Tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

  • 05:54 | Thứ Năm, 20/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với chương trình vay ưu đãi, gói vay giải quyết việc làm (GQVL) đã giúp nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 
Gói vay GQVL có lãi suất 7,92%/năm, mức vay tối đa đối với doanh nghiệp là 2 tỷ đồng/dự án và từ 50-100 triệu đồng đối với mỗi người lao động. Thời hạn vay tối đa là 120 tháng. Với mức vay và lãi suất vay ưu đãi nên thời gian qua, gói vay đã được nhiều người dân, doanh nghiệp đăng ký vay vốn để đầu tư, phục hồi phát triển kinh tế.    
 
Được tiếp cận gói vay GQVL, anh Phan Văn Lộc, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) đã bắt tay đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Anh cho biết, vùng Quảng Lưu với đặc điểm diện tích đất gò đồi nhiều nên rất thích hợp để phát triển trang trại chăn nuôi. Qua tìm hiểu, thấy thị trường đang có nhu cầu lớn về dê thịt. Vì vậy, anh đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và mua con giống để thực hiện ý tưởng chăn nuôi dê.
Vốn vay giải quyết việc làm giúp nhiều cá nhân có vốn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất.
Vốn vay giải quyết việc làm giúp nhiều cá nhân có vốn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất.
Ngoài chăn nuôi dê, anh cũng đầu tư để chăn nuôi thêm bò sinh sản và 2ha rừng tràm nhằm tăng thêm thu nhập kinh tế cho gia đình. Hiện tại, nguồn vốn vay GQVL đã giúp anh sở hữu trang trại chăn nuôi với quy mô lên đến 80 con dê, cho thu nhập ổn định.  
 
Nguồn vốn vay GQVL không chỉ giúp anh Phan Văn Lộc thực hiện được giấc mơ khởi nghiệp trên chính quê hương mình mà còn giúp nhiều người dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện phát triển sản xuất và có việc làm ổn định.
 
Bà Trần Thu Nga, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch cho biết: Để nguồn vốn GQVL thực sự phát huy hiệu quả, đơn vị đã huy động nguồn lực để triển khai rà soát các đối tượng thụ hưởng, kịp thời giải ngân nguồn vốn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp có vốn để đầu tư, sản xuất, góp phầnhạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đẩy lùi "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.
 
Theo thống kê của NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình, từ năm 2022 đến nay, gói vay GQVL đã giải ngân số tiền 150 tỷ đồng đến người dân, doanh nghiệp, qua đó giúp hỗ trợ, tạo việc làm cho 3.053 lao động địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Nguồn vốn vay GQVL đã thực sự mang lại hiệu quả khi tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các địa phương. Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, chúng tôi đã giải ngân số tiền 19 tỷ đồng gói vay GQVL đến người dân và doanh nghiệp. Nguồn vốn đã thu hút, tạo việc làm cho hơn 753 lao động địa phương. Vốn vay GQVL đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và GQVL, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.  

Nhiều người dân có việc làm nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH.
Nhiều người dân có việc làm nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cho biết: Để giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 và tạo việc làm cho các lao động địa phương, NHCSXH tỉnh đã kịp thời giải ngân gói vay GQVL. Nhờ được vay vốn kịp thời, nhiều người dân, doanh nghiệp đã đầu tư vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhiều lao động địa phương trở về quê cũng có cơ hội để lập nghiệp trên chính quê hương mình. Có thể khẳng định, nguồn vốn vay GQVL là chủ trương, chính sách đúng đắn và có ý nghĩa lớn trong việc phục hồi kinh tế-xã hội của địa phương sau dịch Covid-19.

Hiện nay, nhu cầu vay vốn GQVL trên địa bàn tỉnh qua khảo sát của các địa phương là rất cao. Tuy nhiên, nguồn vốn do Trung ương giải ngân về cho địa phương còn tương đối thấp và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp. NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình cũng đã có đề xuất lên cấp trên đề nghị tăng nguồn vốn vay GQVL để nhiều lao động, doanh nghiệp được tiếp cận gói vay, qua đó đầu tư, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, NHCSXH cũng đã tranh thủ nguồn vốn của địa phương kịp thời giải ngân đến người lao động và doanh nghiệp, qua đó giúp hỗ trợ gói vay kịp thời.
Đoàn Nguyệt
 

tin liên quan

Xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đang triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thu phí tại KKT cửa khẩu Cha Lo đạt 55% kế hoạch năm

(QBĐT) - Ngày 20/7, ông Phạm Tiến Duật, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) tỉnh vừa cho biết: Sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng tại KKT cửa khẩu Cha Lo đã có nhiều khởi sắc.

Toàn huyện Lệ Thủy đạt 376 tiêu chí nông thôn mới

(QBĐT) - Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau khi rà soát theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, huyện Lệ Thủy đạt 376 tiêu chí, bình quân đạt 15,66 tiêu chí/xã.