Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia: Còn đó những khó khăn

  • 07:20 | Thứ Hai, 14/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất (CSVC), đội ngũ nhà giáo để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều năm qua, ngành GD-ĐT và các địa phương đã quan tâm đến việc tăng cường CSVC, trang thiết bị (TTB), đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV) đạt chuẩn, trên chuẩn… tạo điều kiện cho các trường học xây dựng trường CQG. Tuy nhiên, việc xây dựng trường chuẩn và giữ chuẩn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Không ít trường học đang đối diện với nguy cơ “rớt” chuẩn mà nguyên nhân chủ yếu là CSVC không bảo đảm.
 
Giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục
 
Đến các trường, như: Tiểu học (TH) Hàm Ninh (Quảng Ninh), mầm non (MN) Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), MN Trường Thủy (Lệ Thủy)… chúng tôi ấn tượng với khuôn viên xanh, sạch, đẹp, CSVC, TTB khang trang, đồng bộ. Để đạt chuẩn và giữ danh hiệu trường CQG, các trường đều xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể về tăng cường CSVC, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV...
 Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để Trường tiểu học Hàm Ninh (Quảng Ninh) đạt chuẩn quốc gia.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi để Trường tiểu học Hàm Ninh (Quảng Ninh) đạt chuẩn quốc gia.

Cô giáo Dương Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường TH Hàm Ninh cho hay: Đứng chân trên địa bàn vùng khó, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên việc xây dựng trường CQG gặp không ít khó khăn, rào cản. Song được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của phụ huynh HS, trường đã có CSVC, TTB đồng bộ với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, nhà đa năng, phòng truyền thống, bể bơi… và các công trình phụ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nội dung của Chương trình GDPT 2018.

Để duy trì thành quả trường đạt CQG, hàng năm trường đều xây dựng kế hoạch giáo dục, tiến hành rà soát về CSVC, TTB, kịp thời nâng cấp, bổ sung những hạng mục còn thiếu nhằm phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học của GV, HS.

Trường MN Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) là một trong những điểm sáng bậc học MN trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong đầu tư, hoàn thiện về CSVC, TTB cùng việc xây dựng đội ngũ sư phạm đoàn kết, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ. Trường được công nhận CQG mức độ 1 vào tháng 8/2010. Hàng năm trường luôn được tăng cường về CSVC, đạt CQG mức độ 2 vào tháng 8/2013 và kết quả đó được duy trì cho đến nay. 

Huyện Bố Trạch là một trong những địa phương triển khai thực hiện khá tốt công tác xây dựng trường học đạt CQG. Ông Võ Hải Quân, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bố Trạch cho hay: Xác định việc đầu tư, nâng cấp CSVC, TTB là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng trường đạt CQG, phòng đã tích cực tham mưu cho UBND huyện ưu tiên nguồn vốn để thực hiện kiên cố hóa phòng học, phòng bộ môn, thư viện ở các trường học. Ngoài ra, các trường học còn tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực để cải tạo khuôn viên, mua sắm TTB... Chỉ tính riêng trong năm 2022, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Bố Trạch đã đầu tư xây dựng 160 phòng học, phòng thực hành bộ môn, 23 công trình vệ sinh.
 
Không chỉ Bố Trạch, một số địa phương khác cũng tích cực đầu tư nguồn lực xây dựng trường CQG gắn liền với mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho các trường học triển khai hiệu quả việc đổi mới sáng tạo trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Trường mầm non Trường Thủy (Lệ Thủy)
Trẻ được tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Trường mầm non Trường Thủy (Lệ Thủy)
Nhằm đánh giá công nhận mức độ thực hiện các mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục, hàng năm ngành GD-ĐT đã tập trung đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) và công tác xây dựng trường học đạt CQG. Tính đến cuối tháng 6/2023, toàn tỉnh có 241/563 trường đạt KĐCLGD (42,8%); có 271/563 trường đạt CQG (48,1%).
 
Khó đạt chuẩn và giữ chuẩn
 
Bên cạnh những kết quả đạt được trong xây dựng trường chuẩn thì việc giữ chuẩn còn rất nhiều khó khăn vì các quy định mới của Bộ GD-ĐT. Các tiêu chí về CSVC để đạt trường CQG được áp dụng theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành vào cuối tháng 5/2020 cao hơn trước đây rất nhiều. Vì vậy, nhiều trường học đã quá hạn công nhận đạt chuẩn KĐCLGD và đạt CQG nhưng chưa được đầu tư xây dựng CSVC, TTB dạy học đáp ứng với bộ tiêu chuẩn mới.
 
