Phủ xanh ruộng hoang, gây quỹ yêu thương
(QBĐT) - Bằng tấm lòng yêu thương, sự sáng tạo của chị em phụ nữ (PN), những thửa ruộng hoang hóa, cằn cỗi đã được nhiều chi hội trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bố Trạch phủ xanh bởi những cánh đồng lúa, sắn tươi tốt. Lợi nhuận có được nhờ những mô hình phát huy công sức tập thể đó, chị em đã gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo, khó khăn, giúp đỡ trẻ em tàn tật, mồ côi…
Biến ruộng hoang thành cánh đồng xanh
Những năm gần đây, nhiều diện tích đất ruộng trên địa bàn huyện Bố Trạch bị bỏ hoang do năng suất thấp, sản xuất khó khăn, không thể thực hiện bằng cơ giới hóa từ việc cày đất đến gặt lúa… Bên cạnh đó, cũng có một số diện tích ruộng thiếu lao động do người dân đi làm ăn xa nên không sản xuất.
Xuất phát từ tấm lòng yêu thương của người PN đối với những cảnh đời khó khăn, kém may mắn, chị em nhiều địa phương ở huyện Bố Trạch đã biến tình thương thành hành động. Từ những ruộng bỏ hoang, nhiều chi hội PN đã nảy ra ý tưởng xin nhận để trồng cây gây quỹ hoạt động. Ý tưởng này phù hợp với chủ trương phủ kín diện tích ruộng bỏ hoang của cấp ủy, chính quyền địa phương nên được ủng hộ. Nhờ bàn tay lao động chăm chỉ, cẩn thận của chị em, những mảnh ruộng hoang đã trở thành đồng lúa, luống rau, vườn sắn xanh tốt.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Dương Thị Hồng Mẫn, Chi hội PN thôn Võ Thuận 2, xã Tây Trạch cho biết: “Ý tưởng trồng ruộng hoang gây quỹ được chị em trong chi hội triển khai khoảng 10 năm nay. Từ những diện tích đó, chúng tôi đã cùng nhau góp giống, phân bón, ngày công trồng lúa, sắn. Nhờ sự đoàn kết, chịu khó của chị em trong việc chăm sóc nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Mỗi năm, chi hội nhận trồng khoảng 1.200m2 lúa, đạt năng suất từ 3,5-4 tạ; 1.000m2 sắn, năng suất trên 2 tấn”.
Theo chân chị Mẫn ra thăm mô hình của chi hội, chúng tôi tận mắt chứng kiến những đồng lúa xanh rì, thẳng tắp. Giữa cái nắng hè oi ả, chị em mỗi người một tay, vẫn vui vẻ, hăng say nhổ cỏ, chăm lúa… Vừa làm, chị Dương Thị Ngọc Ánh, Chi hội PN thôn Võ Thuận 2 vui vẻ nói: “Chúng tôi đa phần đều là gia đình làm nông, mặc dù công việc đồng áng khá bận rộn nhưng khi chi hội phát động thì mọi người đều sẵn sàng hưởng ứng đi làm. Mà lạ lắm, làm ruộng nhà về thì nghe mệt nhưng làm ruộng của chi hội thì chị em ai cũng hào hứng, phấn khởi”.
Có thể thấy, mô hình biến ruộng hoang thành những cánh đồng xanh tốt đã được chị em tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm. Nhiều gia đình, ngoài sự có mặt của chị em còn có sự chung tay, góp sức của người chồng. Điển hình như chồng của chị Ánh, sẵn sàng mang cày và bò đi làm đất, cày ruộng ngay khi chị em cần; nhiều gia đình, vợ đau thì chồng đi làm thay…
Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Trạch Hồ Thị Hòa cho biết: “Mô hình tận dụng đất ruộng bỏ hoang trên địa bàn từng thôn để gây quỹ được phát động từ nhiều năm về trước. Từ năm 2020 đến nay, mô hình ngày càng được phát triển mạnh hơn, thu hút nhiều chi hội, hội viên tham gia sôi nổi, nhiệt tình. Đến nay, tổng diện tích thực hiện mô hình trên toàn xã đạt hơn 15.000m2 trồng sắn và lúa”.
