(QBĐT) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 đã khép lại. Nhiều học sinh (HS) trúng tuyển vào ngôi trường theo đúng nguyện vọng nhưng một số khác vẫn đang loay hoay lựa chọn giữa việc học nghề hay học văn hóa. Một cánh cửa khép lại nhưng nhiều cánh cửa khác vẫn đang rộng mở. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm buộc phụ huynh (PH) và bản thân mỗi HS đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.
Cánh cửa mới
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh có gần 12.900 HS đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, năm học 2023-2024. Kết quả, gần 11.300 em trúng tuyển vào 31 trường THPT trên địa bàn. Điều đó có nghĩa là sẽ có hơn 1.500 em tiếp tục học tập tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình độ trung cấp, sơ cấp. Quảng Bình hiện có 16 cơ sở GDNN, đào tạo đa dạng các ngành nghề, trong đó có nhiều nghề trọng điểm, đạt chuẩn quốc tế và chuẩn ASEAN. Đây là điều kiện thuận lợi để các em HS sau khi tốt nghiệp THCS có thể được học nghề ngay tại địa phương.
Năm học 2023-2024, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 đặt chỉ tiêu tuyển sinh 550 học viên (HV) trình độ trung cấp, 375 HV trình độ sơ cấp. Trong đó sẽ có gần 500 chỉ tiêu là HS tốt nghiệp THCS theo học chương trình “2 trong 1”: Vừa học nghề hệ trung cấp, vừa học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên. Với chương trình trung cấp, HS sẽ có nhiều lựa chọn ngành, nghề phù hợp với nhu cầu, đáp ứng thị trường lao động hiện nay, như: Kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, nghiệp vụ nhà hàng…
Cũng như các cơ sở GDNN khác, Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình đặt chỉ tiêu tuyển sinh 750 HV hệ trung cấp; Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình đặt chỉ tiêu là 400 HV. Các trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên (GDTX) các huyện, thị xã, thành phố cũng đã liên kết với các trường nghề trên địa bàn tỉnh để tập trung đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu địa phương.
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch Nguyễn Xuân Hải cho biết, năm học 2023-2024, trung tâm đặt chỉ tiêu tuyển sinh 90 HS theo học chương trình văn hóa gắn với học trung cấp nghề. Hiện, trung tâm đã tuyển được 95 HS, vượt chỉ tiêu đề ra. Các ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường, nhất là với một địa phương có số lượng lớn con em đi lao động ở nước ngoài như Bố Trạch. Nhờ được trang bị các kỹ năng nghề từ sớm nên các em tự tin hơn khi tham gia vào các thị trường lao động ở nước ngoài dù tuổi đời còn rất trẻ.
Học sinh được gì?
Những năm gần đây, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, tăng cường trang thiết bị dạy học và thực hành hiện đại, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế. HS tốt nghiệp THCS lựa chọn học tiếp tại các cơ sở này sẽ được học cùng lúc song song hai chương trình: Học trung cấp nghề và học văn hóa theo chương trình GDTX. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có chứng chỉ nghề, nhờ đó, sớm được tiếp cận nhiều cơ hội việc làm hơn.
Từ thực tế giảng dạy cho đối tượng HS này, nhiều giáo viên cơ sở GDNN khẳng định, nhiều trường hợp HS học văn hóa rất yếu nhưng khi chuyển sang học nghề lại đạt kết quả tốt, do nắm bắt nhanh nhạy các kỹ năng nghề. Do vậy, khả năng tìm kiếm được việc làm ngay khi tốt nghiệp vì thế cũng cao hơn. Trong khi đó, điện tử, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật chế biến món ăn... là các ngành nghề đang “hot” hiện nay. HS sau khi tốt nghiệp không lo lắng đến việc thất nghiệp hay không tìm được việc làm phù hợp. Nhiều doanh nghiệp thường xuyên đến trường để tuyển dụng vì các ngành nghề này đang thiếu hụt nguồn nhân lực.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, chính sách nhằm hỗ trợ cho HS theo học nghề tại các cơ sở GDNN. Đây cũng là nỗ lực nhằm tăng hiệu quả các chương trình phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS, THPT. Ngày 27/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT. Theo đó, HS tốt nghiệp THCS sẽ được miễn giảm học phí học trung cấp nghề.
Quyết định số 53/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đối với HS, sinh viên học cao đẳng, trung cấp cũng quy định: Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo… sẽ được hưởng chính sách nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp tại các cơ sở GDNN. Ngoài ra, các cơ sở GDNN cũng thường xuyên có nhiều chương trình, học bổng nhằm động viên các em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có thành tích xuất sắc trong học tập.
Trăn trở gỡ khó
Không đỗ vào các trường THPT theo đúng nguyện vọng, vậy các em có lựa chọn học nghề hay không? Đây vẫn là bài toán khó mà suốt nhiều năm qua, nhiều cơ sở GDNN vẫn loay hoay “gỡ khó”. Không phải từ sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mà việc phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho các em HS sau tốt nghiệp THCS đã được các cơ sở GDNN triển khai trong suốt năm học.
Bà Đinh Thị Quỳnh Hoa, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình khẳng định: “Mặc dù đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho HS tham gia học nghề như Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Quyết định số 53/QĐ-TTg nhưng với nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mà không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì theo học nghề vẫn là việc không hề đơn giản, nhất là với các em ở địa bàn xa trung tâm. Ngoài các chính sách hiện hành, nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ các em trong việc học nghề, ở nội trú, chi phí đi lại… để động viên, khuyến khích các em”.
Cùng với việc tham gia vào các chương trình, ngày hội tư vấn GDNN tại các trường THCS trên địa bàn, các cơ sở đã vận dụng nhiều hình thức nhằm tuyển sinh được số HS sau tốt nghiệp THCS không thi đỗ vào lớp 10 THPT. Khi các em đã rút hồ sơ tại trường, thông qua danh sách, cán bộ tư vấn tuyển sinh của các cơ sở này đến tận nhà để gặp gỡ PH, tư vấn, vận động các em đến trường. Trăn trở nhiều, vất vả lắm nhưng theo chia sẻ của hầu hết đại diện các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh thì công tác này vẫn luôn luôn gặp khó. Dù đã cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở GDNN, chính sách đối với người học, chính sách ưu đãi, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm… nhưng cả HS và PH đều không mấy mặn mà với việc học nghề.
Từ thực tế kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024 cho thấy, khi con em không đỗ vào trường THPT theo đúng nguyện vọng, nhiều PH vẫn tìm mọi cách để con em mình vào học các trường THPT ở các địa bàn khác, thậm chí là học ngoại tỉnh… thay vì theo học nghề. Và học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng khi mọi cánh cửa khác đều đã khép lại.
Theo kế hoạch số 491/KH-SGDĐT của Sở GD-ĐT thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, kế hoạch đặt ra là trong năm 2023, phấn đấu có ít nhất 20% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trung tâm GDNN trình độ trung cấp, sơ cấp. Làm sao để đạt được mục tiêu này vẫn là bài toán nan giải, là thách thức lớn đối với công tác phát triển nguồn nhân lực.
Làm thế nào để không trượt đại học ở "phút 89" là điều được các chuyên gia giáo dục đặc biệt lưu ý nhắc nhở thí sinh khi chỉ còn một tuần nữa là hết hạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học.
Theo kế hoạch tuyển sinh, từ 8 giờ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.