Thực hiện chương trình GDPT mới bậc tiểu học: Vượt khó để thành công

  • 05:36 | Thứ Ba, 03/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm học 2023-2024 là năm thứ tư thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo đánh giá của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) việc triển khai các nội dung của chương trình là hướng đi mới tạo nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng GD-ĐT. Riêng đối với bậc giáo dục tiểu học (GDTH) việc triển khai chương trình (từ năm 2020-2021 đối với lớp 1) đến nay đã có những kết quả nhất định.
 
Hiệu ứng tích cực
 
Trong 3 năm qua, ngành GD-ĐT nói chung, GDTH Quảng Bình nói riêng đã nỗ lực triển khai Chương trình GDPT 2018 đúng tiến độ. Đến nay, mạng lưới trường học toàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS). Hầu hết các xã đều có trường tiểu học (TH) hoặc trường liên cấp có cấp TH. Các phòng GD-ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục (CSGD) bố trí giáo viên (GV) dạy đúng, đủ các môn học, từng bước khắc phục tình trạng thiếu GV hoặc bố trí, sử dụng GV không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo; đồng thời thực hiện điều tiết GV từ nơi thừa sang nơi thiếu; ưu tiên biên chế để tuyển dụng GV cho những môn học mới theo Chương trình GDPT 2018.
 
Điều đáng ghi nhận là 100% CSGD xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT mới. Các trường học đã tổ chức tốt những môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Tiếng Anh, Hoạt động trải nghiệm) và các môn học tự chọn (Tiếng Anh lớp 1, lớp 2) theo quy định của chương trình.
Thực hiện chương trình GDPT mới, học sinh được trải nghiệm các hoạt động bổ ích trong mỗi giờ học.
Thực hiện chương trình GDPT mới, học sinh được trải nghiệm các hoạt động bổ ích trong mỗi giờ học.

Mặt khác, các đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của HS, tạo điều kiện cho HS tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Đa số trường học thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục địa phương (GDĐP), phòng tránh tai nạn bom mìn, giáo dục đạo đức, chăm sóc sức khỏe, an toàn giao thông…vào các môn học và hoạt động trải nghiệm (HĐTN), hoạt động ngoài giờ lên lớp…

Nhiều đơn vị phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn thực hiện hiệu quả các mô hình, như: “Gọn gàng văn minh nơi công sở”, “Nói không với bom mìn, vật liệu chưa nổ”, “Chúng em với an toàn giao thông” (Quảng Ninh); “Mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giáo dục”, “Thư viện số” (Lệ Thủy); “Ứng dụng phim hoạt hình vào dạy học”, “Sử dụng sơ đồ tư duy vào dạy học Tiếng Anh và các môn học khác” (TP. Đồng Hới); “Trường học hạnh phúc”, “Dạy sáng tạo, học tích cực” (Bố Trạch)…

Đối với môn Tiếng Anh, Sở GD-ĐT tiếp tục triển khai dạy Tiếng Anh tự chọn (lớp 1, lớp 2); dạy Tiếng Anh bắt buộc cho HS lớp 3 bảo đảm yêu cầu của chương trình GDPT mới, khuyến khích CSGD thực hiện xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện để tăng cường thời lượng học Tiếng Anh (1-2 tiết/tuần với GV nước ngoài...) và vận dụng phương pháp sơ đồ tư duy, tạo những sân chơi bổ ích, sinh động để HS có cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển các kỹ năng, năng lực sử dụng Tiếng Anh.

Năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 bậc GDTH đối với lớp 1, 2, 3, 4. Theo đó, toàn ngành tập trung thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu GV, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cán bộ quản lý; tổ chức thực hiện giáo dục STEM và tăng cường chuyển đổi số trong GD-ĐT và giáo dục kỹ năng công dân số...

Bên cạnh đó, các trường học còn chú trọng triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo cơ hội cho HS lớp 1, lớp 2 được tiếp cận bộ môn Tin học, tổ chức dạy học môn Tin học bắt buộc cho HS lớp 3 từ năm học 2022-2023. 100% cơ sở GDTH triển khai thực hiện tốt môn học GDĐP và hoạt HĐTN phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Em Dương Thị Kiều Oanh, HS lớp 4, Trường TH số 2 Hoàn Lão (Bố Trạch) bày tỏ: Em thích nhất là được tham gia các HĐTN và môn học GDĐP. Qua các môn học này, chúng em được trải nghiệm từ thực tế như chăm sóc cây xanh, trang trí lớp học, được hiểu biết thêm về các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của quê hương mình.

Bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đa số GV tiếp cận chương trình đúng hướng. Năng lực xây dựng kế hoạch bài dạy, tổ chức dạy học, ứng dụng CNTT, khai thác, xây dựng kho học liệu số, kĩ năng xây dựng bài giảng trực tuyến của GV dần được nâng cao. Kết quả học tập và rèn luyện của HS có những chuyển biến tích cực. Mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực HS của chương trình bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong GV, HS, cha mẹ HS và xã hội.

Còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn gặp không ít khó khăn, rào cản. Khó khăn đầu tiên là chương trình triển khai trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (năm học 2020-2021; 2021-2022). Có những thời điểm, hoạt động dạy học phải triển khai với nhiều kịch bản khác nhau, thời gian học trực tiếp không ổn định, không tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày trong thời gian dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chương trình, kế hoạch giáo dục.

Một số trường học còn thiếu thiết bị dạy học, cơ sở vật chất chưa đáp ứng so với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Không ít phòng học bán kiên cố đã xuống cấp cần cải tạo, sửa chữa; các điểm trường lẻ còn thiếu công trình vệ sinh, nước sạch, thiếu trang thiết bị và phòng máy vi tính, phòng cức năng để học môn Tin học, ngoại ngữ...

Việc đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh hào hứng hơn trong mỗi tiết học.
Việc đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh hào hứng hơn trong mỗi tiết học.

Kinh phí hỗ trợ cho việc triển khai Chương trình GDPT 2018 chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ GV còn thiếu về số lượng, chưa hợp lý, đồng bộ về cơ cấu nên khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới ở một số CSGD còn bất cập. Không ít đơn vị còn lúng túng, chưa chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học.

Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS của một số GV còn hạn chế, đặc biệt là khả năng tổ chức HĐTN, hoạt động ứng dụng, kết nối kiến thức vào thực tiễn. Nội dung sinh hoạt chuyên môn của một số trường chưa đa dạng. Việc biên soạn, thẩm định, đề nghị phê duyệt tài liệu GDĐPcòn chậm…

Những khó khăn mà ngành GD-ĐT đang đối mặt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 nói chung, bậc GDTH nói riêng càng cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành, mà vai trò tiên phong đội ngũ GV đang hàng ngày miệt mài nghiên cứu, học tập, đổi mới phương pháp dạy học nhằm hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT.

Nh.V

tin liên quan

Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các sở trực thuộc báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương và báo cáo trước ngày 15/10.

Việt Nam có 6 cơ sở đào tạo trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2023

Việt Nam góp mặt 6 cơ sở giáo dục đại học trong tổng số 1.904 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, trong đó Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng trong nhóm 601-800.

Xây dựng, công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh đại học từ năm 2025 trở đi

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản số 5155/BGDĐT-GDĐH gửi các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.