35 năm miệt mài bám biển

  • 13:42 | Thứ Hai, 17/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 35 năm làm nghề biển thì đã có 30 năm anh Nguyễn Ngọc Cảnh (SN 1975, tổ dân phố Tân Mỹ, phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) nắm cương vị thuyền trưởng. Người ngư dân can trường, đầy bản lĩnh với nhiều chuyến biển bội thu “tiền tỷ” này vừa được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023.
 
13 tuổi đã bám biển mưu sinh
 
Phải tranh thủ giữa tuần trăng, tàu không ra khơi, chúng tôi mới gặp được ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh sau nhiều lần lỡ hẹn. Nhìn vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, giọng nói nhẹ nhàng, nếu ai mới gặp lần đầu, sẽ khó nhận ra anh Cảnh là một ngư dân dạn dày sóng gió biển khơi.
 
Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh kể, từ 10 tuổi anh đã bắt đầu theo cha đi những chuyến biển đầu tiên. Năm Cảnh lên 13 tuổi, cha anh (vốn là một một cựu chiến binh) bị bệnh, không thể ra biển được nữa. Là con trai lớn trong nhà, anh buộc phải trở thành lao động chính, thay cha bám biển mưu sinh, nuôi sống gia đình.
 
Tính đến nay, chính anh cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần anh giong tàu ra biển. Với anh bây giờ, tàu cá là nhà, biển cả là quê hương.
 
Mới 48 tuổi đời nhưng anh Nguyễn Ngọc Cảnh đã có tới 35 tuổi nghề, trong đó có 30 năm đảm nhận vai trò của một thuyền trưởng. Chừng ấy năm lênh đênh cùng sóng biển quê hương, anh thuộc từng con nước, từng cột sóng, từng mét biển chủ quyền của Tổ quốc. Điều đó đã cũng làm nên nhiều điểm khác biệt trong cuộc đời ngư phủ đầy sóng gió.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh bên bến tàu cá sau tuần trăng ở cửa sông Gianh.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh bên bến tàu cá sau tuần trăng ở cửa sông Gianh.
Theo lời anh Cảnh, ở thời điểm còn nhiều khó khăn trước năm 2000, trong khi phần lớn ngư dân trong vùng chỉ quanh quẩn đánh bắt ở ngư trường gần bờ thì anh đã bàn với vợ vay vốn ngân hàng đóng một con tàu công suất lớn với trị giá hơn 500 triệu đồng để vươn ra khám phá những vùng biển mới, xa, nơi chưa từng có tàu cá đánh bắt bao giờ. Chính sự mạnh dạn đó đã giúp cho Cảnh liên tục có những mùa biển “bội thu” sau đó.
 
Chia sẻ kinh nghiệm để đánh bắt được nhiều cá tôm ở vùng biển xa, anh Cảnh nói: "Bây giờ có sự hỗ trợ của máy tầm ngư dò ngang nên việc nắm bắt được đàn cá lớn cũng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn phụ thuộc nhiều vào mắt nhìn và kinh nghiệm của những ngư dân dạn dày và người thuyền trưởng biết đi theo con nước để tìm cá, biết nhìn hướng dòng chảy của biển, luồng cá đi, mùa nào đánh cá nước nổi, mùa nào đánh cá nước sâu…".
 
Nối tiếp thành công, năm 2010, gia đình Cảnh tiếp tục đóng mới thêm 1 tàu cá có kích thước và công suất lớn hơn, có trị giá 1,9 tỷ đồng. Con tàu mới của anh Cảnh được trang bị đầy đủ ngư lưới cụ và các thiết bị đánh bắt hiện đại, như: Máy liên lạc tầm xa, máy định vị MOVIMAR, máy dò cá… Với 2 tàu cá, thời điểm đó gia đình anh Cảnh đã đạt doanh thu 4 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 22 lao động, bình quân mỗi lao động thu nhập 7 triệu đồng/tháng…
 
“Cột mốc sống” trên biển
 
Gắn bó với biển từ thuở nhỏ, nên với anh Cảnh và nhiều ngư dân khác, biển là nơi trái tim luôn hướng về. Dẫu biết rằng biển cả lắm gian nan, trắc trở, nhưng biển chính là hơi thở, là quê hương in sâu trong máu thịt của những người con sinh ra và lớn lên từ biển như anh.
 
