"ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG"-HÀNH TRÌNH CHIẾN THẮNG

Bài 2: Những trận "thử lửa" với pháo đài bay B52 trên bầu trời Khu 4

  • 07:43 | Thứ Hai, 19/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 18/6/1965, đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 đánh phá khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Ngày 12/4/1966, B52 đánh phá đèo Mụ Giạ và đường 12 ở Quảng Bình. Với quyết tâm nghiên cứu nắm chắc quy luật hoạt động, các tính năng kỹ thuật, chiến thuật B52 phục vụ cho trận quyết chiến chiến lược sau này, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Đặng Tính đã bí mật bố trí lực lượng “ém sát” giới tuyến Vĩnh Linh và địa bàn Quân khu 4. Những trận “thử lửa” đầu tiên với pháo đài bay B52 chính thức bắt đầu ngay chính trên bầu trời Khu 4.
 
 
Tháng 5/1966, Bộ Tư lệnh PK-KQ điều Trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh. Sau gần một năm hành quân, Trung đoàn 238 bí mật cơ động triển khai 2 Tiểu đoàn 81, 83 chiếm lĩnh trận địa “phục kích” đánh B52.
 
Sau một thời gian mật phục, ngày 15/3/1967, mục tiêu B52 xuất hiện, Trung đoàn 238 ra lệnh cho các Tiểu đoàn 81, 83 chuẩn bị đón đánh. Thực tế sau nhiều ngày ém quân trong điều kiện hết sức khó khăn, mưa gió, trên bom dưới đạn nên khí tài của ta bị ẩm, hỏng hóc nhiều, vì thế việc hợp đồng tác chiến giữa hai Tiểu đoàn 81, 83 không thực hiện được, chúng ta để “vuột mất” B52.
 
Ngày 19/5/1967, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng PK-KQ đến thăm chúc mừng sinh nhật Bác Hồ. Bác khen chiến thắng vẻ vang của bộ đội PK-KQ bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Rồi bất ngờ Bác chợt hỏi: Thế còn B52 đâu? Bác căn dặn: Các chú đã vào đến được hang cọp rồi, tuy chưa bắt được cọp nhưng đã chính mắt thấy nó đi về. Các chú phải cố nhìn cho thật kỹ để sau này nó có ra ngoài này là nhận được mặt nó ngay.
Sơ đồ bố trí Sở chỉ huy B8 và bộ đội ra-đa ở thôn Đông Dương năm 1971 do trung tá Lê Trọng Sành, nguyên Cục phó Cục Tác chiến Quân chủng PK-KQ phác thảo. Ảnh: Tư liệu.
Sơ đồ bố trí Sở Chỉ huy B8 và bộ đội ra-đa ở thôn Đông Dương năm 1971 do trung tá Lê Trọng Sành, nguyên Cục phó Cục Tác chiến Quân chủng PK-KQ phác thảo. Ảnh: Tư liệu.

Tháng 8/1967, đồng chí Hoàng Văn Khánh, Phó Tư lệnh Binh chủng tên lửa trực tiếp vào Vĩnh Linh chỉ huy chiến dịch “bắt cọp” B52. Ngày 17/9/1967, tại trận địa T5, Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh) kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84 (tiểu đoàn mới được tăng cường) do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên chỉ huy đánh liên tiếp hai trận, tiêu diệt 2 máy bay B52.

Đây là chiến công lớn, đặc biệt quan trọng, khẳng định tên lửa Sam của chúng ta có thể quật ngã “Siêu pháo đài bay B52”. Ngày 20/9/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh số 100/LCT tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84, Trung đoàn tên lửa 238.

Bác viết thư khen ngợi quân và dân khu 4: Bác rất vui lòng được tin ngày 17/9/1967, Vĩnh Linh lập công xuất sắc, lần đầu tiên bắn rơi 2 máy bay B52 của giặc Mỹ. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác đặc biệt gửi lời khen đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Vĩnh Linh đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang.

Trong cuốn sách “Quân chủng phòng không biên niên sự kiện 1953-1988” xuất bản năm 2000 ghi lại sự kiện: “Ngày 20/11/1971, Bộ đội không quân bắn rơi một chiếc B52. Hai đại đội 41, 45, Trung đoàn ra-đa 290 bảo đảm dẫn đường cho phi công lái máy bay Mig 21 Vũ Đình Rạng bắn bị thương một chiếc máy bay phía Nam Quân khu 4”. Lần theo các cứ liệu lịch sử, chúng tôi tìm về thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch), địa điểm đặt Sở Chỉ huy tiền phương mang bí danh B8 và Trạm ra-đa dẫn đường năm xưa.
 
Ông Hồ Viết Lâm, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, nhân chứng từng gặp gỡ những người từng chỉ huy trận đánh này, như: Trung tướng Lê Văn Tri, trung tá Lê Trọng Sành, trung tá Trần Hanh và đặc biệt là phi công Vũ Đình Rạng nhớ lại: “Cơ duyên thế nào đó, thời kỳ tôi làm Chủ tịch UBND xã Quảng Phương lại vinh dự gặp được những sĩ quan cao cấp của Quân chủng PK-KQ tham gia trận đánh này”.
 
