"Giải mã" rừng gỗ lớn

  • 11:42 | Thứ Bảy, 06/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - So với các địa phương khác ở miền Trung, Quảng Bình triển khai trồng rừng gỗ lớn khá muộn, bởi lẽ, người dân còn mang nặng tư tưởng “ăn xổi”, hơn nữa, tiềm lực kinh tế chưa đủ lớn, tâm lý bà con còn e ngại, sợ thiệt hại bởi thiên tai. Để tăng giá trị kinh tế rừng trồng, hướng tới phát triển bền vững, Quảng Bình đã có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích rừng trồng phù hợp sang trồng rừng gỗ lớn. Và, câu chuyện “giải mã” những cánh rừng gỗ lớn được bắt đầu bằng... “tái thiết”.
 
“Tái thiết” những cánh rừng
 
Ông Trần Văn Cử (SN 1959), thôn Rào Đá, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) đã có hơn 15 năm gắn bó với nghề trồng rừng. Nghề rừng với ông là nguồn thu nhập chính và cũng là nguồn sống của gia đình, nhưng nghề này cứ mãi theo vòng luẩn quẩn “hết trồng lại bán, bán rồi lại trồng”, trong khi giá cả đều tùy thuộc vào vị trí, thị trường và cả những “lái rừng” đầy kinh nghiệm.
 
“Gắn bó với rừng, tôi rất hiểu giá trị của rừng. Trước đây, gia đình tôi trồng rừng cũng chỉ theo kinh nghiệm “xưa bày, nay làm”, nghĩa là có đất là cứ trồng keo, chỉ ít năm cắt bán rồi lại trồng mới. Bình quân mỗi ha bán được 52 triệu đồng. Nghiệm lại, tính toán hết chi phí, mỗi năm lời lãi từ trồng rừng cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng đã là sinh kế, mình cũng phải duy trì…”, ông Cử cho hay.
 
Câu chuyện “tái thiết” những cánh rừng trồng của gia đình ông Trần Văn Cử được bắt đầu từ năm 2023. Với ông, đó là cuộc “cách mạng” thay đổi từ tư duy đến hành động, từ “làm ăn nhỏ” sang “làm ăn lớn”. Và, ông hy vọng sẽ thành công mỹ mãn.
 
“Với diện tích 10ha đất rừng hiện có, sau khi thu hoạch xong, tôi quyết định thuê 3 máy múc, tiến hành xới toàn bộ diện tích đất để dấn thân vào cuộc “cách mạng”-trồng rừng gỗ lớn. Rừng của gia đình tôi chủ yếu là cây keo cấy mô được các dự án hỗ trợ về cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng theo từng giai đoạn. Hiện, rừng đang sinh trưởng rất tốt, gia đình rất phấn khởi…”, ông Trần Văn Cử thông tin.
Một góc rừng gỗ lớn của ông Hồ A Lai, xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Một góc rừng gỗ lớn của ông Hồ A Lai, xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Gần 30 năm gắn bó với rừng, ông Hồ A Lai (SN 1961), bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm để đi đến quyết định chuyển hóa từ trồng rừng ngắn ngày sang rừng gỗ lớn. Chuyển hóa theo lý giải của Hồ A Lai là trên tổng diện tích rừng trồng hiện có, ông đã dành một số diện tích để thực hiện theo quy trình rừng gỗ lớn. Đặc biệt, khi tham gia chuyển hóa rừng gỗ lớn, gia đình ông còn được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để có thêm kinh phí chăm sóc rừng. 
 
“Trước đây, cứ 4-5 năm là mình cắt bán, năm bán cao nhất cũng được hơn 400 triệu. Năm 2022, được vận động, tuyên truyền, mình để lại diện tích hơn 20ha rừng keo trên 5 năm tuổi trong tổng số hơn 45ha diện tích rừng trồng để thực hiện rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, nhằm gia tăng giá thành khi thu hoạch. Hiện, rừng keo của gia đình mình đã được hơn 7 năm tuổi, sinh trưởng tốt, nhiều cây có đường kính hơn 30-40cm…”, ông Hồ A Lai cho biết.
 
Với kinh nghiệm trồng rừng, theo tính toán của ông Hồ A Lai, chênh lệch lợi nhuận là rất rõ ràng. Trồng rừng ngắn ngày, tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây, nếu rừng khai thác từ 4-5 năm chỉ có thể bán làm dăm gỗ, trị giá khoảng 50-80 triệu đồng/ha, thu nhập cao nhất chưa đạt 8 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi chuyển hóa thành rừng gỗ lớn, tức là cây sau 10 năm mới tiến hành khai thác thì hầu hết các cây đều đạt đường kính lớn, sản lượng có thể đạt 250-300 tấn gỗ/ha và được bán theo giá gỗ chế biến, có giá thành cao hơn, tương đương 250-300 triệu đồng/ha. Hơn nữa, rừng gỗ lớn còn góp phần làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống thiên tai…”, ông Hồ A Lai chia sẻ.
 
