Tập trung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

  • 20:14 | Thứ Bảy, 15/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường trong học sinh (HS) và vi phạm đạo đức của một số cán bộ quản lý, giáo viên đã làm giảm uy tín, hình ảnh của "người thầy", ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các giải pháp nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng nói trên, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi.
Đổi mới việc giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương là nhiệm vụ được nhiều trường học chú trọng nhằm khơi dậy niềm tự hào về quê hương, dân tộc, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
Đổi mới việc giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương là một trong những hoạt động  nhằm khơi dậy niềm tự hào về quê hương, dân tộc, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho HS.
P.V: Từ việc hai cán bộ quản lý ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Lệ Thủy có mâu thuẫn, xô xát dẫn đến thương tích và mới đây nhất là một giáo viên (GV) ở huyện Quảng Trạch gây án mạng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, gây bức xúc trong dư luận. Liệu đây có phải là lời cảnh báo, nhắc nhở đối với tất cả đội ngũ cán bộ quản lý và GV trong ngành GD-ĐT chứ không phải chỉ ở một cấp học, trường học không, thưa ông?
 
- Ông Đặng Ngọc Tuấn: Mặc dù ngành GD-ĐT đã rất quan tâm đến việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao đạo đức nhà giáo, nhưng rất đáng tiếc là trong thời gian gần đây đã xảy ra các vụ việc nói trên.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng buồn đó là do một số GV thiếu kiểm soát trong hành động, việc làm, lối sống. Riêng đối với trường hợp GV gây án mạng ở huyện Quảng Trạch là một trường hợp hy hữu. Những hành động, việc làm sai trái gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân sẽ chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. 
 
Ngành GD-ĐT nhận thấy đây là lời cảnh báo nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, lối sống, tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Thời gian qua, sở đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đến các cơ sở giáo dục, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm"... Sở sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Công đoàn ngành GD-ĐT để giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho cán bộ, GV. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm để có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
 
P.V: Những thông tin, clip về các vụ đánh nhau trong HS được chia sẻ trên các trang mạng xã hội thời gian qua gây xôn xao trong dư luận. Vậy phải làm gì để ngăn chặn hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, thưa ông?
 
- Ông Đặng Ngọc Tuấn: Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa nội dung rèn luyện 5 phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm vào trong tất cả các môn học và hoạt động giáo dục; chỉ đạo việc đổi mới dạy và học môn Đạo đức, Giáo dục công dân. Đặc biệt, luôn quan tâm, triển khai nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho HS.
 
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, như: Ngày càng có nhiều HS có kết quả học tập, rèn luyện tốt; có những em được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường;... thì vẫn còn một số HS cá biệt, thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống dẫn đến những hành động sai trái. 
 
Việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt tình trạng bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành GD-ĐT mà cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. 
 
Để nâng cao hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, về phía ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt Quy tắc ứng xử trong nhà trường, trong giảng dạy các môn Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Giáo dục địa phương...; chú trọng nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống và trang bị kiến thức đúng đắn cho HS về những hành động, việc làm đẹp, đồng thời có những biện pháp tích cực, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc với HS vi phạm về đạo đức.
 
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của HS trong việc phát hiện, tố giác nhằm xử lý kịp thời các hành vi bạo lực xảy ra trong trường học. Và điều quan trọng nhất là có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động của nhà trường.
 
Ngành GD-ĐT tiếp tục tăng cường các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục nhằm giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ quản lý, GV, nhân viên, HS trong toàn ngành.
Tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh là nhiệm là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
P.V: Thực tế cho thấy việc răn đe, xử lý các vi phạm chỉ là giải pháp trước mắt. Vậy theo ông đâu là giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo và ngăn ngừa bạo lực học đường trong HS.
 
- Ông Đặng Ngọc Tuấn: Tôi nghĩ rằng việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức thông qua việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là giải pháp tích cực nhất nhằm thực hiện quan điểm “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
 
Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành GD-ĐT đã có rất nhiều tấm gương nhà giáo tận tâm với nghề, tích cực bám trụ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa để thực hiện nhiệm vụ trồng người. Đặc biệt, trong điều kiện thiếu GV và thực hiện chương trình GDPT mới đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nhà giáo năng động, sáng tạo, tận tâm với nghề.
 
Nhiều HS gặt hái được những thành tích cao trong học tập, rèn luyện và không ít HS đạt các giải thưởng quan trọng tại các cuộc thi HS giỏi trong nước, quốc tế... Tuy nhiên, vẫn có cán bộ quản lý, GV, HS vi phạm về đạo đức, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
 
Để khắc phục tình trạng trên, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức lối sống trong cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và HS đã được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và ngành.
 
Ngành GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo, HS, khơi dậy trách nhiệm lương tâm nghề nghiệp và khát vọng cống hiến cho sự phát triển của ngành GD-ĐT. 
 
Mặt khác, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố để chấn chỉnh, xử lý nghiêm khi phát hiện vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường.
 
Ngành cũng có những giải pháp nhằm phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường. Và điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ quản lý, GV cần phải nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ hình ảnh, uy tín, danh dự "người thầy", phải luôn “tự soi”, “tự sửa”, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để không ngừng hoàn thiện bản thân, thực sự là tấm gương sáng để HS học tập, noi theo. Mỗi HS phải không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi. 
 
Trên địa bàn tỉnh liên tiếp đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường trong HS ở huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, TP. Đồng Hới và nghiêm trọng hơn là tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra ở một trường tiểu học trên địa bàn huyện Lệ Thủy và vụ việc gây bức xúc trong dư luận là một GV ở huyện Quảng Trạch gây án mạng do mâu thuẫn gia đình. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đã có Công văn số 1488/VPUBND-NCVX về việc chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong cán bộ quản lý, GV, nhân viên và HS trong toàn ngành GD-ĐT.
Nhật Văn (thực hiện) 

tin liên quan

Chấn chỉnh tình trạng bạo lực học đường

(QBĐT) - Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc bạo lực học đường, các hành vi tiêu cực về đạo đức, lối sống của một số cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh thuộc ngành Giáo dục-Đào tạo, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục và dư luận bất bình trong xã hội.

Vụ clip học sinh đánh nhau: Nhà trường đã có hình thức kỷ luật những học sinh vi phạm

(QBĐT) - Ngày 15/4, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 Bắc Lý Đào Viết Thánh cho biết: Liên quan đến vụ xuất hiện clip học sinh đánh nhau, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã kỷ luật những học sinh vi phạm. 

Những "kình ngư nhí" trên đường đua xanh

(QBĐT) - Trong khuôn khổ hội thi thể thao học sinh cấp tỉnh năm học 2022-2023, tại Bể bơi tổng hợp tỉnh đã diễn ra giải bơi lội dành cho lứa tuổi học sinh toàn tỉnh. Các "kình ngư nhí" ở độ tuổi học đường đã cống hiến cho khán giả những trận đấu kịch tích, hấp dẫn trên đường đua xanh.