Không chỉ có ở xã Tây Trạch, mô hình đã trở thành phong trào lan tỏa sâu rộng ở nhiều chi hội PN thuộc các xã, như: Vạn Trạch, Đồng Trạch, Sơn Lộc, Bắc Trạch, Mỹ Trạch… Theo chia sẻ của các “thủ lĩnh” chi hội, ban đầu nhiều chị em còn e ngại vào hiệu quả của mô hình, tuy nhiên qua một vài vụ thu hoạch, thấy được thành quả và ý nghĩa của hoạt động gây quỹ, các hội viên đã tích cực tham gia nhận ruộng hoang trồng trọt. Từ chỗ vài người tham gia, giờ đây chỉ cần tới vụ mùa là chị em tự giác đồng lòng cùng nhau gieo trồng, phủ xanh ruộng hoang, gây quỹ.
Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Trạch Trần Thị Ngọc Bé chia sẻ: “Mô hình biến ruộng hoang thành những hoạt động yêu thương nhằm cải tạo ruộng hoang, xây dựng quỹ hỗ trợ hội viên PN, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được các hội viên PN trên địa bàn xã triển khai từ cuối năm 2021. Đến nay, chị em đã thu hoạch được một vụ lúa đông-xuân với năng suất đạt 2,8 tạ/sào trên diện tích 2.000m2 (tương đương với 4 sào) và đang tiếp tục chăm sóc lúa vụ hè-thu”.
Gây quỹ yêu thương
Từ những hạt lúa, mầm sắn được gieo trồng trên những cánh đồng khô cằn mang nặng tình đoàn kết, yêu thương, chị em đã “gặt hái” những vụ mùa thành công. Đến ngày thu hoạch, những ruộng lúa, ruộng sắn lại đầy ắp tiếng nói cười phấn khởi. Người cắt, người nhổ, người thu gom sản phẩm… tấp nập, nhộn nhịp như ngày hội. Sau khi thu hoạch xong, các chi hội bán sản phẩm, trừ chi phí, số tiền còn lại được dùng để gây quỹ yêu thương.
Chia sẻ với chúng tôi về thành quả đạt được, chị Hồ Thị Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Tây Trạch phấn khởi cho biết: “Từ việc nhận ruộng hoang trồng lúa, sắn, hàng năm, các chi hội PN trong xã đã gây quỹ khoảng 100 triệu đồng, hỗ trợ trên 40 chị em nghèo, khó khăn vay vốn không lãi mua giống gà, lợn để chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ, các chi hội cũng kịp thời tặng quà, động viên các hội viên đau ốm, bệnh tật, trẻ em nghèo…”
Cùng với xã Tây Trạch, 7/7 chi hội ở xã Mỹ Trạch tham gia nhận làm 19 sào ruộng; một số chi hội ở xã Vạn Trạch, Sơn Lộc, Bắc Trạch nhận 3-4 sào để trồng lúa. Sau khi thu hoạch, mỗi sào cho năng suất khoảng 2,8 tạ/sào, bán được 6-7 triệu đồng, các chi hội đã tích lũy được số tiền từ 20-120 triệu đồng để gây quỹ.
Từ nguồn quỹ này, chị em các chi hội đã lan tỏa yêu thương bằng việc hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi suất để mua con giống sản xuất; thăm hỏi hội viên, trẻ em ốm đau, tàn tật; mua bảo hiểm y tế cho những hội viên thuộc hộ cận nghèo, khó khăn… Bên cạnh đó, nhiều chi hội còn linh hoạt tăng nguồn quỹ bằng việc nhận ngày công làm cỏ, dặm tỉa lúa, trồng sắn…, thu được số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó, các cấp hội PN trên địa bàn huyện đã triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, ghi dấu ấn cộng đồng.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch Nguyễn Thị Trí Hạnh cho biết: “Đến nay, toàn huyện có khoảng 10 xã có chi hội PN tham gia xây dựng và nhân rộng mô hình trồng lúa, sắn trên ruộng hoang gây quỹ hỗ trợ những hội viên, cảnh đời khó khăn. Đây là việc làm rất ý nghĩa, thể hiện tấm lòng yêu thương, nhân ái sâu sắc của chị em. Bên cạnh đó, mô hình còn khẳng định vai trò quan trọng của tổ chức hội trong việc tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ diện tích ruộng hoang tại địa phương, góp phần thu hút các hội viên tham gia vào phong trào chung, xây dựng hội ngày càng vững mạnh”. |
Lê Mai
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.