Bảo vệ rừng tận gốc

  • 07:13 | Thứ Bảy, 13/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa khô năm 2024 dự báo sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng liên tiếp kéo theo nền nhiệt tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất lớn. Với phương châm “phòng là chính, chữa cháy phải khẩn trương, kịp thời và triệt để”, huyện Quảng Ninh đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm bảo vệ rừng (BVR) tại gốc hiệu quả…
 
Khoanh vùng trọng điểm để ứng phó
 
Huyện Quảng Ninh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 102.000ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 72,02%, với 11 xã có rừng. Rừng và đất lâm nghiệp được giao cho 5 đơn vị chủ rừng (gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) huyện Quảng Ninh, BQL RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình, các chi nhánh lâm trường: Trường Sơn, Khe Giữa, Vĩnh Long) quản lý, với diện tích hơn 86.000ha; diện tích còn lại hơn 16.000ha được giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản và tạm giao cho UBND cấp xã quản lý.
 
Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp, rừng tự nhiên và rừng trồng khá lớn, đây chính là tiềm năng, lợi thế để huyện Quảng Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, bảo vệ môi trường.
 
Để đồng hành, hỗ trợ các chủ rừng, người dân phát huy hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, ngay từ đầu mùa khô năm 2024, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện chủ động triển khai nhiều phương án, giải pháp về PCCC nhằm BVR tại gốc, sâu sát với thực tiễn, như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Quảng Ninh; chỉ đạo các xã có rừng tổ chức hội nghị triển khai công tác BVR và PCCC rừng năm 2024; kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã, các tổ, đội quần chúng BVR và PCCC rừng ở thôn, bản nhằm chuẩn bị đầy đủ lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cấp bách ở địa bàn cơ sở; bố trí lực lượng, phương tiện túc trực 24/24 giờ để PCCC rừng theo phương châm “4 tại chỗ”…
Cán bộ Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười (BQL RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình) túc trực tại chòi canh.
Cán bộ Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười (BQL RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình) túc trực tại chòi canh.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh Nguyễn Xuân Quế cho biết: Bước vào mùa khô năm 2024, đơn vị đã tham mưu UBND huyện xác định 2 khu vực trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để chỉ đạo, triển khai công tác PCCC rừng. Cụ thể, vùng 1 có diện tích hơn 4.000ha, thuộc địa bàn 3 xã vùng cát (Gia Ninh, Võ Ninh, Hải Ninh) và lâm phần BQL RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình. Đây là khu vực được xác định có nhiều lớp thảm thực bì cỏ rười và lớp lá của rừng cây keo, phi lao đã tồn tại từ hàng chục năm nay nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, đặc biệt là vào thời điểm nắng gắt, gió to. Vùng 2 có diện tích gần 15.000ha, thuộc địa bàn các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, như: An Ninh, Vạn Ninh, Xuân Ninh, Trường Xuân, Vĩnh Ninh. Sở dĩ, vùng 2 được xác định có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, bởi khu vực này đang bước vào mùa khai thác, xử lý thực bì và người dân ra, vào khu vực này khá đông, nguy cơ dùng lửa bất cẩn dẫn đến cháy rừng khá lớn…
 
Phát hiện "giặc lửa" từ sớm, từ xa
 
BQL RPH huyện Quảng Ninh được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng và đất rừng với tổng diện tích gần 52.000ha, thuộc địa bàn 4 xã Vĩnh Ninh, Hàm Ninh, Trường Sơn và Trường Xuân. Đây là khu vực có nhiều bản, làng của đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu người Bru-Vân Kiều) sinh sống đan xen trong rừng và sát rừng. Do địa hình đồi núi hiểm trở, diện tích rừng quản lý lớn, có những vùng, tiểu khu (TK) nằm tiếp giáp với nước bạn Lào, vì vậy, công tác PCCC rừng nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.
 
