt lợn không rõ nguồn gốc về làm thực phẩm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các thành viên trong tổ…
Chủ tịch Hội ND xã Trung Hóa Đinh Thanh Hải chia sẻ thêm: “Để giúp Tổ hội ND nghề nghiệp chăn nuôi lợn an toàn thôn Liêm Hóa phát triển, chúng tôi đã phân bổ 600/800 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ ND cho 6 hội viên vay vốn mở rộng sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tổ chức cho các thành viên trong và ngoài tổ tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh; đồng thời sẽ giới thiệu các nội dung thông tin liên quan đến thị trường, liên kết bao tiêu sản phẩm hàng hóa… cho hội viên”.
Xuân Vương