Chính vì vậy, trong những chuyến vươn khơi, những ngư dân như anh Cảnh đều hiểu rằng, nghề đi biển không chỉ là sinh kế nuôi sống bản thân, gia đình, mà còn có ý nghĩa chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
 
Sớm ý thức được điều này, năm 2014, với 2 tàu cá của mình, anh Cảnh đã đăng ký tham gia thực hiện vừa khai thác thủy sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đặc biệt, năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, anh Cảnh là 1 trong 4 tàu cá đầu tiên có mặt trên vùng biển Hoàng Sa kết hợp đánh bắt và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
“Đó là những kỷ niệm mà bản thân tôi không bao giờ quên được. Dù phải đối mặt với sự hung hãn, bành trướng và đuổi đánh của tàu Trung Quốc, nhưng chúng tôi quyết tâm đoàn kết, kiên cường bám trụ vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Ngư dân chúng tôi vẫn tâm niệm mình chính là những “cột mốc sống” để góp phần để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Cảnh nhớ lại.
 
Với những thành tích lao động trên biển, anh Nguyễn Ngọc Cảnh đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen: Bằng khen của UBND tỉnh năm 2014, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018. Đặc biệt, năm 2021, Nguyễn Ngọc Cảnh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và mới đây, anh được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023.

Năm 2016, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ, gia đình anh Cảnh đã đóng thêm 1 tàu gỗ với công suất 829 CV với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng. Với chiếc tàu công suất lớn này, anh Cảnh đã tuyển thêm lao động để tham gia bám biển Hoàng Sa với thời gian dài hơn. Anh Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, nhờ đóng được tàu cá có công suất lớn và tham gia bám biển dài ngày ở vùng biển Hoàng Sa, từ năm 2020 đến nay, 3 chiếc tàu cá của gia đình đều bắt được sản lượng trên 120 tấn hải sản, đạt doanh thu bình quân 9,7 tỷ đồng/năm, trừ chi phí có thu nhập 4,7 tỷ đồng/năm. 3 tàu cá của anh Cảnh cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động với thu nhập bình quân từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá dầu và chi phí biến động bất thường nhưng nhiều chuyến biển, 3 tàu cá của anh Cảnh đều thu về tiền tỷ. Riêng chuyến biển mới đây nhất, sau hơn 1 tháng bám vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt, các tàu cá của gia đình anh Cảnh đã cập cảng Thọ Quang (TP. Đà Nẵng) mang về 70 tấn cá, bán được gần 2 tỷ đồng.

35 năm can trường bám biển Hoàng Sa, anh Nguyễn Ngọc Cảnh đã gây dựng cho mình một cơ ngơi đáng mơ ước. Ngoài 3 chiếc tàu cá, ngôi nhà khang trang ở quê, gia đình anh cũng đã mua được căn nhà ở vị trí đẹp ở TP. Đà Nẵng. Điều đáng nói, nhờ nghề biển, gia đình anh có điều kiện để nuôi dạy 4 đứa con ăn học thành tài.

Nói về anh Cảnh, ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận xét: “Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh là tấm gương tiêu biểu về tinh thần và ý chí vượt khó, một hội viên nông dân cần cù lao động và quyết tâm bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Cảnh còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định bằng nghề đi biển. Được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023 là thành quả xứng đáng của 35 năm kiên cường vươn khơi bám biển của anh Nguyễn Ngọc Cảnh”.

Phan Phương

tin liên quan

Đánh thức kinh tế vườn rừng

(QBĐT) - Với diện tích tự nhiên rộng hơn 3.315ha, mật độ dân cư khá thưa thớt, trước năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Hóa Thanh (Minh Hóa) chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, kể từ khi mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế đa ngành nghề, đặc biệt là chú trọng đột phá từ kinh tế vườn rừng khoa học và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm mạnh xuống còn 18,3% (năm 2022), rất nhiều hộ nơi đây đã thực sự vươn lên khá giả.

Hướng đến chuyển đổi "xanh"

(QBĐT) - Những phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu... sẽ được thay thế bằng phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh nhằm giảm phát thải khí các bon, mê tan,... ra môi trường.

Đổ xô săn "lộc biển" ở Vũng Chùa

QBĐT) - Sáng nay, 15/7, trên bờ biển Vũng Chùa thuộc địa phận xã Quảng Đông và Quảng Phú (Quảng Trạch) tấp nập người săn "lộc biển". Chỉ sau vài giờ đằm mình đi "thụt lùi" dưới nước, hàng trăm ki lô gam ruốc (còn gọi là khuyếc) biển tươi ngon đã được đưa vào bờ.