Đi xa hơn từ nguyên liệu bản địa

  • 07:03 | Thứ Tư, 01/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Qua giới thiệu của Sở Công thương, tôi biết đến sản phẩm bánh biscotti lá gai của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Số Quảng Bình (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) là sản phẩm tiềm năng, đang được quan tâm, đầu tư, phát triển. Gặp, trò chuyện cùng vợ chồng chị Ngô Thị Huệ, Giám đốc HTX, mới biết, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong dự án mà họ đang ấp ủ, và tôi tin, sẽ làm nên chuyện.
 
Từ chiếc bánh kết hợp hương vị Á-Âu...
 
Tiền thân của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình là cơ sở sản xuất thực phẩm sạch Luyến Huệ Food (thành lập năm 2018), được biết đến với các sản phẩm thực phẩm an toàn, không chất bảo quản, phụ gia và nguồn nguyên liệu bảo đảm nguồn gốc, như: Chả gà, chả gà nấm hương, chả bò, ram bò, ram gà, gà tươi đóng hộp...
 
Bánh biscotti lá gai là thử nghiệm đầu tiên của dự án sau khi thành lập HTX (tháng 3/2023) và hiện đang xây dựng để được công nhận đạt chuẩn OCOP. Đây là một loại bánh healthy, tốt cho sức khỏe và đang “hot” trên thị trường. Là hệ bánh Âu, cùng với lá gai tạo nên sự kết hợp mới mẻ giữa truyền thống và hiện đại, sản phẩm hướng đến hai thị trường chính: Quà tặng đặc sản tỉnh Quảng Bình và thực phẩm ăn vặt có lợi cho sức khỏe. 
Vợ chồng anh Lý Minh Luyến, chị Ngô Thị Huệ ấp ủ dự định cung ứng sợi vải ra thị trường từ cây gai bản địa.
Vợ chồng anh Lý Minh Luyến, chị Ngô Thị Huệ ấp ủ dự định cung ứng sợi vải ra thị trường từ cây gai bản địa.
Khi được hỏi tại sao lại chọn bánh biscotti lá gai, trong khi những mặt hàng trước nay của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình được biết đến có vẻ không mấy liên quan, chị Ngô Thị Huệ (SN 1993) bộc bạch: Các sản phẩm của HTX lâu nay chủ yếu là thực phẩm tươi, thời gian sử dụng ngắn ngày, khó bảo quản, khó xuất đi xa... Sau một thời gian tìm tòi, HTX đã chọn thị trường bánh kẹo để nghiên cứu và sản xuất với vùng nguyên liệu ngay tại địa phương. “Còn tại sao lại chọn lá gai, đó là cả một cơ duyên và quá trình tìm tòi, nghiên cứu của vợ chồng em”, Huệ cười chia sẻ.
 
Anh Lý Minh Luyến (SN 1985) tiếp lời vợ: “Chúng tôi muốn đi xa hơn, muốn tạo ra nhiều sản phẩm, để phát triển kinh tế từ nguyên liệu bản địa. Và cây lá gai có rất nhiều ưu điểm, phù hợp với dự tính của chúng tôi”.
Vùng nguyên liệu cây gai trồng thử nghiệm của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình ở huyện Bố Trạch.
Vùng nguyên liệu cây gai trồng thử nghiệm của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình ở huyện Bố Trạch.
Bánh biscotti lá gai là một trong những sản phẩm của dự án “Phát triển các sản phẩm bánh, sợi vải, trà từ cây gai bản địa Quảng Bình” của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình.
 
Cung ứng sợi vải cho thị trường, tại sao không?
 
Một sự táo bạo trong dự án “Phát triển các sản phẩm bánh, sợi vải, trà từ cây gai bản địa Quảng Bình” đó chính là cho ra sản phẩm sợi vải từ cây gai.
 
Theo anh Luyến, qua tìm hiểu, anh được biết, ngành dệt may của Việt Nam thường đứng top đầu về xuất khẩu trên thế giới song thị trường còn thiếu nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu xanh. Sợi chỉ từ thân cây gai là nguyên liệu cho dòng vải cao cấp thoáng mát, hút ẩm, đang được ưa chuộng. Trong khi đó, cây gai mọc hoang ở nhiều nơi trên đất Quảng Bình và lâu nay chỉ mới sử dụng lá để làm bánh gai truyền thống. Tại sao mình không đầu tư thành vùng trồng nguyên liệu và gia công sợi vải rồi nhập lại cho đối tác sản xuất? Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu và dự án ra đời.
 
Cây gai có ưu điểm là có thể sử dụng hầu như tất cả các bộ phận: Vỏ thân cây làm sợi vải; lá, rễ là nguyên liệu chế biến các loại thực phẩm như bánh, trà... Vì là giống cây bản địa nên việc trồng, chăm sóc dễ với chi phí thấp, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo tính toán, cứ 3-4 tháng, cây gai cho thu hoạch một lứa và có thể quay vòng trong 10 năm. Người nông dân chỉ cần trồng một lần và chăm sóc theo quy trình, sẽ cho thu nhập gấp nhiều lần những giống cây khác, trên một đơn vị diện tích.
Bánh biscotti lá gai đang xây dựng để được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Bánh biscotti lá gai đang xây dựng để được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Bắt tay vào thực hiện dự án, trong năm nay, HTX đã tiến hành trồng thử nghiệm 2ha cây gai, thu hoạch lá để làm bánh gai, bánh biscotti và sắp tới là bánh tráng lá gai. Nguyên liệu vỏ thân cây gai cũng đã được gửi mẫu thử nghiệm ra sợi vải, được đánh giá có tỷ lệ sợi khá tốt và hiện đang tiến hành các khâu kiểm nghiệm để hoàn thiện quy trình ra sản phẩm.
 
“Làm gì cũng phải có đường lùi”
 
Trong sự táo bạo của dự án với những sản phẩm có tính mới mẻ trên thị trường hàng công nghiệp nông thôn ở Quảng Bình là những tính toán cặn kẽ, chi tiết của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình.
 
Vợ chồng anh Luyến, chị Huệ cho biết: Đã từng có doanh nghiệp đặt vấn đề về việc cung ứng nguyên liệu vỏ cây gai cho họ, song chúng tôi không nhận lời. Xuất phát từ suy nghĩ “làm gì cũng phải có đường lùi cho mình”, chúng tôi không muốn phụ thuộc mà chủ động trong mọi khâu, từng bước một, làm chậm thôi nhưng phải là những bước vững chắc. Đáng ngại nhất vẫn là việc bảo đảm không bị đứt gãy vùng trồng cây gai, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với người dân và hy vọng nhận được sự ủng hộ của chính quyền các địa phương trong việc giám sát để bảo đảm sự liên kết trong sản xuất.
 
“Năm 2024, chúng tôi sẽ liên kết với các hộ dân, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai, mở rộng vùng nguyên liệu vài chục ha tại thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), xã Trung Hóa (Minh Hóa) để mở rộng quy mô sản xuất. HTX đặt ra nhiều mục tiêu trong 5 năm tiếp theo, hướng tới việc mở rộng vùng nguyên liệu tầm 100ha, có thương hiệu vải riêng và mong muốn xuất khẩu ra nước ngoài”, anh Lý Minh Luyến cho biết.

Chồng là cựu học sinh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, kỹ sư ngành Công nghệ thông tin; vợ là cử nhân Kế toán và Luật. Cả hai đã từng trải qua nhiều vị trí công việc ở các thành phố lớn và trong tỉnh, nhưng cuối cùng, họ quyết định khởi nghiệp với nghề nông nghiệp. Chị Ngô Thị Huệ chia sẻ: Quê hương Quảng Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cũng như sự phong phú về nguồn tài nguyên nông nghiệp. Chúng tôi luôn đau đáu là làm sao có thể khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên bản địa, tạo nên các sản phẩm từ nông sản địa phương, tạo chuỗi liên kết khép kín từ trồng đến sản xuất, kinh doanh; phát triển nông nghiệp gắn liền với phát triển du lịch. Đó cũng là lý do HTX chọn vùng trồng nguyên liệu trên những cung đường tới các điểm du lịch; hướng đến phát triển thành các điểm đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm cho khách hàng.

Quả ngọt đầu tiên từ sự tâm huyết, say mê tìm tòi, nghiên cứu đó là dự án “Phát triển các sản phẩm bánh, sợi vải, trà từ cây gai bản địa Quảng Bình” của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình đã giành giải nhất tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong và lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao giải nhất cho dự án “Phát triển các sản phẩm bánh, sợi vải, trà từ cây gai bản địa Quảng Bình” (Ảnh: Ngọc Mai).
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong và lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao giải nhất cho dự án “Phát triển các sản phẩm bánh, sợi vải, trà từ cây gai bản địa Quảng Bình” (Ảnh: Ngọc Mai).
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Châu Thị Định chia sẻ: Dự án “Phát triển các sản phẩm bánh, sợi vải, trà từ cây gai bản địa Quảng Bình” của HTX Nông nghiệp Số Quảng Bình là một trong những dự án có nhiều sáng tạo về ý tưởng, phát huy được giá trị nguồn nguyên liệu của địa phương. Các sản phẩm được tạo ra có tính chế biến sâu, nâng cao giá trị của nông sản. Dự án được triển khai sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, trong đó có phụ nữ. Ngoài ra, bằng việc liên kết gia công một số mặt hàng với các làng nghề truyền thống, dự án góp phần gìn giữ các làng nghề truyền thống của địa phương. Với việc phân tích đầy đủ cơ hội, khó khăn, xác định mục tiêu và giải pháp kinh doanh rõ ràng, cùng với khao khát làm giàu trên chính quê hương, tôi tin dự án sẽ thành công, tạo cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ Quảng Bình.
Hương Lê

tin liên quan

City tour khám phá thành phố bên sông

(QBĐT) - Dạo một vòng quanh TP. Đồng Hới, du khách sẽ được khám phá những di tích lịch sử, ngắm nghía cảnh sắc ven sông Nhật Lệ hay được thưởng thức những món ẩm thực dân dã, đậm đà. City tour-trải nghiệm TP. Đồng Hới bằng xe đạp hay xe điện chính là lựa chọn thú vị cho du khách khi đặt chân đến thành phố bên sông này, đặc biệt là vào mùa du lịch thu-đông.

Triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên toàn TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Chiều 30/10, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Quảng Bình phối hợp với UBND TP. Đồng Hới tổ chức hội nghị triển khai phủ sóng thanh toán QR Code trên địa bàn thành phố.

Làm giàu từ nuôi dúi

(QBĐT) - Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Trần Ngọc Hòa (SN 1990) ở tổ dân phố 1 Phú Vinh, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) đã xây dựng thành công mô hình nuôi dúi tại nhà. Qua 2 năm, mô hình của anh đã cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân có ý tưởng khởi nghiệp.