Với vai trò là chủ rừng, BQL RPH huyện Quảng Ninh xác định, bên cạnh nguy cơ gây cháy rừng do sấm sét, nắng nóng kéo dài còn tiềm ẩn những nguy cơ khác, như: Đại đa số đồng bào nơi đây chủ yếu sinh sống nhờ nương rẫy và các sản phẩm liên quan đến rừng nên việc sinh hoạt trong rừng, đốt rừng vào thời điểm không thích hợp, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng lớn; một số người dân vào rừng đốt ong lấy mật, du lịch, dùng lửa bất cẩn cũng dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao…
 
Trong mùa khô năm 2024,  Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các xã, đơn vị chủ rừng tổ chức kiện toàn 17 ban chỉ đạo (cấp huyện 1 ban, cấp xã 11 ban và chủ rừng 5 ban); củng cố 78 tổ, đội quần chúng BVR và PCCCR ở cơ sở, với hơn 900 người tham gia. Lực lượng BVR và PCCC rừng nòng cốt chủ yếu là Kiểm lâm, Công an, Quân sự, dân quân và BVR chuyên trách của chủ rừng.

Ông Dương Công Luyện, Phó Giám đốc BQL RPH huyện Quảng Ninh chia sẻ: “Triển khai phương án PCCC rừng năm 2024, chúng tôi xác định ở lâm phần do đơn vị quản lý có 7 vùng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, gồm các khu vực: Lèn Oong; TK 389A, 545; TK 540, 541; TK 542; khu vực khe Lùi thuộc TK 311, 312; khu vực Khe Liệt thuộc TK 330; TK 309, 310. Bên cạnh việc triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án PCCC rừng, BQL RPH huyện Quảng Ninh còn chú trọng tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, ký cam kết về BVR và PCCC rừng đến các thôn, bản; chủ động triển khai xử lý thực bì, lau lách, cỏ tranh dễ gây ra cháy rừng; tu sửa chòi canh và các phương tiện PCCC rừng; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và phân công công việc hàng ngày trên bảng trực, sổ trực PCCC rừng; giao nhận địa điểm, diện tích rừng rõ ràng cho từng cá nhân, bảo đảm nhiệm vụ canh trực báo cháy 24/24 giờ.”.

Dưới tiết trời nắng như đổ lửa của những ngày đầu tháng 4/2024, dẫn chúng tôi đến một vị trí chòi canh tại xã Võ Ninh, anh Trần Văn Châu, Trạm trưởng Trạm BVR Dinh Mười (BQL RPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Trạm chúng tôi có tổng số 7 người, được giao trách nhiệm thay phiên nhau túc trực 24/24 giờ tại 2 vị trí chòi canh Võ Ninh và Hồng Thủy. Nhiệm vụ chính của chúng tôi trong mùa này là quan sát, nhanh chóng phát hiện để báo cháy đối với hơn 5.000ha diện tích rừng ven biển. Quan điểm của anh em chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ là kịp thời phát hiện “giặc lửa” từ sớm, từ xa để báo sớm khi đám cháy mới xuất hiện. Có như vậy thì công tác dập lửa mới dễ dàng, hiệu quả, rừng mới được bảo vệ đến tận gốc”.
Văn Minh

tin liên quan

Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh

(QBĐT) - Ngày 12/4, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng Hoàng Minh Thắng cho biết, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam tổ chức tại TP. Hà Nội, đơn vị đã được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là "Khu du lịch sinh thái, điểm du lịch hấp dẫn đón nhiều khách du lịch nhất năm 2023".

Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 2.800 tấn

(QBĐT) - Điều kiện thời tiết trên biển trong những tháng đầu năm 2024 khá thuận lợi, nên hoạt động khai thác hải sản xa bờ của ngư dân TP. Đồng Hới được tăng cường về thời gian và mở rộng ngư trường, sản lượng khai thác có mức tăng trưởng khá. 

Quảng Bình có 3 hợp tác xã được trao giải "Ngôi sao hợp tác xã" năm 2024

(QBĐT) - Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam vừa tổ chức lễ tôn vinh và trao giải thưởng "Ngôi sao HTX" năm 2024 (CoopStar Awards 2024) nhằm tôn vinh các HTX, liên hiệp HTX có thành tích xuất sắc trong hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh.