Chế biến thủy hải sản: Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm
(QBĐT) - Hiện nay, đa phần các cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bố Trạch nói riêng đều có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm thô, thị trường tiêu thụ nội địa… Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp, chủ cơ sở chế biến thủy hải sản trên địa bàn huyện Bố Trạch đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng tầm sản phẩm.
Nỗ lực xây dựng sản phẩm chất lượng
Hiện nay, huyện Bố Trạch có 274 tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg đã trang bị đầy đủ các trang thiết bị, máy móc hiện đại, như: Máy dò ngang, dò dọc để tìm kiếm các loại hải sản; thiết bị giám sát hành trình… sử dụng hầm bảo quản làm bằng PU, composite để tham gia khai thác dài ngày trên biển. Nhờ đó, giá trị và chất lượng các loại thủy hải sản được tăng lên. Năm 2022, sản lượng thủy hải sản đánh bắt, nuôi trồng toàn huyện đạt 27.000 tấn, 9 tháng năm 2023 đạt 22.997 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú, phục vụ trực tiếp cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến thủy hải sản (CSCBTHS) trên địa bàn huyện.
Là đơn vị chuyên thu mua, chế biến thủy hải sản, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thanh Quang (gọi tắt là Công ty Thanh Quang), ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) luôn đặt tiêu chí chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất. Công ty chú trọng tất cả các khâu, trong đó tập trung vào khâu nhập nguyên liệu và bảo quản sản phẩm.
Nguyên liệu được công ty trực tiếp thu mua tại các tàu đánh bắt xa bờ của địa phương, lựa chọn kỹ lưỡng những loại hải sản tươi ngon và an toàn. Sau đó, hải sản được đưa về nhà máy làm sạch và chế biến, với tiêu chí "5 không": Không sử dụng chất bảo quản, không sản phẩm trôi nổi, không sản phẩm kém chất lượng, không ngừng nâng cao phát triển sản phẩm mới và không chạy theo số lượng để bảo đảm chất lượng. Để chất lượng sản phẩm được tươi ngon, công ty cũng đã đầu tư xây dựng một nhà máy cấp đông, hệ thống kho bảo quản lạnh.
Với quá trình dài nỗ lực trong sản xuất, Công ty Thanh Quang đã có chuỗi cung ứng thủy hải sản sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP). Đặc biệt, công ty có 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: Cá bơn cắt khúc, cá hố cắt khúc, cá chim nguyên con, cá ngừ nguyên con, cá mú cắt lát, cá mú nguyên con, cá nục nguyên con, mực lá cắt lát, mực lá nguyên con, mực ống cắt lát, mực ống nguyên con, cá thu cắt lát và cá thu nguyên con.
Ông Bùi Thức Quang, Giám đốc Công ty Thanh Quang cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên tại xã biển Thanh Trạch, nhìn thấy quê hương có biển khơi với nguồn hải sản phong phú, tôi đã ấp ủ làm một điều gì đó để có thể tận dụng nguồn hải sản của quê hương. Do đó, tôi quyết định thành lập công ty. Nhờ sự nỗ lực của tập thể công ty trong sản xuất, kinh doanh, trung bình mỗi năm doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng (chưa tính tiền lương người lao động), tạo việc làm cho gần 50 lao động địa phương với mức lương trung bình đạt 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm hải sản các loại thông qua các kênh bán lẻ, siêu thị, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố trong nước, xuất khẩu ủy thác cho các thị trường nước ngoài, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…”.
Cùng với Công ty Thanh Quang, nhiều DN, CSCBTHS trên địa bàn huyện Bố Trạch đã áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, như: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Thuận Lợi, Công ty TNHH thủy sản Phước Sang, Công ty TNHH Yummy Food, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung.
Ông Nguyễn Tân Nam, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yummy Food (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) cho hay, công ty chuyên sản xuất mặt hàng chả cá. Thời gian qua, công ty luôn học hỏi và liên tục nghiên cứu để phát triển thêm các sản phẩm mới trong lĩnh vực, xây dựng lộ trình phát triển đầu tư mở rộng thêm nhà máy. Nhờ đó, hiện, sản phẩm chả cá của công ty đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2022 và chứng nhận HACCP.
Sản phẩm thô được xuất sang các nước, như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Liên bang Nga; sản phẩm ra thành phẩm nội địa hiện đang tiêu thụ tại các siêu thị trong nước. Để chăm sóc khách hàng được tốt hơn, ngoài việc chú trọng bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất sản phẩm, công ty đã thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, để khách hàng trải nghiệm sản phẩm và phản hồi trực tiếp.
Cần những giải pháp lâu dài
Theo số liệu báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, các sản phẩm được chế biến từ đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn huyện đạt 14.000 tấn (đạt 60% sản phẩm đánh bắt), sản lượng được chế biến xuất khẩu đạt 11.000 tấn (80% sản phẩm chế biến). Đạt được những kết quả trên là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa DN chế biến với các hộ khai thác thủy hải sản và cơ sở thu mua, chế biến nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện Bố Trạch hiện có trên 100 DN, cơ sở, hộ gia đình tham gia thu mua, chế biến thủy hải sản, trong đó có 11 công ty xuất khẩu, còn lại đa phần sản xuất với quy mô vừa, nhỏ, lẻ. Do vậy, bên cạnh các công ty, cơ sở sản xuất được đầu tư bài bản về thiết bị, máy móc và công nghệ thì các CSCBTHS trên địa bàn huyện Bố Trạch chủ yếu là sơ chế đơn giản, bán thành phẩm nên giá trị gia tăng thấp, giá bán thấp. Các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ít thay đổi, đa phần vẫn giữ nguyên phương thức chế biến, độ mặn cao, nặng mùi, bao bì, nhãn mác sản phẩm còn đơn giản…
Trong khi hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, bắt mắt… Khó khăn hiện nay đối với các CSCBTHS ở đây là thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô cũng như đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Thủy cho biết, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong chế biến thủy hải sản, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần đẩy mạnh quảng bá chất lượng, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy hải sản đặc sản của địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu, cải tiến bao bì, mẫu mã… cũng phải được quan tâm thực hiện thường xuyên.
Tận dụng nguồn thủy hải sản đa dạng, phong phú tại địa phương, các đơn vị: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Thuận Lợi, Công ty TNHH thủy sản Phước Sang, Công ty Thanh Quang đã hợp đồng và liên kết thường xuyên với hơn 150 tàu cá xa bờ để thu mua các loại thủy hải sản đánh bắt. Từ đó, các đơn vị đã sơ chế, chế biến thành các sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên để cung cấp cho thị trường. |
UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tích cực hỗ trợ DN, CSCBTHS trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất, giảm tỷ trọng sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng chế biến các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh, sản phẩm ăn liền, đa dạng hóa mặt hàng chế biến theo yêu cầu thị trường…
Các DN chế biến sâu cần áp dụng quy trình chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, như: HACCP, GMP bảo đảm sản phẩm chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế… Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn, hỗ trợ DN trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy hải sản chủ lực đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
LÊ MAI