Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi và khởi sắc

  • 06:45 | Thứ Sáu, 27/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hiện Quảng Bình cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.
 
Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tháng 4/2022 ước đạt 4.404,9 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ.
 
Ngoài ra, ngành du lịch Quảng Bình đã có nhiều khởi sắc trở lại sau khi mở cửa du lịch quốc tế vào ngày 15/3 với doanh thu ngành du lịch trên địa bàn trong tháng này ước đạt 24 tỷ đồng, tăng 66,8%; doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 148,4 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Du lịch mở cửa, kéo theo doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 300,3 tỷ đồng, tăng 11,9%.
 
Được biết, từ đầu năm đến nay, các chương trình kích cầu, bình ổn giá của tỉnh cũng như các đơn vị kinh doanh vẫn đang được duy trì hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã linh hoạt các giải pháp phù hợp để ổn định phát triển hoạt động kinh doanh; chủ động đón đầu xu hướng bình thường mới để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. Tình hình cung ứng ổn định, hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá.
 
Đặc biệt, qua tháng 4/2022, Quảng Bình cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.
 Lượng khách du lịch đến mua sắm tại cử hàng siêu thị đặc sản miền Trung xứ Quảng đã bắt đầu ổn định.
Lượng khách du lịch đến mua sắm tại cửa hàng đặc sản miền Trung xứ Quảng đã bắt đầu ổn định.
Tại cửa hàng đặc sản miền Trung xứ Quảng, TP. Đồng Hới, mặc dù mới mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh nhưng lượng khách du lịch đến mua sắm tại đây đã bắt đầu ổn định. Chị Phan Thị Thúy Kiều, quản lý cửa hàng cho biết: Mặc dù doanh thu chưa đạt so với kế hoạch nhưng lượng khách vào mua sắm tại cửa hàng ngày càng đông. Đây là dấu hiệu khởi sắc của ngành thương mại, dịch vụ du lịch.
 
Còn tại siêu thị Co.opmart Quảng Bình, trong quý I/2022, do tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp nên sức mua và lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm giảm 18-25% so với năm 2021. Nhưng sang tháng 4, các loại hình dịch vụ mở cửa trở lại, lượng khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan mua sắm tại siêu thị đang có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Để kích cầu tiêu dùng, siêu thị đã có nhiều chương trình khuyến mãi, như: Siêu ưu đãi, mua nhiều ưu đãi lớn..., trong đó có hơn 3.000 mặt hàng giảm giá từ 15-50%.
 
Để thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh, cùng với những nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đầu năm 2022, Sở Công thương cũng đã có kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong điều kiện mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.
 
Theo đó, trong lĩnh vực thương mại, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp phối hợp thực hiện tốt phương án kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Hoạt động các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống phân phối, cửa hàng bách hóa… trở lại trạng thái kinh doanh bình thường, bảo đảm lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường.
 
Cùng với đó, sở khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thị trường phân phối cả ba khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm của người dân và các doanh nghiệp; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa; bảo đảm nguồn cung hàng hóa của các doanh nghiệp đầu mối, kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp để cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân, không để xảy ra hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng, sốt giá.
 
Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương các tỉnh lân cận, các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các sở, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình hoạt động của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…, kịp thời tham mưu chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy hoạt động thương mại; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; thu hút đa dạng các nguồn vốn nhằm phát triển hạ tầng thương mại, trong đó, chú trọng xã hội hóa đầu tư phát triển chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện ích…; thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
 
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ dự kiến đạt 52.630 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2021, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 47.150 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2021. Hoạt động thương mại đang dần phục hồi và có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn do các chi phí khác đều tăng, như: Chi phí vận chuyển, kho bãi, nhân công...; đời sống người dân còn khó khăn sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên xu hướng tiêu dùng vẫn tập trung vào mua sắm các nhóm hàng thiết yếu là chính. Điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Sở Tài nguyên và Môi trường: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

(QBĐT) - Năm 2022, trong điều kiện đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả tham mưu và tổ chức thực hiện các lĩnh vực do ngành phụ trách.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

(QBĐT) - Chiều nay, 26/5, UBND tỉnh đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 và Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình.

Những con đường rộng mở

(QBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM), xã Tây Trạch (Bố Trạch) có nhiều đổi thay bất ngờ. Đến Tây Trạch, ngỡ ngàng như lạc giữa những tuyến phố khang trang, rộng thoáng. Chủ tịch UBND xã Dương Thanh Luyện chia sẻ: "Được như ngày hôm nay là nhờ địa phương làm tốt công tác quy hoạch, huy động sức dân và tận dụng triệt để các nguồn vốn."