Nuôi trồng thủy sản theo hướng lâu dài, bền vững

  • 07:14 | Thứ Tư, 10/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - TX. Ba Đồn hiện có hơn 470ha ao hồ nuôi thủy sản. Tuy nhiên, phần lớn diện tích nuôi nhỏ lẻ, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh sẵn có. Để nuôi trồng thủy sản theo hướng lâu dài, bền vững, cần có sự quan tâm đầu tư đồng bộ hơn, nhất là công tác quy hoạch vùng nuôi, hoàn thiện hệ thống hạ tầng.
 
Nuôi cầm chừng vì hạ tầng bất cập
 
Phường Quảng Phong là một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản khá lớn của TX. Ba Đồn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân nuôi tôm nơi đây chỉ nuôi quảng canh, chứ không nuôi thâm canh như trước.
 
Ông Phạm Văn Quyến ở tổ dân phố (TDP) 7, phường Quảng Phong có 2.500m2 hồ nuôi tôm. Lúc chúng tôi đến, ông Quyến đang lấy nước vào ao để xử lý trước khi thả tôm giống. Ông Quyến cho biết, những năm trước, đến thời điểm tháng 4, tôm của ông đã được thả nuôi hơn 1 tháng. Có hồ mà không thả tôm để nuôi thì lãng phí, còn đầu tư nuôi thì sợ lỗ. Trước đây, ông thả đến 10 vạn con giống nhưng những năm trở lại đây, ông chỉ thả nuôi khoảng 3 vạn, không dám thả nhiều vì sợ “xôi hỏng bỏng không”. Nguyên nhân là do hệ thống mương cấp nước và tiêu nước của hồ tôm chủ yếu làm bằng đất từ lâu đã xuống cấp.
Nhiều hộ nuôi tôm cầm chừng vì hạ tầng xuống cấp.
Nhiều hộ nuôi tôm cầm chừng vì hạ tầng xuống cấp.
Ông Quyến cho hay: “Theo quy trình, trước khi dẫn nước vào hồ để thả tôm giống, phải xử lý, kiểm tra qua hồ lắng. Nếu nước bảo đảm các điều kiện an toàn thì mới cho vào hồ. Nhưng vì không có hồ lắng, chúng tôi phải dẫn nước từ sông Gianh vào hồ, để tự xử lý lấy. Tương tự, sau khi thu hoạch tôm, nước từ hồ thải ra ngoài cũng phải qua hồ lắng để xử lý, trước khi xả ra môi trường. Nhưng hồ lắng cũng không có nên nước thải nuôi tôm đều xả thẳng ra sông Gianh. Chúng tôi biết làm như vậy là lợi bất cập hại, gây ô nhiễm môi trường, nhưng không còn cách nào khác. Đó là chưa kể, hệ thống kênh mương phục vụ cho việc nuôi tôm hiện đang dùng chung với hệ thống nước thải của ruộng đồng ở phía trước. Chỉ cần một chút sơ sẩy, nguồn nước từ ruộng theo lỗ mối thấm vào hồ, không có gì để bảo đảm cho việc nuôi tôm an toàn, vì trong nước đó có lẫn nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật. Những năm gần đây, tôm của nhiều gia đình ở đây bị chết mà không rõ nguyên nhân”. Thế nên, những hộ nuôi tôm như ông Quyến chỉ nuôi cầm chừng.
 
Chủ tịch UBND phường Quảng Phong Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Hiện trên địa bàn phường có hơn 41ha hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng mương cấp nước, mương tiêu nước hồ nuôi tôm bị xuống cấp nên người dân chỉ nuôi quảng canh, hiệu quả kinh tế không cao. Chính quyền địa phương biết vậy nhưng cũng đành chịu vì kinh phí đầu tư quá lớn, vượt quá mức ngân sách cho phép. Giờ đây, chúng tôi chỉ vận động nhân dân tích cực bám hồ, thả nuôi tôm, không bỏ trống hồ dẫn đến lãng phí”. 
 
Điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi thủy sản để đầu tư
 
Phường Quảng Thuận có 65,4ha nuôi thủy sản, trong đó có 32ha hồ nuôi tôm công nghiệp tập trung, diện tích còn lại người dân chỉ nuôi quảng canh. Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thuận Nguyễn Viết Thông cho hay, những năm trước, người dân nuôi thủy sản trên địa bàn đầu tư mạnh nuôi thâm canh. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân chỉ nuôi quảng canh. Nguyên nhân là do nguồn nước cung cấp để nuôi tôm không bảo đảm an toàn. Tôm công nghiệp là loài rất nhạy cảm với môi trường, do đó chỉ cần một vài yếu tố không bảo đảm sẽ gây thiệt hại lớn. Và một khi xảy ra thiệt hại, sẽ khó có cơ hội cứu vãn. Hiện chỉ có 32ha nuôi tôm công nghiệp tập trung, người dân vẫn nuôi thâm canh, vì hệ thống hạ tầng cấp, thoát nước đã được đầu tư đồng bộ từ năm 2003.
 
“Một vấn đề đặt ra nữa là hiện nay có nhiều hộ dân trên địa bàn đầu tư lồng bè nuôi hàu đại dương trên sông Gianh. Mặc dù chưa đánh giá được hiệu quả, song đây là hướng phát triển kinh tế khá mới. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình đáng để nhân rộng, đồng thời tận dụng được diện tích mặt nước có sẵn. Nên chăng, trước mắt, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của các mô hình để nhân rộng. Về lâu dài, cần sớm có quy hoạch diện tích mặt nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, vừa bảo đảm hoạt động nuôi thủy sản an toàn, vừa không ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, như: Giao thông đường thủy, môi trường”, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thuận chia sẻ.
 
Trên địa bàn TX. Ba Đồn hiện có 473ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Trong đó, diện tích nuôi tôm 270ha, nuôi cá nước ngọt 172ha, nuôi trồng thủy sản khác 31ha. Năm 2024, thị xã đặt mục tiêu phấn đấu khai thác, nuôi trồng 17.300 tấn thủy hải sản (tăng 1,83% so với năm 2023), trong đó sản lượng khai thác đạt 15.400 tấn, nuôi trồng đạt 1.900 tấn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế TX. Ba Đồn Nguyễn Văn Khánh, hiện công tác quy hoạch và thiết kế một số vùng nuôi thủy sản trên địa bàn vẫn còn thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý môi trường và dịch bệnh. Một vấn đề nữa đặt ra hiện nay là việc quản lý chất lượng con giống còn bất cập. Người dân nuôi thủy sản sử dụng giống nuôi không rõ nguồn gốc và chưa tuân thủ kế hoạch nuôi theo đúng thời vụ.

“Xác định việc phát triển nuôi thủy sản theo hướng lâu dài, bền vững, thời gian qua, thị xã đã chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn; đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi và hệ thống điện cho các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi tiên tiến, quy trình nuôi bền vững, phát triển các vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. Theo đó, các loại thủy sản được khuyến khích đưa vào nuôi là tôm thẻ chân trắng, cá lồng trên sông và các loại cá truyền thống kết hợp đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương liên quan cũng đã tổ chức nhiều hoạt động khuyến ngư, nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc con giống, dịch bệnh và xử lý môi trường”, ông Nguyễn Văn Khánh cho biết thêm.
D.C.Hợp

tin liên quan

Siết chặt thị trường vật tư nông nghiệp

(QBĐT) - Để kiểm soát "đầu vào" trước mùa vụ, hàng năm Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường các loại vật tư nông nghiệp, như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… trên địa bàn.

Chú trọng xây dựng, nâng cấp lưới điện

(QBĐT) - Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm chất lượng điện năng phục vụ tăng trưởng kinh tế-xã hội, đặc biệt là cung cấp đủ điện cho mùa khô năm 2024, thời gian qua, Công ty Điện lực Quảng Bình đã tích cực triển khai các giải pháp, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn...

Thành lập Trung tâm Thí nghiệm điện Quảng Bình

QBĐT) - Thông tin từ Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm điện Quảng Bình theo quyết định của Tổng công ty Điện lực miền Trung.