Sở Tài nguyên và Môi trường: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

  • 14:04 | Thứ Năm, 26/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022, trong điều kiện đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế-xã hội để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả tham mưu và tổ chức thực hiện các lĩnh vực do ngành phụ trách.
 
Từ những nhiệm vụ trọng tâm đã xác định, trong những tháng đầu năm 2022, Sở TN-MT đã tập trung nâng cao hiệu quả tham mưu trên các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, giải phóng mặt bằng (GPMB); đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; giải quyết tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
 
Mặt khác, sở nâng cao hiệu quả quản lý, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư, hoàn thành các dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chú trọng quản lý tài nguyên nước; kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 
 Dự án thành phần 1-Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 đang hoàn thành bàn giao hồ sơ thu hồi đất.
Dự án thành phần 1-Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 đang hoàn thành bàn giao hồ sơ thu hồi đất.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, Sở TN-MT tăng cường thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt là theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử và đôn đốc triển khai xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai thực hiện chuyển đổi số về TN-MT; tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình ISO 9001:2015 trong lĩnh vực TN-MT.
 
Sở chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khắc phục, xử lý các hồ sơ còn tồn đọng trạng thái “quá hạn chưa xử lý” trên Hệ thống một cửa điện tử; hoàn thiện các quy trình tin học hóa giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai áp dụng cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
 
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Sở TN-MT đã hoàn thành 137/172 nhiệm vụ UBND tỉnh giao và đang tiếp tục thực hiện 35 nhiệm vụ còn lại bảo đảm đúng hạn, đúng yêu cầu, không để xảy ra tình trạng quá hạn, chậm hạn.
 
Trên lĩnh vực đất đai, lĩnh vực lâu nay được xem là có "độ trễ" trong thủ tục, được dư luận quan tâm, với nỗ lực của ngành TN-MT, đến nay, kết quả cấp GCNQSDĐ chung toàn tỉnh đã thực hiện được 596.433,34ha/625.400,26ha, đạt 96,13%.
 
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tiếp nhận và giải quyết 57.015 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ, đăng ký biến động đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và đăng ký giao dịch bảo đảm. Cùng với đó, tăng cường quản lý, theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính tại các chi nhánh và trên hệ thống bản đồ địa chính dùng chung, cơ sở dữ liệu đất đai; kịp thời khắc phục các sự cố bảo đảm việc vận hành thường xuyên của các hệ thống; cập nhật, chỉnh lý trên hệ thống hồ sơ địa chính 50.401 thửa.
 
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Huệ cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được sở rốt ráo triển khai thời gian qua, đó là, tiếp tục tham mưu điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh bảo đảm theo các chỉ tiêu tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở pháp lý thực hiện công tác bồi thường, GPMB, thu hồi đất, giao đất thực hiện Dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Sở đã hoàn thành thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022 đối với TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các huyện: Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để thực hiện Dự án thành phần 1-Đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3.
 
Cụ thể, đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận Quảng Bình, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp và kế hoạch triển khai thực hiện GPMB; chấn chỉnh công tác chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa thuộc khu vực thực hiện dự án; báo cáo bổ sung, giải trình nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.
 
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ TN-MT đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ; góp ý về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam, đoạn Vũng Áng-Bùng; đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác trích đo địa chính, cắm mốc phục vụ các hạng mục của dự án. Đối với Dự án thành phần 1-Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, đến nay đã hoàn thành công tác trích đo, cắm mốc và đang hoàn thành bàn giao hồ sơ thu hồi đất, đạt tỷ lệ 97%.
 
"Sở TN-MT đã tập trung rà soát phương án giá đất và trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định giá đất cụ thể đối với các công trình, dự án; xử lý các đề xuất, kiến nghị, hướng dẫn hỗ trợ chi phí tháo dỡ, di dời nhà và công trình xây dựng để GPMB xây dựng Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi, các công trình phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I...", ông Hoàng Quốc Việt, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết.
Bên cạnh những nhiệm vụ trên, các lĩnh vực công tác khác như môi trường, đo đạc, bản đồ, viễn thám, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu và quản lý tổng hợp biển, hải đảo cũng đã được quan tâm, đẩy mạnh.
 
Riêng đối với lĩnh vực khoáng sản, ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản-Khí tượng thủy văn cho biết: Sở TN-MT đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ tài nguyên khoáng sản, đáp ứng hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục tổ chức thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình thời kỳ cuối giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025; hoàn thiện bản đồ phương án bảo vệ thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
 
Sở cũng chủ động đưa vào quy hoạch các điểm mỏ đất san lấp để phục vụ Dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn đi qua tỉnh và cung cấp thông tin các mỏ vật liệu xây dựng thông thường để cung cấp cho các công trình dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh.
 
Có thể nói rằng, trong những tháng đầu năm 2022, công tác quản lý nhà nước về TN-MT trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật.
 
    A.Tuấn

tin liên quan

Những con đường rộng mở

(QBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CTMTQG XDNTM), xã Tây Trạch (Bố Trạch) có nhiều đổi thay bất ngờ. Đến Tây Trạch, ngỡ ngàng như lạc giữa những tuyến phố khang trang, rộng thoáng. Chủ tịch UBND xã Dương Thanh Luyện chia sẻ: "Được như ngày hôm nay là nhờ địa phương làm tốt công tác quy hoạch, huy động sức dân và tận dụng triệt để các nguồn vốn."

Cam go ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNC trong sản xuất chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương...

Để nông thôn mới... vẫn là nông thôn!

(QBĐT) - Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa với việc tiếp sức, nhân rộng mô hình hàng rào xanh, góp phần hạn chế bê tông hóa, giữ gìn cảnh quan các làng quê là hướng đi đúng, để NTM... vẫn là nông thôn.