Để rừng gỗ lớn... “thêm lớn”
 
Nói về câu chuyện trồng rừng gỗ lớn bây giờ và trước đây, tỉnh vẫn gặp không ít trở ngại, bởi, diện tích đất lâm nghiệp giao cho người dân còn manh mún; đời sống người dân sống bằng nghề rừng còn khó khăn nên chưa có tiềm lực về kinh tế để đầu tư cho trồng rừng gỗ lớn. Không ít người dân còn tư duy trồng rừng gỗ nhỏ để kịp thời trang trải chi phí cho đời sống; chưa kể, số lượng các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu trên địa bàn chưa nhiều. Đặc biệt, Quảng Bình là địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão gây gãy đổ rừng trồng, điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi trồng rừng gỗ lớn...
 
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân (Quảng Ninh) Trần Thanh Hiền cho hay, thực tế tại địa phương cho thấy, trên cùng một đơn vị diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Mỗi ha rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu 4-5 năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 50-70 triệu đồng...
Một góc rừng gỗ lớn của ông Hồ A Lai, xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
Một góc rừng gỗ lớn của ông Hồ A Lai, xã Kim Thủy (Lệ Thủy).
“Hiện, địa phương có khoảng 3.200ha diện tích rừng trồng, trong đó, diện tích rừng gỗ lớn có khoảng 200ha. Rừng gỗ lớn ở đây được manh nha từ những năm 2010 theo mô hình chuỗi của các dự án nhưng người dân không mấy mặn mà tham gia vì điều kiện kinh tế, đời sống còn nhiều khó khăn. Nay, người dân đã thay đổi tư duy, việc trồng rừng gỗ lớn được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đó là điều rất đáng mừng…”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho hay.
 
“Thực ra, nói chuyện trồng rừng gỗ lớn ở địa phương cũng không phải là mới, nhưng thay đổi được từ tư duy đến hành động, từ “làm ăn nhỏ” sang “làm ăn lớn” là cả một quá trình. Rừng gỗ lớn có... “thêm lớn” hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là người dân có mạnh dạn thay đổi, dám nghĩ, dám làm hay không…”, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Trần Thanh Hiền chia sẻ.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy (Lệ Thủy) Hồ Văn Thắng chia sẻ, địa phương có khoảng 400ha diện tích rừng trồng gỗ lớn từ các nguồn hỗ trợ của địa phương, các chương trình, dự án. Tuy nhiên, việc trồng rừng gỗ lớn tại địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, như: Tình trạng trâu, bò phá hoại cây trồng diễn ra rất phổ biến làm ảnh hưởng đến kết quả trồng rừng; thời điểm hỗ trợ cây trồng thường là dịp cuối năm nên cây khó phát triển; nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của trồng rừng gỗ lớn nên việc trồng, chăm sóc chưa bảo đảm kỹ thuật, khoảng cách, số lượng cây trồng nhiều hơn so với quy định; nhiều diện tích chưa được cấp chứng chỉ FSC và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Để phát triển rừng trồng nói chung và rừng trồng gỗ lớn nói riêng, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ trên địa bàn và nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, tháng 10/2019, UBND tỉnh triển khai đề án “Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025”. Đề ánxác định đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu ổn định diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng là 110.000ha, bao gồm 16.200ha rừng gỗ lớn. Hiện, trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng được gần 4.100ha rừng gỗ lớn bằng loài cây keo lai nuôi cấy mô; trong đó, tập trung nhiều ở địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa...

Ngọc Hải

 

tin liên quan

Về đâu gạo OCOP Quảng Bình? - Bài 2: Thương hiệu bền vững, mở hướng tương lai

(QBĐT) - Có một thực tế mâu thuẫn hiện nay trong việc tiêu thụ sản phẩm gạo OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") trên địa bàn tỉnh, đó là trong khi các cửa hàng, hệ thống siêu thị luôn rộng cửa chào đón nông sản này, thì các hợp tác xã, tổ hợp tác lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, "đong" từng đơn hàng một. 

"Đột phá" từ… rừng

(QBĐT) - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách để hỗ trợ, vận động, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Kỳ vọng, trong tương lai sẽ tạo nên những "đột phá"…

Tuyên Hóa: Trên 60ha ngô chết do nắng nóng

(QBĐT) - Ngày 5/4, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết: Những ngày qua, trên địa bàn huyện xuất hiện đợt nắng nóng, nhiệt độ lên cao khiến 62ha ngô vụ đông-xuân của bà con bị chết.