Làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách

  • 14:28 | Thứ Ba, 24/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Với thời hạn vay kéo dài, lãi suất thấp, nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã giúp nhiều gia đình tăng thu nhập và thực hiện ước mơ làm giàu.
 
Năm 2020, biết chị gái mình bán 1,5ha diện tích đất vườn, chị Nguyễn Thị Phưởng, thôn Phú Lộc 3, xã Quảng Phú (Quảng Trạch) đã mạnh dạn vay vốn để mua lại.
 
Chị Phưởng cho biết: “Mặc dù lúc đó, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của xã nhưng nghĩ đến việc gia đình mình sẽ có cơ hội thoát nghèo, tôi đã mạnh dạn vay mượn để mua lại trang trại. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 50 triệu, tôi vay thêm người thân để mua lại trang trại số tiền hơn 800 triệu đồng. Số tiền đó là rất lớn với gia đình tôi, nhưng đến giờ tôi thấy đó là quyết định đúng đắn”.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH, chị Nguyễn Thị Phưởng đã đầu tư vào phát triển mô hình trồng măng tây.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH, chị Nguyễn Thị Phưởng đã đầu tư vào phát triển mô hình trồng măng tây.
Sau khi có trang trại, sẵn có ít vốn trong tay, chị Phưởng đã quyết định đầu tư, nâng cấp lại trang trại. Qua quá trình học hỏi và nghiên cứu thông tin trên mạng, chị đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt. Thấy măng tây là cây có tiềm năng và giá trị kinh tế cao, chị trồng thêm nhiều gốc măng tây và trồng thêm 400 gốc ổi.
 
“Tôi có tham gia vào hội măng tây trên mạng xã hội. Hội gồm những người trồng măng tây trên cả nước. Chính vì vậy những kinh nghiệm hay và phương pháp trồng măng hiện đại luôn được các thành viên chia sẻ cho nhau. Sau khi tham khảo cách trồng của mọi người, tôi có tìm hiểu và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước hiện đại cho trang trại. Nhờ áp dụng cách trồng hiện đại nên hiện tại, vườn măng tây của gia đình đang phát triển tốt. Hàng tháng, măng tây vẫn cho thu hoạch đều và 400 gốc ổi cũng đang chờ thu hoạch”, chị Phưởng chia sẻ. Từ mô hình trồng măng tây, gia đình chị có thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
 
Nhờ nguồn vốn vay tín dụng CSXH, gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Quảng Sơn (TX. Ba Đồn) cũng đã có cơ hội để phát triển mô hình kinh tế trồng nấm và vươn lên làm giàu.
 
Chị Nhung tâm sự: “Lúc mới bắt đầu xây dựng mô hình trồng nấm, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng thông Hội LHPN xã, vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 450m2 nhà trồng nấm. Sau khi tham khảo thị trường về mức tiêu thụ của các loại nấm, chúng tôi đã tập trung nuôi trồng 2 loại nấm chính là nấm sò và nấm rơm. Đây là hai loại nấm được người dân tiêu thụ nhiều nên dễ tìm đầu ra cho sản phẩm. Do áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc an toàn nên hiện tại giá thành đầu ra cho sản phẩm nấm của gia đình tôi cũng cao hơn so với các nơi khác”.
 
Trong năm qua, mô hình trồng nấm của gia đình chị Nhung cho thu hoạch khoảng 9 tấn nấm các loại, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng. Ngoài mô hình trồng nấm, vợ chồng chị Nhung còn đầu tư mua một máy cuộn rơm để phát triển thêm kinh tế.
 
Từ những người nông dân có xuất phát điểm thấp, sau khi được vay vốn tín dụng CSXH, nhiều hộ từ cận nghèo đã vươn lên hộ có thu nhập khá. Với những kết quả mang lại, có thể khẳng định rằng nguồn vốn tín dụng CSXH có vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
 
Trong quý I/2022, tổng doanh số cho vay tín dụng CSXH đạt 416,5 tỷ đồng, (tăng 126,8 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021) với 8.120 lượt khách hàng được vay vốn.
Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng CSXH đã phát huy vai trò trong việc hỗ trợ khách hàng phát triển kinh tế. Nguồn vốn đã giúp nhiều hộ gia đình đầu tư và mở rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc vay vốn tín dụng CSXH được thực hiện thông qua hoạt động ủy thác cho vay giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị-xã hội. Hiện nay, hoạt động ủy thác tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 151 điểm giao dịch xã với 2.206 tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn phục hồi phát triển kinh tế của người dân và các đối tượng chính sách khác.
 
"Để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng CSXH, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác; các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, tín dụng; thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, xử lý, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động", ông Trần Văn Tài, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết.
 
Đ.N 

tin liên quan

Tuyên Hóa: Nâng cao chất lượng đàn bò bằng lai giống 3B

(QBĐT) - Nhằm nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế đối với đàn bò trên địa bàn, thời gian qua, huyện Tuyên Hóa đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giống bò 3B trên nền bò cái lai địa phương (lai Sind, Brahman), bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Lệ Thủy: Hoàn thành nhận bàn giao mốc lộ giới đường cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Ngày 23/5, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ Giao thông Vận tải) đã hoàn thành 100% việc bàn giao mốc lộ giới cho Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Lệ Thủy và các xã liên quan có dự án đường cao tốc Bắc-Nam đi qua.

 

Khẩn trương thu hoạch lúa đông-xuân

(QBĐT) - Những ngày này, nông dân trong toàn tỉnh đang khẩn trương thu hoạch lúa đông-xuân và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để sản xuất vụ hè-thu.