Vững tin bước vào năm học mới
Một trong những nhiệm vụ mà Bố Trạch hết sức chú trọng là quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong 2 năm gần đây, huyện đã thực hiện nhập 2 trường TH và THCS ở 2 xã Sơn Lộc và Mỹ Trạch. Từ đây đến năm 2025, huyện dự kiến sáp nhập 9 đơn vị trường học cùng cấp trên địa bàn. Bên cạnh việc sáp nhập trường, huyện cũng thực hiện sáp nhập các điểm trường (đối với những đơn vị có nhiều điểm trường) nhằm giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu tư CSVC và bố trí đội ngũ CB trong điều kiện thiếu GV như hiện nay.
Ngoài ra, huyện còn ưu tiên bố trí kinh phí trong việc xây dựng phòng học, phòng bộ môn, mua sắm TTB phục vụ chương trình giáo dục mới. Ngoài sự đầu tư của huyện, một số địa phương đã thực hiện tốt việc xã hội hóa, huy động nguồn lực để nâng cấp CSVC, TTB.
Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là một trong những đơn vị còn gặp nhiều rào cản trong triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Do đặc thù của trường là tuyển sinh con em vùng dân tộc thiểu số nên HS của trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng giao tiếp. Thực tế cho thấy, chất lượng giáo dục toàn diện, kết quả thi tuyển sinh, xét tuyển vào lớp 10 của trường còn thấp. Khó khăn nữa là một bộ phận GV chưa có ý thức vận dụng linh hoạt, sáng tạo việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá…
Trước thực trạng đó, trường đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ CB, GV, tạo điều kiện cho GV tham gia các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng các tiết dạy minh họa nhằm đưa ra cách thức tổ chức dạy học phù hợp với HS. Trường còn tổ chức cho GV học thêm tiếng dân tộc để có thể giao tiếp với HS, tạo sự gần gũi với HS… Mặt khác, trường chú trọng đổi mới công tác quản lý trên cơ sở tăng cường quyền tự chủ trong dạy học cho GV, giao cho GV tự thiết kế bài dạy linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của GV, HS; thực hiện đa dạng hình thức, nội dung giáo dục đối với HS…
Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục là một trong những hoạt động được ngành GD-ĐT và các địa phương hết sức chú trọng.
Tại huyện Tuyên Hóa, hàng năm, UBND huyện luôn thực hiện công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp bảo đảm mỗi đơn vị cấp xã, thị trấn đều có trường MN, TH, THCS, TH-THCS. Vì vậy, quy mô trường lớp trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của HS và tạo được sự đồng thuận của người dân. Trong năm học 2022-2023 và dịp nghỉ hè chuẩn bị cho năm học 2023-2024, huyện đã tiến hành sáp nhập 8 trường học có quy mô nhỏ, ít HS xuống còn 4 trường.
Để làm được điều này, huyện đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền trong CB, GV, phụ huynh HS… nhằm tạo sự đồng thuận cao. Theo kế hoạch đến năm 2025, huyện sáp nhập thêm 4 cơ sở giáo dục thành 2 cơ sở; đồng thời bố trí các nguồn vốn đầu tư của nhà nước và xã hội hóa để nâng cấp, sửa chữa CSVC, mua sắm TTB phục vụ dạy và học cho các đơn vị mới sáp nhập.
Đối với huyện Minh Hóa, để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện tốt việc huy động trẻ đến trường đúng độ tuổi. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng GD-ĐT rà soát, bổ sung, sắp xếp, ổn định đội ngũ CB, GV, nhân viên; rà soát về CSVC, TTB để bổ sung kịp thời, bảo đảm có các điều kiện cần thiết cho năm học mới.
Tuy nhiên, Minh Hóa hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn như thiếu GV, nhất là GV Tiếng Anh, Tin học; chất lượng đội ngũ chưa cao; CSVC, TTB nhiều trường học xuống cấp, công tác xã hội hóa giáo dục chưa được quan tâm đúng mức…
Bước vào năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn như thiếu GV, nguồn kinh phí thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn hạn chế, chất lượng giáo dục có sự chênh lệch khá lớn giữa các đơn vị vùng, miền. CSVC, TTB nhiều trường học chưa đáp ứng với chương trình đổi mới… Song toàn ngành đã có sự chuẩn bị chu đáo, trong đó chú trọng đến việc bồi dưỡng đào tạo đội ngũ CB quản lý, GV vững về chuyên môn, tận tâm với nghề để thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ của năm học.
Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT đã chủ động tham mưu UBND trình HĐND tỉnh thông qua 6 nghị quyết và ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành ngành GD thực hiện nhiệm vụ. Ngành đã thực hiện hoàn thành chương trình năm học đúng tiến độ, triển khai thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018 và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ngành đã có nhiều giải pháp đổi mới, đột phá đem lại hiệu quả cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính… Kết quả đó là động lực để toàn ngành vững tin bước vào năm học mới.
|