Bảo đảm các điều kiện để triển khai hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ năm học mới 2023-2024
(QBĐT) - Tại phiên họp của Thường trực Tỉnh ủy ngày 31/7/2023 về một số vấn đề liên quan đến kế hoạch chuẩn bị năm học và tuyển sinh năm 2023-2024, Thường trực Tỉnh ủy đã có các ý kiến chỉ đạo cụ thể nhằm bảo đảm điều kiện để triển khai hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ năm học mới 2023-2024.
Theo đó, sau khi nghe lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), các trường báo cáo kết quả năm học 2022-2023, kế hoạch chuẩn bị năm học, tuyển sinh 2023-2024 và ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận sự chủ động của ngành GD-ĐT, các trường học, cơ sở giáo dục trong việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2022-2023, công tác chuẩn bị cho năm học 2023-2024. Bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề nổi lên cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện.
Cụ thể, đối với giáo dục (GD) đại học, trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh của Trường đại học Quảng Bình (ĐHQB) năm 2023-2024, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị nhà trường nâng cao tính chủ động, có kế hoạch dài hạn trong công tác tuyển sinh không chỉ trên địa bàn trong tỉnh mà cần mở rộng sang các tỉnh trong khu vực; tăng cường liên kết đào tạo bằng nhiều hình thức.
Tiếp tục phát huy vai trò trong việc tham gia nghiên cứu khoa học và góp ý hoạch định chính sách, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao của trường. Tập trung công tác chuyên môn, công tác đào tạo NNL cho tỉnh; nâng cao chất lượng dạy và học. Phối hợp với Sở GD-ĐT trong công tác tuyển sinh, đào tạo lại đội ngũ giáo viên (GV) các cấp, nhất là GV các huyện, xã miền núi. Tiếp tục làm tốt công tác quản trị, tài chính, bảo đảm đời sống cho cán bộ, giảng viên; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh nhà trường.
Đối với đề xuất thành lập trường THPT trong Trường ĐHQB, nhà trường cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý và nhu cầu của học sinh trên địa bàn tỉnh để có giải pháp phát triển lâu dài, bền vững, trong đó tập trung vào mục tiêu là phát triển GD đại học.
Lĩnh vực GD nghề nghiệp, bên cạnh những kết quả tích cực, khả quan trong công tác tuyển sinh, cần tiếp tục nâng cao chất lượng GD nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết, góp phần phát triển NNL có kỹ năng, phục vụ phát triển KT-XH, đồng thời quan tâm tốt lộ trình tự chủ để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của nhà trường.
Cho ý kiến về đề xuất, kiến nghị sáp nhập các trường, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu cân nhắc, nghiên cứu kỹ để có phương án phù hợp, hiệu quả, không chạy theo thành tích, sáp nhập cơ học. Đối với việc phân luồng học sinh vào học nghề, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, xây dựng các trung tâm dữ liệu, học liệu số… và các vấn đề cụ thể của các trường học, cơ sở GD, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu giải pháp phù hợp, quyết định theo thẩm quyền.
Về đề xuất xem xét, có chính sách hỗ trợ cho học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo học tại các cơ sở GD nghề nghiệp, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tham mưu căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng ĐBDTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để triển khai thực hiện, góp phần giúp con em vùng ĐBDTTS có điều kiện tốt hơn để học tập.
Đối với giáo dục phổ thông, ý kiến đề nghị ngành GD-ĐT cần hết sức quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách cho GV yên tâm đứng lớp. Việc hợp đồng GV theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ chỉ là giải pháp tạm thời, cần nghiên cứu để có giải pháp căn cơ, lâu dài. Quan tâm hơn đến chất lượng GD các cấp; bám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả cao; có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, nhiều chiều trước khi thực hiện. Chú trọng xây dựng môi trường GD lành mạnh, nâng cao đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ GV; tuyên truyền, vận động phát huy tinh thần hiếu học của học sinh, tránh tình trạng lơ là học tập.
Về học phí và các khoản thu, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu ban hành quy định về mức học phí và mức thu, cơ chế quản lý sử dụng các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục năm học 2023-2024 để kịp thời phục vụ năm học mới, không chờ sửa đổi Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Trường ĐHQB và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ, tiến hành đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ GV các cấp, đặc biệt là tại các vùng ĐBDTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, cồn bãi, trong đó có huyện Minh Hóa, nhằm kịp thời chấn chỉnh, cải thiện và nâng cao chất lượng GD tại các khu vực này.
N.Mai