Miền núi "thay da đổi thịt" nhờ nguồn vốn chính sách

  • 07:11 | Thứ Hai, 19/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 20 năm triển khai các chương trình vay ưu đãi đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, nguồn vốn chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo nơi đây có việc làm, thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Người nghèo có cơ hội làm giàu
 
Sau một thời gian đi làm ăn xa, năm 1991, ông Phạm Văn Trực, thôn Hợp Phú, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) cùng vợ trở về quê hương để lập nghiệp. Được sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), từ hai bàn tay trắng, vợ chồng ông đã tạo dựng được cơ nghiệp cho mình.
 
“Hợp Phú là vùng miền núi nên xung quanh chỉ toàn rừng rú, đất đồi cằn cỗi. Lúc đó tôi và vợ đã bàn nhau khai hoang, phục hóa đất đồi để lập nghiệp. Chúng tôi đã chăm chỉ cày cuốc đất đai để trồng trọt và chăm từng con gà, lợn, lấy ngắn nuôi dài, dần dần tích lũy để mở rộng gia trại. Trong lúc khó khăn, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, gia đình tôi được tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) bình xét cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH với số tiền 100 triệu đồng", ông Hợp nói.
 
Từ nguồn vốn vay, gia đình ông Hợp đã đầu tư tăng đàn heo và mua thêm dê giống, gà đồi, trồng cây ăn quả để mở rộng mô hình. Gia đình ông còn đầu tư sản xuất vườn nguyên liệu nhằm tạo ra nguồn thức ăn xanh phục vụ cho đàn vật nuôi, phát triển gia trại, tạo công ăn việc làm cho một số lao động địa phương.
 
Đến nay, từ một vùng đất cằn sỏi đá, hoang vu, gia đình ông Hợp đã cải tạo thành gia trại tổng hợp có giá trị kinh tế cao với nhiều loại cây trồng vật nuôi, như: Bạch đàn, chuối, tiêu và nuôi hươu sao, lợn rừng, lợn bản, gà… Hiện gia trại của ông Hợp đã có lượng lợn thịt, lợn giống xuất bán thường xuyên ra thị trường. Trung bình mỗi tháng bán từ 5-10 con, thu nhập 20 triệu đồng/tháng.
Các hộ vay vốn đã đầu tư vào chăn nuôi để tăng thu nhập.
Các hộ vay vốn đã đầu tư vào chăn nuôi để tăng thu nhập.
Thời điểm trước năm 2018, gia đình anh Trần Xuân Hai, thôn Yên Thọ 4, xã Tân Hóa (Minh Hóa) thuộc diện hộ nghèo của xã. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt nhưng sản xuất phụ thuộc vào thời tiết và không có vốn đầu tư nên thu nhập rất thấp.
 
“Để có tiền trang trải sinh hoạt và nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học, vợ chồng tôi phải làm thêm rất nhiều nghề. Thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, tổ TK-VV trong thôn đã tạo điều kiện cho được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo của NHCSXH để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, tôi đã đầu tư mua 2 con bò chăn nuôi sinh sản. Năm 2020, gia đình tôi may mắn được bình xét cho vay vốn chương trình hộ dân tộc, miền núi phát triển kinh tế-xã hội với số tiền 30 triệu đồng. Có vốn trong tay, tôi mạnh dạn đầu tư trồng 4.000 cây keo lai và mở rộng mô hình chăn nuôi”, anh Trần Xuân Hai chia sẻ.
 
Nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi cộng với đức tính cần cù, chịu khó, chỉ sau 3 năm vay vốn, gia đình anh đã có trang trại chăn nuôi tổng hợp với 150 con lợn, 8 con bò, 6ha với khoảng 8.000 cây keo lai cho thu nhập trung bình 150 triệu đồng/năm. Gia đình anh Hai từ chỗ là hộ nghèo của xã đến nay đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.
 
Miền núi thay đổi diện mạo
 
Vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh ta có diện tích tự nhiên 3.845km2. Dân số sinh sống tập trung theo cộng đồng ở các thôn, bản thuộc các xã của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa... Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS và miền núi chiếm 69,52%.
 
Nhìn lại chặng đường 20 năm hoạt động, NHCSXH đã góp phần đem lại nhiều đổi thay về đời sống và sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị vùng ĐBDTTS và miền núi, giúp người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
 
Ông Trần Hữu Ninh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Ban Dân tộc và NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã phối kết hợp có hiệu quả trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh; chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu vay vốn của hộ đồng bào dân tộc, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh triển khai phân bổ nguồn vốn vay để các địa phương tổ chức thực hiện.
 
Ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện, như: Cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động..., hộ ĐBDTTS và miền núi còn được thụ hưởng các chính sách dành riêng, đó là: Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ ĐBDTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng...
 
Thời gian qua, doanh số cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ ĐBDTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg là 15,8 tỷ đồng với 2.959 lượt hộ vay; doanh số cho vay hộ đồng bào dân tộc nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg là 13,5 tỷ đồng với 910 lượt hộ vay; doanh số cho vay hộ dân tộc thiểu số theo Quyết định số 2085/2016/QĐ-TTg là 8,5 tỷ đồng với 226 lượt hộ vay.
Cùng với các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, chính sách khác trên địa bàn vùng ĐBDTTS và miền núi, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã góp phần vào việc giảm nghèo nhanh và bền vững khi tập trung đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập… Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, chuyển biến nhận thức, thay đổi cách thức làm ăn, giúp cho người nghèo và hộ dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội, từng bước làm quen với cơ chế thị trường.
 
Thực tế cũng chứng minh, vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho hàng nghìn hộ ĐBDTTS và vùng miền núi phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
 
Đ.N

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè-thu

(QBĐT) - Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân ở huyện Minh Hóa đang khẩn trương ra đồng thu hoạch hoạch lúa hè-thu và cây màu vụ 10 đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa bão. 

7/9 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi

(QBĐT)- Tính đến ngày 13/9, UBND huyện Minh Hóa đã ban hành quyết định về việc công bố hết dịch tả lợn châu Phi cho 7/9 xã. 

Tuyên Hóa: Nhân rộng mô hình cây ăn quả giá trị cao

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhờ phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, người dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã mạnh dạn đầu tư phát triển những vườn cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Về Tuyên Hóa mùa này, thăm những vườn cây trái trĩu cành, thấy niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt của người nông dân.