Tính đến 30/6/2023 toàn tỉnh có 91/563 trường quá KĐCLGD và 152/563 trường quá hạn để công nhận đạt CQG. Nhiều trường học có thành tích trong xây dựng trường CQG, như: TH Đồng Phú, TH số 1 Đồng Sơn (TP. Đồng Hới); TH số 1 Kiến Giang (Lệ Thủy); THCS Quách Xuân Kỳ (Bố Trạch); THPT Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn)… cũng gặp khó khăn trong giữ chuẩn.
 
Trường TH Đồng Phú là đơn vị đã được công nhận đạt CQG mức độ 2 từ năm 2016 nhưng nay đã quá hạn được công nhận lại. Nguyên nhân là HS trên địa bàn đông, một số yêu cầu về CSVC chưa đáp ứng trường CQG theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Thời gian qua, nhà trường đã tham mưu cho các cấp chính quyền về những giải pháp nhằm đầu tư, nâng cấp CSVC, TTB. Hiện tại, trường đã được đầu tư nhiều hạng mục, công trình như xây dựng dãy nhà 2 tầng, nhà đa chức năng, bể bơi, bếp ăn, hoàn thiện sân bóng, khu vui chơi, vận động cho HS, tu sửa nâng cấp công trình vệ sinh. Trường đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí về CSVC, mua sắm TTB, đồng thời chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS.
 
Minh Hóa là địa phương gặp khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường đạt CQG. Tính đến tháng 2/2023, huyện có 18/48 trường đạt CQG song đến tháng 6/2023 đã có 16 trường quá hạn để được công nhận lại. Hiện tại, toàn huyện chỉ có 2/48 trường đạt CQG là Trường MN số 2 thị trấn Quy Đạt và Trường TH Tiến Nhất (Thượng Hóa). Theo ông Đinh Tuấn Anh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa, rào cản lớn nhất của các trường học trên địa bàn huyện là CSVC chưa đồng bộ, thiếu phòng học bộ môn, công trình vệ sinh chưa bảo đảm yêu cầu, thiếu TTB phục vụ dạy và học, thiếu GV…  
Trường mầm non Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), điểm sáng trong xây dựng trường chuẩn quốc gia của bậc học mầm non
Trường mầm non Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), điểm sáng trong xây dựng trường chuẩn quốc gia của bậc học mầm non
Tại huyện Quảng Trạch, trong năm 2022 có 7 đơn vị “rớt chuẩn” trong khi chỉ xây mới được 2 đơn vị (THCS Quảng Đông, THCS Cảnh Hóa). Ngay từ đầu năm 2023, toàn huyện có 16 trường rớt CQG vì CSVC chưa đồng bộ.
 
Khó khăn nữa mà các trường học đang gặp phải là do áp lực về tinh giản biên chế, thiếu GV nên phải thực hiện dồn lớp dẫn đến số HS/lớp vượt quá quy định. Công tác xã hội hóa trong xây dựng trường CQG chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương chưa ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp CSVC, TTB cho các trường học.
 
Để từng bước khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả công tác xây dựng trường CQG, ngành GD-ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác KĐCLGD và xây dựng trường đạt CQG theo các quy định mới của Bộ GD-ĐT. Ngành cũng kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 thuộc lĩnh vực GD-ĐT, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực để tăng trưởng CSVC, TTB dạy học cho các trường học.
 
Hiện tại, toàn tỉnh có 231/563 trường học chưa đạt KĐCLGD (tỷ lệ 41%) và 140/563 trường chưa đạt CQG (tỷ lệ 24,9%). Nguyên nhân chủ yếu là do CSVC các trường học xuống cấp, không đồng bộ so với yêu cầu của Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Mặt khác, tiến độ thi công các công trình, hạng mục ở không ít trường học còn chậm. Một số trường học gặp khó khăn do không đủ diện tích để mở rộng khuôn viên, xây dựng các phòng học bộ môn và khối phòng chức năng…
                                                                   Nh.V

tin liên quan

Tuyển sinh ĐH 2023: Thí sinh bắt đầu nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến

Thí sinh chưa rõ nội dung nộp lệ phí xét tuyển có thể liên hệ với cán bộ tại các điểm tiếp nhận hoặc cán bộ của cơ sở đào tạo trực các số điện thoại hỗ trợ công tác tuyển sinh để được hướng dẫn.

Mức học phí bậc đại học năm học 2023-2024

Năm học 2023-2024, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên từ mức thấp nhất là 1.350.000 đồng/tháng/sinh viên đối với khối ngành nghệ thuật và cao nhất là 2.760.000 đồng/tháng/sinh viên đối với khối ngành y dược. 

Lịch thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học năm 2023

Để bảo đảm an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải trong quá trình thí sinh thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân chia lịch thực hiện thanh toán trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ đăng ký xét tuyển theo các tỉnh/thành phố nơi thí sinh đã nộp hồ sơ.