Qua lời kể của các sĩ quan Quân chủng PK-KQ và những tư liệu lịch sử có thể hình dung ra Sở Chỉ huy tiền phương B8 được đặt tại nhà cụ Phạm Hối cạnh đình làng Đông Dương do Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Nguyễn Văn Tiên, Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Mạnh, Trung đoàn trưởng Không quân Trần Hanh phụ trách. Trận địa ra-đa đặt tại thôn Pháp Kệ gồm các sĩ quan dẫn đường: Nguyễn Văn Chuyên, Tạ Quốc Hưng, Lê Thiết Hùng đảm nhận.
 Đình làng Đông Dương, nơi ghi dấu ấn của Sở chỉ huy tiền phương B8 và chiến công dẫn đường của bộ đội ra đa giúp phi công Vũ Đình Rạng bắn cháy B52 trên bầu trời khu 4.
Đình làng Đông Dương, nơi ghi dấu ấn của Sở Chỉ huy tiền phương B8 và chiến công dẫn đường của bộ đội ra-đa giúp phi công Vũ Đình Rạng bắn cháy B52 trên bầu trời Khu 4.
Khoảng 20 giờ ngày 20/11/1971, phát hiện một tốp máy bay B52 xuất hiện cách bắc Sầm Nưa (Lào) 60km, dưới sự dẫn đường tài tình của các sĩ quan ra-đa, phi công Vũ Đình Rạng xuất kích từ sân bay Anh Sơn (Nghệ An). Khi Sở Chỉ huy tiền phương B8 thông báo có 3 mục tiêu B52 cách Mig 21 100km, Vũ Đình Rạng vứt thùng dầu phụ, bay lên cao 10km. Lúc chỉ cách mục tiêu 15km, anh mở ra-đa, tăng tốc Mig21 vượt lên cao.
 
Thấy máy bay B52 lọt vào tầm ngắm, anh phóng một quả tên lửa. Tiếp tục phát hiện thêm chiếc B52 khác, anh khai hỏa tiếp quả tên lửa còn lại, sau đó đưa Mig 21 về hạ cánh an toàn xuống sân bay Anh Sơn. Chiếc B52 đầu tiên dính tên lửa của Vũ Đình Rạng bốc cháy, bay khẩn cấp về sân bay Nakhon Phanom (Thái Lan) và được tháo rời chuyển qua sân bay Utapao.
 
Phi công điều khiển chiếc máy bay B52 do Vũ Đình Rạng bắn bị thương tên Kalp Wetter Haln. Sau này Kalp Wetter Haln tiếp tục lái một B52 khác oanh tạc Hà Nội trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” và bị bộ đội tên lửa bắn rơi. Kalp Wetter Haln bị bắt làm tù binh.
 
Về trận không chiến đêm 20/11/1971 trên bầu trời Khu 4, trong tác phẩm “Mặt đất và bầu trời”, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri viết: “Nhờ tích lũy kinh nghiệm từ trước đây, lần này cả chỉ huy và dẫn đường phát hiện được B52. Vũ Đình Rạng vượt qua bọn F4 lao tới phóng một quả tên lửa Kh-13. Thấy chiếc B52 thứ hai, anh phóng quả tên lửa còn lại. Mãi về sau, theo nguồn tin tình báo thì một trong hai chiếc B52 ấy bị thương nặng và không còn sử dụng được nửa.
 
Sau trận đánh của Vũ Đình Rạng, Không quân ta rút thêm nhiều kinh nghiệm bổ sung vào phương án tác chiến và huấn luyện về cách đánh B52. Bước đầu ta đã bắn trúng nhưng cần phải bắn hai quả tên lửa cùng một lúc thì mới hạ gục được tại chỗ B52 của địch”.
 
“Từ kinh nghiệm thực tiễn, đến trước tháng 11/1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã hoàn thiện cuốn “cẩm nang” mang tên “Cách đánh B52” phổ biến rộng rãi trong toàn lực lượng và các quân, binh chủng hợp thành. Ngày 24/11/1972, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ thống nhất lần cuối cùng trình Bộ Tổng tham mưu “Kế hoạch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng”. Công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng PK-KQ kịp hoàn thành trước ngày 3/12/1972”, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri nhớ lại.
 
Và không ngoài dự đoán, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ngày 8/5/1972, Nixon tuyên bố bắt đầu chiến dịch Linebacker II, đưa B52 ra không kích Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, thành phố miền Bắc: “B52 cần phải được triển khai ra khu vực Hà Nội... Các cuộc không kích phải mang tính chất dữ dội và tàn bạo”, Nixon nhấn mạnh trước Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân.
 
“19 giờ 40 phút ngày 18/12/1972, cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và địch bắt đầu. Không để Tổ quốc bị bất ngờ”, Trung tướng Lê Văn Tri viết trong hồi ký.   
                                                                                                                                                               Ngô Thanh Long
 
Bài cuối: Bản anh hùng ca “Điện Biên phủ trên không”

tin liên quan

Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không: Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự

Từ ngày 18 đến 29/12/1972, quân dân miền Bắc Việt Nam anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, lập nên một kỳ tích vang dội.
 

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, các sở, ban, ngành đã trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trong tỉnh. Báo Quảng Bình lược ghi một số nội dung trả lời của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) mà cử tri quan tâm.

Bài 1: Đường ra trận

(QBĐT) - Nhắc đến chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" của 50 năm về trước (12/1972-12/2022), chúng ta lại tưởng nhớ đến ông, Trung tướng Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân.